ClockThứ Sáu, 13/11/2020 14:14

Trồng 1 tỷ cây xanh không khó

TTH - Lũ lụt, sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở miền Trung vừa qua phá hủy các làng mạc, cướp đi sinh mạng của nhiều người đã làm nóng nghị trường Quốc hội và dư luận xã hội.

Nguyên nhân được chỉ ra có cả yếu tố khách quan và chủ quan, như biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất, địa hình, tác động của con người do quá trình phát triển hạ tầng, thủy điện, phá rừng…

 Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 10/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bất luận vì nguyên nhân gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt. Ngoài tiếp tục nhất quán quan điểm đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần phải “tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thủ tướng cũng đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị.

Trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng là điều được cha ông ta đã thực hiện từ rất lâu. Tục trồng cây lưu niệm được ghi lại trong sử sách từ thời Lý, qua thời Lê và đến thời Nguyễn vẫn duy trì bài bản.

Theo Đại Việt Sử ký, sau khi đánh đuổi quân Minh, vua Lê Thái Tổ ra chỉ dụ các quan phải trồng cây, trồng hoa khôi phục vẻ đẹp kinh thành Thăng Long. Thời Nguyễn, tục trồng cây của vua và các quan còn lưu lại tại rừng thông quanh đàn Nam Giao. Còn trong dân gian, nhiều bản làng từ miền núi đến ven biển, nhiều khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các hương ước, quy ước, luật tục.

Trở lại với sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tính theo mật độ trồng rừng gỗ lớn (600-700 cây/ha) thì sau 5 năm nữa, nước ta có thêm khoảng 1,5 triệu ha rừng. Nếu trồng phân tán ở các khu đô thị,  diện tích có cây xanh che phủ lớn hơn nhiều.

Nếu tính bình quân đầu người, với dân số gần 100 triệu người, mỗi người chỉ cần trồng 10 cây xanh trong vòng 5 năm thì chắc chắn không phải là quá khó thực hiện, nhưng hiện thực hóa mục tiêu này cần có cách tổ chức phù hợp, nhất là việc quy hoạch, dành quỹ đất để trồng cây gây rừng.

 Thực tế hiện nay, đất rừng hầu hết đã có chủ, đất trống không còn nhiều, nếu còn chỉ ở những nơi khó khăn về giao thông, xa khu dân cư, việc trồng rừng và bảo vệ rừng là không đơn giản. Với những diện tích đất rừng đã giao cho người dân trồng rừng kinh tế thì không dễ thu hồi. Vì vậy, để có quỹ đất trồng rừng tập trung, nhất là trồng cây bản địa làm giàu vốn rừng, cần rà soát lại diện tích rừng nghèo, đất trống do các ban quản lý rừng, doanh nghiệp nhà nước quản lý để tiến hành trồng lại rừng.

Với diện tích rừng trồng kinh tế, đi đôi với vận động cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, để làm giàu vốn rừng, kéo dài chu kỳ khai thác, tăng hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả bảo vệ môi trường, chống xói mòn, sạt lở.

Riêng với trồng cây phân tán trong đô thị, điều này tưởng chừng thuận lợi nhưng lại vướng nhiều. Thực tế, hầu hết các đường phố đã được trồng cây xanh, muốn trồng thêm cũng không dễ vì thiếu quỹ đất. Vì vậy, với các khu đô thị mới hay các khu quy hoạch cần có những quy định, chế tài ràng buộc các chủ đầu tư dành quỹ đất nhất định để trồng cây xanh tập trung, tạo thành những “khu rừng trong phố”; quy hoạch hè phố phải đảm bảo đủ rộng để trồng cây xanh...  

Nếu làm tốt bài toán quy hoạch, gắn vai trò trách nhiệm đi đôi với quyền lợi của các chủ thể, từng cá nhân trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ cây rừng, chắc chắn chúng ta sẽ có những “tấm áo” đẹp và ấm, tạo cảnh quan môi trường, góp phần bảo vệ đất đai, làng mạc, chống biến đổi khí hậu.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết Mỹ đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hỏa hoạn và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ USD (mỗi thảm họa) trong năm 2023 và nhiệt độ trung bình của nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

TIN MỚI

Return to top