ClockThứ Hai, 12/04/2021 14:15

Trọn nghĩa vẹn tình

TTH - Người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng có văn hoá chọn nghĩa trang rất cẩn thận và kỹ lưỡng để làm nơi an nghỉ cho tổ tiên, các bậc sinh thành.

Hương An Viên có cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, đảm bảo nhu cầu an táng, cải táng của người dân

Khó quản lý

Dân số ở đô thị ngày càng tăng, nhu cầu về đất nghĩa trang cũng theo đó tăng lên.

Tại TP. Huế, hàng chục năm qua, sự thiếu quy hoạch cộng với lỏng lẻo trong quản lý đã khiến rất nhiều diện tích đất ở khu vực đường Ngự Bình - Núi Bân bị biến thành khu nghĩa trang rộng lớn.

Khu vực núi Ngự Bình, núi Tam Thai (phường An Cựu), hàng ngàn ngôi mộ nằm san sát nhau, xen lẫn với nhà dân. Bên cạnh nhiều ngôi mộ có chủ, rất nhiều “mộ gió” được người dân “xí phần” bằng cách đắp đất hoặc xây từng khuôn mộ tròn trước cho người thân hoặc chờ bán sang tay.

Đại diện lãnh đạo phường An Cựu cho hay, vẫn có tình trạng người dân giành đất bằng cách đặt bờ lô, xây mộ gió, mộ giả. Việc này về mặt quản lý rất khó khăn vì đụng đến vấn đề tâm linh và khó xác định thật hay giả.

Trong nếp nghĩ của người dân Việt Nam nói chung, người dân Huế nói riêng, trước lúc ra đi đều mong muốn nơi an nghỉ cuối cùng phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” và được “nằm cùng” người thân trong nhà. Chính vì vậy, không riêng nhiều khu vực dân cư trong thành phố, nhất là ở địa bàn nông thôn, tình trạng mồ mả khuất sau rặng tre, trong vườn nhà, hiển hiện trên các trục lộ chính và xen kẽ giữa cánh đồng khá phổ biến.

Thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương, ngoài những khu nghĩa địa tập trung còn nhiều diện tích chôn cất phân tán. Nhiều nghĩa địa quá tải, chính quyền phải cắm biển đóng cửa. Tình trạng dành đất cho người chết tại các vùng nông thôn diễn ra nhiều nơi.

Lâu nay, đối với những gia đình khá giả sẽ an táng người thân ở các khu nghĩa trang đạt chuẩn. Số còn lại do hoàn cảnh kinh tế, điều kiện gia đình và nhiều nguyên nhân khác, đã đem chôn người thân ở các nghĩa trang gia tộc, nghĩa trang tư hoặc trên khu đất của gia đình. Vì các nghĩa trang tự phát, không theo quy hoạch, dẫn đến mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nhiều vấn đề phức tạp liên quan.

Trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương, được biết, đây là vấn đề tâm linh mà người Việt rất coi trọng nên khó khăn trong việc quản lý, vận động.

Hiện, quy hoạch khu nghĩa trang tập trung đã có chủ trương nhưng kinh phí là bài toán nan giải. “Về nguyên tắc, những khu nghĩa địa đóng cửa không sớm thì muộn sẽ phải di dời nhưng người dân còn nặng yếu tố tâm linh và nguồn lực có hạn. Mặt khác, những khu nghĩa địa phân tán, lấn đất thổ cư, đất nông nghiệp, lâm nghiệp cần được di dời. Thế nhưng, để làm được điều này không dễ”, lãnh đạo thị xã Hương Trà chia sẻ.

“Sống cái nhà, chết cái mồ”

Anh Tiến Dũng (42 tuổi), ở TP. Huế có mộ ông bà nội và một người bác đã chôn từ lâu trên cánh đồng ở quê (xã Phong Bình, huyện Phong Điền). Vì đường sá xa xôi, gia đình giao cho anh nhiệm vụ tìm một miếng đất hay nghĩa trang phù hợp ở thành phố để cải táng mộ ông bà và bác, đồng thời tìm sẵn chỗ cho người thân sau này có thể yên nghỉ quây quần với ông bà.

Sau cả tháng tìm kiếm, anh Dũng vẫn chưa tìm được mảnh đất rộng ưng ý. “Tâm lý chung là phú quý sinh lễ nghĩa, lo nhà cho người sống xong thì phải lo “nhà” cho người đã khuất. Mồ mả ông bà có sạch đẹp, trang trọng thì con cháu dù ở xa cũng phần nào yên tâm để làm ăn”, anh Dũng nói.

Gia đình bà Hoa ở đường Duy Tân (TP. Huế) có mộ người thân hai bên nội ngoại đều chôn ở núi Ngự Bình, nghe tin khu vực này chuẩn bị quy hoạch, giải toả để làm công viên văn hoá, cả nhà đang lo lắng tìm nơi để di dời gần 10 ngôi mộ của dòng tộc.

Theo bà Hoa, phong thuỷ tốt xấu của phần mộ tổ tiên ảnh hưởng đến vận mệnh tiền đồ của con cháu và phúc phận của cả dòng họ. Do đó, phải rất cẩn trọng trong lựa chọn nơi chôn cất, cải táng mộ phần.

“Trước đây, khi chọn nơi chôn cất người thân, chỉ cần có mảnh đất vuông vắn, quan trọng nhất là gần nhà để con cháu đi lại thăm nom thuận tiện, nhưng ai ngờ, khu vực lăng mộ này sắp phải di dời nên trong nhà chỉ mong tìm được nghĩa trang đã được Nhà nước quy hoạch ổn định, “đẹp về vị trí, tốt về phong thuỷ” để đưa ông bà về”, bà Hoa nói.

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang toàn tỉnh thì nghĩa trang sẽ không bố trí trong nội thị, không bố trí gần nguồn nước, cách công trình khai thác nước trên 2,5km, cách đường giao thông chính trên 300m. Khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư gần nhất là 1,5km. Đồng thời, di dời các khu nghĩa địa nhỏ lẻ xen lẫn trong đất canh tác, khu dân cư vào các nghĩa địa đã được khoanh vùng và nghĩa trang theo quy hoạch.

Đáp ứng các quy định của Nhà nước, hiện công viên nghĩa trang Hương An Viên được xây dựng theo hướng công viên sinh thái với tổng diện tích 52 ha, có cơ sở hạ tầng bài bản với khuôn viên rợp bóng cây xanh, hoa lá, thảm cỏ, tạo hình ảnh mới về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Theo đại diện chủ đầu tư, Hương An Viên đảm bảo nhu cầu về cải táng, an táng của người dân, đảm bảo môi trường sinh thái, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, tỉnh. Đơn vị cũng chuẩn bị đội ngũ tư vấn, thiết kế và xây dựng chuyên nghiệp, sẵn sàng tư vấn cho khách hàng những mộ phần phù hợp với khả năng về tài chính, tín ngưỡng và ý nguyện của gia đình. Bên cạnh đó, lãnh đạo Hương An Viên sẵn sàng chung tay cùng Nhân dân lo việc di dời mộ phần đóng góp an sinh xã hội cho thành phố Huế.

Bài, ảnh: LM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về cội nguồn

Phong tục thờ cúng tổ tiên là tục lệ thờ cúng những người đã khuất trong gia đình, dòng họ. Đối với người dân Việt Nam, đây là phong tục lâu đời, là nét đẹp văn hóa của lòng hiếu thảo, nhớ đến cội nguồn của mình.

Hướng về cội nguồn
Return to top