ClockThứ Bảy, 04/09/2021 15:30

Trong gió đồng lành thơm

TTH - Chừng như không có điều gì là cụ thể, tôi chỉ nhớ mình đã rất miên man giữa miên man vàng. Lúc đó, lúa đang bắt đầu chín. Những nhánh lúa trĩu xuống, và hương thơm làm cánh đồng váng vất.

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Đâu đó, là ký ức về một thời xa ngái. Nơi cánh đồng ở bên kia đường tàu và con đường đến lớp 1 cũng vắt qua đường tàu. Tôi hồi đó nhỏ chút xíu, vì sợ lũ bạn ở làng bên bắt nạt nên 3-4 đứa tụ lại thành một túm, lắp xắp trên những con đường ruộng để vào lớp. Nhớ con đường có một cây hoa gạo những ngày ở xứ Thanh và thật kỳ lạ là cho đến bây giờ, ước mơ có một chiếc gối bằng bông gạo mềm vẫn thường rơi vào những giấc mơ đâu đó.

Có một cánh đồng đã tràn qua tuổi thơ và cả thời thiếu nữ của tôi những ngày ở Huế. Nơi ấy bây giờ đã là những tòa nhà công sở cao tầng và khu dân sinh đắt giá, nên khó ai mà hình dung được cánh đồng những ngày mùa đông mờ nước, có những tấm lưng gập xuống để nhặt từng cọng rau mọc lạc bên bờ mương, những đám rau dừa, rau ngổ mọc lan man trong gốc rạ cũ. Hồi đó, lúa chưa thâm canh như bây giờ, nên người chăn nuôi trong các hộ gia đình còn có chỗ để mỗi ngày kiếm về một vài rổ rau cho lũ heo nhà. Mà nghĩ cũng thấy thương, khi cánh đồng mùa đông rét giá đến vậy mà vẫn cần mẫn nuôi hết đám rau dại này đến đám rau dại khác. Cuộc sống cứ vậy mà mở ra những trang khác. Mới hơn, và đủ đầy.

Hôm rời khu vườn bên cánh đồng lúa chín, người cùng đi với tôi đã ngắt về mấy nhánh. “Để căn phòng thơm hơn” là cách bạn nói, nhưng tôi nghĩ chắc bạn đang rất nhớ nhà. Dừng lại Huế đã chừng được non hai tháng sau chuyến ngược lên Tây Bắc dài ngày, bạn trở về và kẹt luôn ở Huế cho đến tận bây giờ, vì COVID-19. Bạn chắc nhớ mùi cơm mới ST25 của quê nhà, nhưng cách mà bạn thốt lên khi lần đầu chạm mặt với cánh đồng, cách mà bạn dang rộng đôi cánh tay như muốn ôm trọn vào mình hương thơm của cánh đồng, cứ làm tôi hình dung nỗi dằng dai về chốn quê thương nhớ…

Đối diện với tôi bây giờ chỉ còn những chân lúa. Có mùi hương quấn quíu của rơm rạ trong giá đồng rộng rênh. Trong khoảng sân vườn, cậu em của tôi đã xây hai cây rơm mới. Em bảo, lâu lắm mới làm lại việc cũ, nhưng đúng là thấy mảnh vườn như gọi lại một thời đã qua. Có những cọng rơm líu tíu vương vãi trên lối đi. Nó làm tôi phải khẽ khàng để không đánh động lũ sẻ nhỏ khi ghé qua trong một sớm mai bình yên.

Khi a lô để kể về khoảnh khắc mình đang có, sau khoảng yên lặng, như kiểu để mường tượng khung cảnh lành thơm trước một cánh đồng mấp mé thành phố Huế, bạn nói giờ điều ấy với bạn đã trở thành xa xỉ. Bạn làm tôi thay bạn lặng yên. Chung cư nơi bạn ở giờ đang trong vùng phong tỏa. Thành phố nơi bạn định cư giờ đang là điểm nóng của dịch dã. Bạn nói với tôi về căn hộ đóng kín. Về những lo âu vẫn chưa vơi vớt. Cả hy vọng không nguôi về ngày trở lại trạng thái bình thường mới cứ đến vào mỗi ngày…

Không hẳn là hoàn toàn bình yên, nhưng tôi vẫn cảm ơn bình yên của Huế những ngày này. Có những khi đánh thức lòng biết ơn, không hẳn và không phải là những gì quá to tát mà chỉ là hương gió thơm tho lành mát, như nơi tôi đang đứng bên một cánh đồng vừa gặt ở ngoại ô…

Nguyễn An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2: Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”

Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1938, quê ở vùng ven biển Cảnh Dương thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thoát ly năm 1960. Trước khi lên chiến khu, ông mang tên: Nguyễn Văn Chiến. Giải thích lý do ông Nguyễn Thanh Hiếu xâu lỗ tai, ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cha mẹ tôi sinh 6 người con. Do 4 người con đầu toàn gái, sợ khó nuôi nên khi sinh anh Chiến (tức Hiếu), mạ tôi cho bấm lỗ tai.

Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2 Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”
Động lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Đảng ủy xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhất là công tác huy động sức dân tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động ở địa phương. Qua đó, phát huy được sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xuất hiện nhiều điển hình trên các lĩnh vực.

Động lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Cò về

“Người thương cò, cò đến. Cò quý người, cò về” - tôi đã đọc được câu ấy khi xem những thước phim rộn ràng tiếng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cò chíu chít gọi nhau bay về miền đất lành. Cò như bạn. Ở Thừa Thiên Huế, nhiều năm nay, môi trường sống cho các loài chim dần được cải thiện, lãnh đạo tỉnh cũng giữ “đất lành” bằng cách yêu cầu các địa phương ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời, động vật hoang dã nên đón được nhiều loài chim trời di trú, nhất là những vùng cây cối, sông nước và nguồn thức ăn dồi dào...

Cò về
Tà áo bay trên quê hương yêu thương

Áo dài cổ phục, áo dài truyền thống, áo dài nữ, áo dài nam, áo dài cách tân, áo dài người lớn, áo dài trẻ em… Áo dài với rất nhiều mảng hình sống động… thật là một bức tranh nhiều màu, nhiều niềm vui, nhiều ý tưởng sáng tạo bất ngờ dành cho áo dài Huế. Bỗng nhận ra, từ cái cổ xưa, cái truyền thống, có những sáng tạo góp phần làm tôn vinh vẻ đẹp của di sản - di sản áo dài, và cũng là một thành công của Tuần lễ Áo dài Huế.

Tà áo bay trên quê hương yêu thương

TIN MỚI

Return to top