ClockThứ Năm, 02/10/2014 11:15

Trông mặt bắt hình

TTH - Dăm ba nải chuối, một số loại nước giải khát, một ít tranh bèo, dăm ba thứ kẹo, kem, nón lá, lồng đèn và cả một số sản phẩm lưu niệm khác không rõ nguồn gốc là điều đang được lặp lại ở nhiều điểm tham quan. Nhếch nhác và chưa ngang tầm là điều đã được dư luận lên tiếng rất nhiều về hoạt động của các hàng quán xung quanh các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Mặc dù tình trạng chèo kéo, đeo bám, ép mua, ép bán...đã được chấn chỉnh phần nào, song nhìn trên phương diện tổng thể, điều này vẫn chưa tạo được một cảm quan về sự quyết tâm thay đổi với sự phong quang hơn, bài bản hơn chứ chưa nói là đặc sắc hơn, văn hóa hơn trong việc tổ chức các điểm dừng chân giải khát, bán hàng lưu niệm cho du khách đến tham quan Huế.

Có thể là do thiếu vốn nên người dân chưa có sự đầu tư lớn cho hàng quán cũng như hàng hóa xung quanh các điểm tham quan, du ngoạn. Điều này có thể một phần bắt nguồn từ việc thị trường chưa thật sự tạo ra lợi nhuận để người dân mạnh dạn hơn trong đầu tư. Tuy nhiên, sự thiếu này cũng là một tác động trở lại khi du khách không có nhu cầu mua sản phẩm sau khi tham quan di tích, do sản phẩm hoặc làng nhàng, ở đâu cũng có mà không đại diện cho bất kỳ tính đặc trưng và khác biệt của vùng Huế; hoặc nếu có thì lại thiếu tính ứng dụng trong sắp đặt, bài trí và không gọn gàng trong thu xếp hành lý khi di chuyển. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cũng không được chú trọng, thiếu tiện nghi và khách lại không được chăm sóc chu đáo ở các nhu cầu thiết yếu... Đó có lẽ là những lý do chính yếu dẫn đến nguồn thu từ hoạt động của hàng quán bên ngoài các điểm tham quan còn thấp, chưa đủ để đầu tư trở lại và thay đổi hình ảnh, diện mạo xung quanh các điểm tham quan.

Cách đây khá lâu, với cương vị là cơ quan quản lý và cũng muốn tham gia cùng địa phương có di tích quy hoạch, góp phần tổ chức lại hoạt động này một cách bài bản và quy chuẩn hơn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có ý định thiết kế các quầy hàng giải khát, shop hàng lưu niệm phù hợp với văn hóa, cảnh quan, môi trường, đáp ứng được nhu cầu của du khách... Điều này cũng đã được chia sẻ trên nhiều kênh thông tin truyền thông. Song điều đáng tiếc là, đã rất lâu rồi, tình trạng nhếch nhác như cũ vẫn chưa được cải thiện; các mô hình chuẩn không rõ đã “lạc” đi đâu và chưa được nhắc lại. Có lẽ do chưa được kế thừa để tiếp nối; có lẽ do hiện tại, Trung tâm còn rất nhiều việc cần phải quan tâm trong trùng tu, tôn tạo, trong sắp xếp hoạt động dịch vụ ở bên trong các điểm di tích mà trung tâm quản lý nên chưa thể mở rộng; cũng có thể vì chưa có sự phối hợp tốt, bố trí nguồn vốn tốt hoặc tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi tốt từ phía các địa phương có di tích nên hiện trạng vẫn chưa thật sự thay đổi.

Hẳn nhiên không phải bao giờ và lúc nào, câu trông mặt mà bắt hình dong cũng đúng. Sẽ là phiến diện khi đánh giá con người, sự vật, hiện tượng nếu chỉ nhìn vẻ bên ngoài. Cái thực chất, vẻ đẹp tiềm ẩn... cần phải có thời gian để chiêm nghiệm, khám phá; nhất là bây giờ, khi rất nhiều thứ được PR, được phù phiếm hóa. Song đã bao nhiêu năm trôi qua mà hoạt động mua bán phía ngoài các điểm tham quan vẫn chưa được tạo dựng lại đẹp hơn, chuẩn hơn thì cũng là điều đáng để suy ngẫm từ góc độ quản lý đô thị và thị trường.

Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top