ClockThứ Tư, 05/05/2021 19:09

Trọn vẹn, và còn hơn thế…

TTH.VN - Trong số các loài cây trồng ở Huế, có lẽ, 4 cây chà là Canary được trồng trong khuôn viên Công ty Xăng dầu cũ, nay là nơi tòa nhà Vincom tọa lạc là nổi tiếng nhất. Nổi tiếng có thể không phải vì chúng quá hiếm, nhưng mà chúng lại là những cây chà là Canary được biết là “độc nhất” ở Việt Nam và đã có tuổi đời hơn cả thế kỷ.

4 cây chà là Canary khi đang còn ở trong sân vườn Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế

“Số phận” của 4 cây chà là này cũng khá long đong li kì. Khi đang nằm trong sân vườn của trụ sở Công ty Xăng dầu, lại trong lúc cơm áo gạo tiền vẫn còn là nỗi lo và gánh nặng thường trực của cả người dân và chính quyền, chuyện cây cỏ vẫn đang là thứ yếu, chưa mấy ai để tâm tìm hiểu thì mấy cây chà là Canary kia cũng như những cây đoác hay cây cọ gì đó trong mắt mọi người. Chúng cứ vô tư, cứ lặng lẽ mà sống, mà phát triển như bao loài cây bình thường khác.

Sau này, khi đời sống dễ thở hơn, mọi người quan tâm đến chất lượng cuộc sống, cây xanh thành phố cũng theo đó mà được để mắt chăm chút nhiều hơn, giới chuyên môn chợt sững người khi “phát hiện” ra 4 cái cây có dáng thế và bộ lá đẹp đẽ thế kia giữa lòng thành phố cố đô. Họ thốt lên: Trời ạ, chẳng phải cọ, chẳng phải đoác như nhiều người lầm tưởng, mà đó là chà là Canary, và cả đất nước lúc ấy mới chỉ có 4 cây ấy mà thôi, chúng được dẫn giống từ xứ Phi châu xa xôi, về đinh cư bên dòng Hương này đến cả trăm năm rồi…

Và cũng kể từ đó, mấy cây chà là kia trở nên nổi tiếng. Chúng xuất hiện trên nhiều mặt báo, được doanh nghiệp thủ đắc để tâm chăm sóc gìn giữ, được giới cây xanh ngó nghiêng tìm cách nhân giống…

Khi trụ sở Công ty xăng dầu được triệt giải để phục vụ xây dựng khách sạn Petrolimex, 4 cây chà là được chuyển về gửi tạm tại khuôn viên Trung tâm Giao lưu Kinh tế Văn hóa Thừa Thiên Huế - Okinawa (Huewacent) trên đường Lâm Hoằng thuộc phường Vỹ Dạ. Dự kiến sau khi khách sạn Petrolimex xây xong, cây lại sẽ được chuyển về chốn cũ. Tuy nhiên, sau đó thì do cơ chế thay đổi, việc đầu tư xây dựng khách Petrolimex bất thành nên 4 cây chà là Canary buộc cam phận "ăn nhờ ở đậu" nơi thôn Vỹ suốt cả chục năm trời khiến giới chuyên môn hết sức thắc thỏm vì lo cây chết, bởi vùng Vỹ Dạ là vùng thấp trũng, mà chà là Canary là loài cây không chịu được ngập úng. May sao, sau nhiều lần “thương thảo” và với thiện ý của doanh nghiệp, năm 2018, UBND Tp Huế đã thành công trong việc đưa 4 cây chà là quý trở thành tài sản chung của vùng đất sông Hương núi Ngự.

Và trước thềm năm mới Kỷ Hợi-2019, mấy cây chà là Canary đã được Tp Huế giao cho Trung tâm Công viên Cây xanh đưa về trồng tại đảo giao thông giữa ngã sáu Nhà văn hóa Trung tâm. Chỉ với mấy cây cây chà là Canary, phối với vài phiến đá cảnh và thảm cỏ xanh, đảo giao thông ngã sáu Nhà văn hóa Trung tâm đã trở thành một điểm nhấn tuyệt đẹp của Huế khiến ai cũng trầm trồ, nhất là với những người  biết rõ giá trị của chúng. Có điều, gia đình chà là Canary khi đi thì 4 cây, nay quần tụ trở lại thì chỉ còn có 3, đó là điều khiến không ít người thắc mắc. Tìm hiểu mới hay, 1 trong 4 cây khi đang tạm trú ở Vĩ Dạ đã bị ai đó dùng lửa đốt ong rồi …đốt luôn cả cây. Cây tổn thương đến mức có nguy cơ khó sống. Thông tin đó khiến ai cũng ngẩn ngơ tiếc và buồn; cầu mong cho cây sẽ tai qua nạn khỏi.

Bẵng đi một thời gian, dịp lễ 30/4- 1/5 vừa rồi tôi chạy về Vỹ Dạ, ghé đường Lâm Hoằng để “thám thính” tình trạng cây đã thế nào rồi. Để rồi vỡ òa vui sướng khi thấy cây chà là gặp nạn năm nào nay thực sự đã hồi sinh, mạnh khỏe. Tán cây sum suê, xanh um mơn mởn trông thật tràn đầy sức sống. Khu vực có cây chà là bây giờ được một người cô gái trẻ thuê làm điểm kinh doanh hoa cảnh, gốm sân vườn. Giọng Sài Gòn dễ thương, cô gái “khoe”: “Nó sống lại là nhờ em đấy…”. Tôi cười, lẩn thẩn nghĩ có khi là đúng thế thật. Phân tro, nước tưới cho hoa và cây cảnh xung quanh, cây chà là cũng được “ăn theo” là một lẽ. Lại có tiếng người ríu ran trò chuyện mỗi ngày, có khi cây cũng thấy vui mà hồi phục cũng nên. Mà mặc lý do gì, chỉ cần cây trở lại tươi xanh, mạnh khỏe, thế là quá đủ.

Vậy là sau bao thăng trầm, gia đình chà là Canary của Huế vẫn trọn vẹn đủ đầy 4 thành viên như cũ. Và còn hơn thế, một thế hệ cháu con của chúng cũng đã được nhân giống thành công và đang tạo thân, vươn tán nơi công viên Hộ Thành hào bên đường Lê Duẩn. Với những người Huế như tôi, có lẽ đó là những thông tin thật vui, thực rạng rỡ giữa những ngày Covid buồn bã này.

Trong thời gian "gửi tạm" ở Vỹ Dạ

Trước Tết Kỷ Hợi-2019, 3 cây chà là Canary được đưa về trồng tại ngã sáu trung tâm TP. Huế, 1 cây vẫn ở lại nơi tạm cư do thương tổn vì bị ai đó vô ý thức dùng lửa đốt ong 

Niềm vui òa vỡ khi thấy cây đã lại hồi sinh...

...Dù vết cháy vẫn còn hằn in trên thân cây như một lời nhắc nhở

Một thế hệ "con cháu" đã được nhân giống thành công

Bài- ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó
Tiếp nhận cá thể tê tê quý hiếm

Sáng 9/1, Phòng Thanh tra-Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tìm thấy và tiếp cận được người dân nhằm tuyên truyền, vận động giao nộp cá thể tê tê cho cơ quan chức năng.

Tiếp nhận cá thể tê tê quý hiếm
Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc

Để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị của sản phẩm bưởi thanh trà, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh bưởi thanh trà theo hướng bền vững, an toàn, thông minh” với quy mô 5ha trên địa bàn xã Hương Thọ (TP. Huế).

Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc
Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

Đối với hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, chị Văn Thị Dịu, Chi hội trưởng Chi hội thôn Trung Kiều, không những là một tấm gương về cán bộ hội năng động, nhiệt tâm mà chị còn là một điển hình kinh tế giỏi. Từ mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, chị đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Đến nay, mô hình trồng nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế
Return to top