ClockChủ Nhật, 05/07/2020 07:22

“Trông mặt bắt hình dong”

TTH - Những tấm che bạc phếch. Những tấm tôn cũ kỹ. Vài ba chiếc tủ lạnh, tủ mát được phủ bởi những mảnh chăn, mảnh vải không rõ đã từng là màu gì. Vỉa hè lô nhô và mái che lô nhô. Những biển hiệu sơ sài, có cái được viết bằng tay để chỉ dấu cho khách biết rằng, người ta có bán nước suối, nước giải khát, một số món hàng lưu niệm… Đối diện với hàng quán ấy là cổng vào lăng Tự Đức.

Điều mà tôi muốn nói là đang có điều gì đó rất vênh khi dừng chân để chuẩn bị bước vào một điểm tham quan nổi tiếng trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Tất nhiên, đây là hai phạm vi hoàn toàn khác nhau nhưng sự nhếch nhác ngay phía bên kia đường trông rất đáng ngại. Đoạn phố (nếu có thể gọi như vậy) này không dài, chỉ chừng 200m đổ lại nhưng chừng như người dân vẫn chưa đồng nhất trong cách thức dựng quán, bày biện và có thể là họ chưa đủ tiền để dựng hàng quán đàng hoàng hơn.

Cách đây quãng 15-17 năm, đã có rất nhiều cuộc họp giữa UBND TP. Huế, địa phương có di tích, các ban ngành liên quan để bàn bạc, thảo luận việc làm thế nào xóa được tình trạng đeo bám, nhũng nhiễu du khách; trong đó có việc làm mô hình mẫu ki-ốt, trước khi nhân ra diện rộng ở các điểm di tích. Hồi ấy, tôi cũng đã có mặt trong đoàn khảo sát ở điểm lăng Tự Đức. Một thời gian sau đó, tình trạng lộn xộn ngoài các điểm di tích đã được chấn chỉnh. Một phần vì chế tài đã được thực hiện; phần vì người dân có lẽ cũng hiểu rằng, cái mất sẽ nhiều hơn cái được khi du khách từ bối rối đến ngần ngại đã tìm cách để từ chối điều họ phải làm một cách khiên cưỡng…

Nhưng sau ngần ấy thời gian, khi mà những nỗ lực từ bên trong di tích ở quá trình trùng tu, tôn tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người đến tham quan… thì ở vòng ngoài, mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Đó là một sự dừng lại, khi mọi thứ đều đã được vận động và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Tôi không rõ mô hình ki-ốt mẫu ngày xưa, vì sao đã không thực hiện được. Nguồn lực của người dân, chắc chắn là có giới hạn, thế nên câu hỏi ở đây là chính quyền đã có những động thái gì, cách làm nào, bàn bạc và thảo luận ra sao để các chủ hàng quán có thể đạt đến một sự thỏa thuận trong việc tổ chức các gian hàng, các dịch vụ kèm theo để phục vụ du khách đến tham quan. Ở đây, có lẽ còn là một cơ chế để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho các hộ dân kinh doanh trước cổng vào lăng Tự Đức (và các điểm di tích đông khách khác).

Vẫn biết đang có một sự khúc mắc chưa được “tháo dỡ” xung quanh việc xây dựng điểm đậu xe ở khu vực lăng Tự Đức. Tạm thời khi dự án chưa biết lúc nào tái khởi động lại có thể là tâm thế của các hộ kinh doanh, song điều nhận thấy ở đây là vai trò tác động quá trễ nải của địa phương có di tích trước hiện trạng đang có.

Người ta bảo, “trông mặt mà bắt hình dong”. Ở đây, có thể hiểu theo một nghĩa khác nữa về cách thức vận động, điều hành để cùng làm Huế sạch, đẹp và sang hơn theo những điều có thể!

AN CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top