ClockThứ Sáu, 05/02/2016 09:08

Trở về để yêu thương

TTH - Khi internet bùng nổ, người ta không nghĩ nhiều đến chuyện mua thiệp giáng sinh viết lời chúc mừng như trước đây nữa. Vì thế, nguồn quỹ hỗ trợ cho trẻ em ít lại song không vì thế mà hoạt động này ngừng trệ. Bà Lê Kim Ngọc, người sáng lập ra Hội AEVN cho biết: “Bán thiệp giáng sinh không thu được nhiều tiền nhưng các thành viên trong hội vẫn in thiệp đến các nhà thờ đứng bán, để mọi người biết rằng, hoạt động thiện nguyện dành cho trẻ em mồ côi ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Hữu nghị 
cho vợ chồng giáo sư trong năm 2015. Ảnh: nhân vật cung cấp

Ước mơ có một mái ấm, có người thân sum vầy trong những ngày Tết đã thành hiện thực đối với trẻ em Làng SOS Huế. Các em được đón Tết ngay trong làng, đi chợ Tết, sắm sửa áo quần đẹp, cùng các mẹ canh nồi bánh chưng bên bếp lửa bập bùng. Người đem đến cho các em mùa xuân ấy là vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc.

Ở tuổi 80, vợ chồng giáo sư vẫn không ngại di chuyển qua lại giữa Pháp và Việt Nam, ở đó có những đứa trẻ quê nhà đang trông ngóng. Mười sáu tuổi, họ nhận được học bổng du học tại trường đại học danh tiếng Sorbonne (Pháp) và thành danh trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hai giáo sư được xem là “bậc thầy của ngành nghiên cứu lý thuyết vật lý nguyên tử và thực vật học”. Công việc thiện nguyện của họ bắt đầu từ thập niên 70 khi chiến tranh Việt Nam vào giai đoạn ác liệt. Họ quyết định thành lập Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp (AEVN) bằng cách bán thiệp giáng sinh ở nhà thờ Đức Bà Pari để kêu gọi mọi người cùng chung tay xây mái ấm cho những đứa trẻ bị mất bố mẹ trong chiến tranh.

Giáo sư Trần Thanh Vân với con trẻ ở Làng trẻ em SOS Huế. Ảnh: nhân vật cung cấp

Lên làng SOS Huế một ngày đầu xuân, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng già với mái tóc bạc trắng và nụ cười đôn hậu đang vui đùa cùng bọn trẻ. Mỗi lần về thăm làng, ông bà rất quý thời gian ấy, muốn ở với các cháu lâu hơn để được nghe tiếng con trẻ học bài, tiếng chúng í ới gọi nhau trong ngôi nhà tràn đầy ánh nắng. Ông bà có thể ngồi hàng giờ để nghe bọn trẻ kể chuyện, những câu chuyện ngây ngô nhưng lấp lánh niềm hạnh phúc. Mỗi đứa mỗi tính, có em rất ngoan nhưng không ít em thích nổi loạn, bỏ nhà chơi game. Thế nên, bằng tình thương của người bà, sự nghiêm nghị của người ông đã kéo các em đến trường trở lại. Trong mắt bọn trẻ, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc là những người thầy, đem đến niềm tin, sự khát khao cho con trẻ học tập và cống hiến. Tại ngôi làng này, họ có gần 100 đứa cháu nội, ngoại và cũng vài chục đứa chắt cứ quấn quýt mỗi khi ông bà về thăm làng. Em Kim Anh thổ lộ: “Vợ chồng em cùng vào làng từ lúc còn bé, không người thân thích, lớn lên học đại học rồi lấy nhau. Cả hai đều không có sự hỗ trợ của nội ngoại nên rất khó khăn, nhưng hai ông bà thêm một lần nữa cưu mang chúng em, giúp đỡ từ vật chất lẫn tinh thần giúp vợ chồng em vun đắp tổ ấm”.

Sự giản dị, chân phác của vợ chồng giáo sư khiến nhiều người cảm phục. Họ tiết kiệm tối đa nhu cầu của bản thân để có được một khoản tiền cho bọn trẻ. Đằng sau sự uyên bác, trí thức ấy là cả niềm âu lo, tính toán để có tiền tỷ xây làng SOS Huế và tiền tỷ để lo cho bọn trẻ ăn học (từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm). Những suất học bổng của GS Odon Vallet, bạn thân của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đã hỗ trợ các em ở làng SOS Huế có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin và theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học ở các nước trên thế giới. Suốt hơn 15 năm trời, gần 100 đứa trẻ mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa đã được sống tiếp với tuổi thơ của mình. Ở ngôi làng ấy, đứa lớn bày cho đứa bé học, vậy mà bọn trẻ đều học giỏi. Năm nào cũng có em đỗ vào trường chuyên, lớp chọn hay thủ khoa đại học ở các trường và đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, em Hoàng Thị Anh Đào bảo vệ luận án tiến sĩ và nay là giảng viên tại Trường Đại học Khoa học Huế. Hay, em Bùi Văn Phố nghiên cứu sinh ở Nhật dưới sự hỗ trợ tích cực của hai ông bà. Quả ngọt từ tình yêu thương và sự nỗ lực hết mình của người chăm sóc, trong ngôi làng ấy có đến 40 đứa trẻ đã tốt nghiệp đại học, và có công ăn việc làm ổn định.

Sau lưng các em luôn có bóng dáng của những người ông, người bà sẵn sàng nâng đỡ khi các em bước vào cuộc sống tự lập. Nhiều em khi bước vào đời, có trong tay vốn liếng từ 50 đến 60 triệu đồng, phần quà mà hai vợ chồng giáo sư dày công tìm kiếm từ các suất học bổng. Từ đó, ông bà dạy cho các em biết tự lập, biết tính toán trong chi tiêu. Khi lập gia đình, các em có của hồi môn, vơi bớt cảm giác cô đơn, hiu quạnh. Khi ốm đau, bất trắc… các em có được bờ vai để che chở, vỗ về. Bà Ngọc thổ lộ, nhiều cháu hồi gia rồi nhưng chúng tôi có thể gặp nhau qua mạng xã hội, gọi điện thoại. Những buồn vui, thăng trầm của cuộc sống các em đều sẻ chia. Hiểu tâm tính của các cháu từ bé nên lắm lúc vợ chồng tôi phải tư vấn kỹ lưỡng để các em tự tin bước tiếp trên con đường của mình. Chúng tôi mồ côi bố mẹ từ rất nhỏ nên hơn ai hết hiểu cảm xúc của bọn trẻ.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những người ươm mầm thầm lặng

Gần 20 năm qua, hình ảnh ba vị giáo sư Odon Vallet, Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc đã quá quen thuộc với những người làm khuyến học, những cô cậu học sinh, sinh viên Huế được nhận học bổng Vallet vào đầu mùa tựu trường.

Những người ươm mầm thầm lặng
GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

“Điều tôi mong mỏi nhất ở Việt Nam chính là tất cả hệ thống đặt niềm tin, động lực phát triển vào con người, vào nhân lực. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho nhân lực của mình đủ sống chứ không phải lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ”, GS Trần Thanh Vân trăn trở.

GS Trần Thanh Vân “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”
Return to top