ClockThứ Năm, 11/04/2013 05:53

Trồng chuối hàng hóa

TTH - Mới đây, có dịp lên A Lưới, đọc bản báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của UBND xã Nhâm, tôi tò mò dừng lại khá lâu ở thông tin về việc xã vùng núi này trong năm qua đã tăng cường mở rộng diện tích trồng chuối hàng hóa trên địa bàn. Không có số liệu cụ thể về số diện tích chuối trồng hàng hóa là bao nhiêu, báo cáo chỉ cho biết toàn xã năm qua trồng được 12 ha chuối, nhưng lại gây chú ý bởi cách tính về số tiền mà bà con xã Nhâm thu được mỗi buồng chuối bán ra là 100.000 đồng.

Thổ nhưỡng và đặc điểm khí hậu nói chung của vùng cao A Lưới thích hợp với loại cây chuối vốn dễ trồng, ít dịch bệnh. Việc trồng chuối cũng chẳng xa lạ chi với bà con nơi đây. Lần đầu tiên lên A Lưới cách nay mấy chục năm, tôi đặc biệt thích thú và ấn tượng về hình ảnh màu xanh bạt ngàn của chuối. Chuối nhà, chuối rừng xen lẫn, phủ kín những quả đồi, nương rẫy và cả những mảnh đất hoang hóa dọc theo hai bên đường. Gặp lúc khó khăn, sắn độn thay cơm, cả tuần lễ ở thị trấn, buổi sáng bọn sinh viên chúng tôi có thú vui… ăn chuối. Giá chuối rẻ như cho và cách bán cũng thật lạ khi cả buồng chuối hay nải chuối to nhỏ đều được mế, các o sơn nữ chỉ hô đúng một giá tiền. Vậy nên, buổi sáng lạnh run người cả bọn cũng cố gắng dậy sớm để tranh thủ mua cho được vài nải chuối to.

Đó là cái thời mà chuối trồng ra chỉ để ăn, là sản phẩm của mô hình kinh tế tự cung tự cấp và cũng là hệ quả của sự đi lại khó khăn do giao thông yếu kém, những bản làng nằm hút sâu trong núi cao và rừng thẳm không có nhiều điều kiện để giao lưu với bên ngoài. Nó khác xa với cái gọi là trồng chuối hàng hóa của người dân xã Nhâm và đồng bào A Lưới hiện nay. Đã có định nghĩa rõ ràng về khái niệm “hàng hóa” trong sách giao khoa bộ môn kinh tế - chính trị Mác Lênin và có thể hiểu một cách nôm na, rằng “trồng chuối hàng hóa” là trồng chuối để… bán. Nó được xem là sự đổi thay vượt bậc, mang tính cách mạng cả trong nếp nghĩ lẫn cách làm của người dân nơi đây.

Rõ ràng, khi mà việc trồng chuối hướng đến mục tiêu để bán thì người trồng phải có sự đầu tư, phải biết tính toán chi phí đầu vào và đầu ra hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn sự đầu tư có lãi thì năng suất chuối trồng phải cao. Nó đòi hỏi người trồng thực sự công tâm, biết cách chọn giống, chọn đất, có sự đầu tư phân bón, biết cách chăm sóc khoa học, hợp lý để chuối buồng dài và say trái. Hơn thế, nó cũng rất khắt khe, yêu cầu người trồng phải biết cách “đơm giá”, chọn thời điểm thu hoạch nhằm có giá bán tốt nhất, bởi lẽ trong bối cảnh làm ăn hiện nay khi mà được mùa mới chỉ là “trời cho chộ”, phải bán được giá mới thực sự là “trời cho ăn”.

Cũng còn đó những khó khăn khi mà người trồng chuối hàng hóa A Lưới phải đối mặt và lao đao đi tìm đầu ra mỗi khi đến mùa thu hoạch. Chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, việc tiêu thụ chuối nhỏ lẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên giá cả bị o ép cũng là chuyện thường tình. Vậy nhưng, điều có thể ghi nhận về việc phát triển trồng chuối ở A Lưới hiện nay là cây chuối hàng hóa đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho nhiều địa phương, nhiều hộ gia đình. Thật vui và tự hào khi nghe người đời nhắc đến những “vương quốc chuối” hay nhiều nông dân nghèo bỗng chốc trở thành “đại gia”, tên tuổi nổi như cồn nhờ cây chuối ở nơi vùng cao này.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top