ClockThứ Ba, 01/05/2018 07:42

Trở về

TTH - Đó là một ngày của năm 1975. Kể từ đó, nhà tôi lúc nào cũng râm ran chuyện. Các cô các chú trong khu tập thể tối nào cũng tụ lại trước hiên nhà để nói chuyện giải phóng miền Nam.

Thêm những con đường hoa, cánh đồng hoa

Tôi, nhỏ tẹo nép vào góc giường, người nghệt ra vì không hiểu vì sao ba tôi lại vội vã về giữa chừng. Đôi mắt của ông hoe đỏ. Nhớ lúc đó, ba ngồi phịch xuống ghế, đôi vai lại rung lên và nói với má tôi “Huế giải phóng rồi mẹ mi ơi! Huế...”. Tiếng ba ngắt quãng, và tôi lại một lần nữa nghệt ra vì không chỉ ba, mà má cũng bật khóc, cả anh và chị của tôi nữa.

Đó là một ngày của năm 1975. Kể từ đó, nhà tôi lúc nào cũng râm ran chuyện. Các cô các chú trong khu tập thể tối nào cũng tụ lại trước hiên nhà để nói chuyện giải phóng miền Nam. Những câu chuyện chiến sự hồi ấy như thế nào, ra sao, tôi nghe lõm bõm và chẳng thể nào nhớ được. Cô bé 7 tuổi là tôi hồi ấy vẫn nhảy lò cò cùng lũ bạn, nhưng với một niềm hãnh diện hơn hẳn là một ngày nào đó, sẽ rời Thanh Hóa để về quê. Dù nói thật, Huế trong tôi lúc ấy chẳng mảy may có một mặc định nào, ngoài mấy danh từ nghe ba má thường hay nhắc như sông Hương, núi Ngự, chợ Đông Ba hay bến sông ở Phường Đúc và món vả kho tôm của nội đã trở nên nằm lòng trong những câu chuyện ba kể.

Một ngày khác, ba cũng trở về sớm hơn mọi khi. Cũng đôi mắt hoe đỏ. Ba đưa thư gửi ra từ Huế và bảo với cả nhà “Bà nội mất rồi, Cúc (là o tôi) cũng mất rồi... nhưng ông nội còn khỏe. Mấy đứa (là các o chú tôi) cũng còn khỏe...”. Đó cũng là lần đầu tiên sau mấy chục năm bằn bặt xa quê để tập kết ra bắc, ba má mới có tin từ Huế. Cũng bắt đầu từ đó, nhà tôi lại râm ran một không khí khác. Mọi thứ được thu xếp gọn lại. Một số thứ được chuyển cho nhà hàng xóm. Gian nhà bỗng trở nên rộng rênh nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy chật cảm giác sắp được về quê, sắp đến ngày về quê... Sự háo hức còn được nhân lên gấp bội khi chị đầu của tôi sau chuyến được ba gửi theo xe của người quen vào “tiền trạm” trước xuất hiện đầu con dốc, áo hoa xanh, kính mát trông lạ lẫm như đến từ một thế giới khác, đương nhiên là không quên ôm theo một con búp bê mắt nhắm mắt mở, y như là mang về cả một thiên đường cho cô em út.

Rồi ngày trở về cũng đến. Tôi nhỏ, nên chắc chắn là đã khóc vì má chưa kịp về cùng chuyến, nhưng niềm háo hức cũng xóa đi được ít nhiều nước mắt. Ba cha con tôi đã ngồi trên thùng xe tải hết 3 ngày 2 đêm mới vào đến Huế. Tôi nhớ cái cảm giác bơ phờ của mình khi xe dừng trên đoạn đường trước bến Văn Lâu chừng như tan biến khi được o chú tôi đón về nhà ở 26 Bạch Đằng, bên sông Gia Hội. Nhớ ba tôi đã có cuộc nói chuyện vừa rôm rả, vừa lặng lẽ như thế nào trong gian nhà gỗ lúc ấy có rất nhiều cột của o. Nhớ mình thèm lắm, nhưng đã lúc lắc đầu khi o tôi nói gọi cho con tô bún nghe. May là o vẫn gọi, để đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in tô bún bò đầu tiên với mùi vị lạ lẫm. Nhớ là chưa bao giờ, tôi được bữa ngon đến như thế!

Một thời gian sau thì cả nhà sum họp tại Huế khi chị gái thứ của tôi tốt nghiệp Trường cấp 3 Lam Sơn; chị gái thứ hai rồi cũng trở về sau khi tốt nghiệp lớp cao đẳng kế toán. Chị gái đầu trở thành giáo viên Trường công nhân Kỹ thuật Bưu điện tận Đà Nẵng. Sân Ngân hàng Kiến thiết – tiền thân của BIDV bây giờ - nơi mà ba má tôi trở về công tác là một khoảng rộng, có rất nhiều những cây nhãn cổ thụ. Tôi cũng không nhớ mình có được ăn nhãn ở đó không, nhưng lá nhãn đã giúp nhà tôi thay củi với những chiếc nồi mà tôi chẳng bao giờ nhấc nổi, ngoài nhiệm vụ ngồi đun lá. Hồi đó hình như ai cũng vậy, cũng tận dụng những gì có thể cho cuộc sống hàng ngày, khi mà mọi thứ đều thiếu ở những năm sau chiến tranh. Tôi nhớ những ngày trệu trạo ăn bo bo hầm; ăn sắn lát hấp mà mơ hoài một bữa cơm trắng. Một chiếc kẹo cũng sẽ là cả thế giới. Nhớ là chị em tôi luôn khấp khởi chờ o tôi mỗi lần ghé qua sẽ mang cho lũ cháu ít cá, ít thịt và có khi kêu luôn gánh bún đang bán dở vào cho lũ cháu. Một lần ngước lên, tôi đã không hiểu vì sao o lại rưng rưng nước mắt khi rõ ràng là nồi bún ngon đến chút nước cuối cùng.

Hơn 40 năm đã qua. Cháu của o giờ đã bắt đầu U50, U60 và U70 cả rồi. Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều khi thay vì ngôi nhà tập thể ở tầng 2, tôi đã đưa má về ở một nơi khác, khang trang và thuận tiện hơn kể từ sau ngày ba tôi đi xa mãi. Những đứa con, đứa cháu của tôi giờ nghe kể chuyện ngày xưa thèm ăn, chuyện mẹ nó thèm cả viên đá lạnh hay cây crem lạo xạo, chuyện đi quét lá, đi tìm hái rau heo những chiều đông buốt giá cứ như là chuyện cổ tích. Một số đã có bằng lái xe, đi du học hay bắt đầu cuộc sống tự lập với một phong thái mới, chững chạc, tự tin và không thể tượng tượng được nỗi thèm muốn của cha mẹ hay cô bác mình mấy chục năm trước. Thành phố cũng khác, rộng ra, đẹp hơn ở những chiều kích khác. Nhưng thành phố vẫn tràn đầy ký ức bên dòng sông hiền hòa và sự cổ kính của các di sản văn hóa...

Và tôi nữa, dù có những ngày buồn vui thực lòng vẫn cứ loay hoay để trở về sau những ngày rong ruổi nơi nào đó xa Huế.

HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ
Lê Brothers và hành trình trở về

“The Return - trở về” là câu chuyện được kể bằng hình ảnh và video vừa được anh em nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers) giới thiệu đến công chúng vào chiều 8/1 tại không gian nghệ thuật Manzi (số 2 ngõ Hàng Bún, Q. Ba Đình, Hà Nội).

Lê Brothers và hành trình trở về
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu
Return to top