ClockThứ Bảy, 14/01/2017 05:21

Trồng rừng đầu năm

TTH - Tận dụng thời tiết thuận lợi, những ngày đầu năm, người dân vùng đồi núi tất bật trồng rừng với các loại keo giống nuôi cấy mô, keo hom được chọn lựa nhằm tăng hiệu quả rừng trồng.

Chọn thời điểm thích hợp

Sau khi thu hoạch hơn 3 ha keo lai, tận dụng thời tiết ổn định trong những ngầy đầu năm, ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) huy động các thành viên trong gia đình, thuê thêm người ra quân trồng rừng. Theo ông Cường, cây keo có thể trồng bất cứ lúc nào trong năm. Cứ sau mỗi đợt thu hoạch lại tiếp tục trồng mới, không để “đất nghỉ”. Nhưng thời điểm phù hợp nhất cho cây phát triển thì nên trồng vào mùa mưa”.

Trồng rừng đầu năm

Chọn mùa mưa, hay thời tiết mát mẻ để trồng rừng cũng là kinh nghiệm chung của nhiều người dân. Các ông Nguyễn Tùy, hay Nguyễn Thêm ở xã Lộc Bổn có thâm niên trồng rừng đã mấy chục năm nay cũng chọn thời điểm này để trồng keo lai. “Trồng rừng thường diễn ra từ khoảng tháng 8 đến đầu năm sau, nhưng cao điểm là vào cuối năm trước đến đầu năm sau. Lúc này thời tiết thuận lợi, không còn mưa lớn, nhiệt độ vừa phải. Đến mùa hè cây bén rễ, tương đối ổn định, không lo bị chết. Cây trồng chắc khỏe mới phát triển tốt, đảm bảo sau 5-6 năm sẽ cho thu hoạch”, ông Tùy chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với chọn thời điểm, thời tiết phù hợp, mấy năm gần đây, người dân chú trọng hơn việc lựa chọn các giống cây chất lượng đưa vào sản xuất. Ông Nguyễn Thêm chia sẻ: “Hai loại giống keo được người dân lựa chọn đưa vào trồng là nuôi cấy mô và keo hom, nhưng giống keo hom là phổ biến, được đưa vào trồng thành công trong vòng hơn 5 năm qua, thể hiện tính ưu điểm vượt trội so với giống keo thông thường. Nếu chăm sóc tốt, đảm bảo các quy trình kỹ thuật thì keo hom, nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch chỉ sau 4-5 năm trồng. Trong khi giống keo thông thường chỉ đạt năng suất 15-20m3/ha/năm thì keo hom đạt 20-25m3 và nuôi cấy mô khoảng 35m3/ha”.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc cho biết, ngoài kinh nghiệm của người dân, hằng năm, cán bộ nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con tuân thủ đúng lịch thời vụ. Người dân chọn thời điểm thu hoạch rừng phù hợp để tiếp tục trồng vụ mới, tạo điều kiện để người dân mua giống chất lượng. Khoảng 5 năm gần đây, toàn bộ diện tích rừng kinh tế trên địa bàn huyện đều trồng giống keo hom, nuôi cấy mô; trong đó phần lớn là keo hom, vì nuôi cấy mô còn khan hiếm. Sắp đến, ngành nông nghiệp huyện sẽ liên hệ với các trung tâm sản xuất giống nuôi cấy mô để cung ứng cho người dân sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Đáp ứng đủ nguồn giống

Giám đốc Công ty TNHH NN 1 TV Lâm nghiệp Nam Hòa- Phan Văn Nam cho biết, hằng năm, đơn vị sản xuất từ 700 ngàn đến 1 triệu cây giống keo hom, không chỉ cung ứng cho người dân địa phương mà còn bán cho các tỉnh lân cận. Đến đầu năm 2017, 80% lượng giống tại công ty đã xuất bán.

Giống cho rừng trồng

Công ty TNHH NN 1 TV Lâm nghiệp Tiền Phong cũng là một trong những đơn vị sản xuất thành công giống keo hom. Bà Lê Thị Thúy Nga, cán bộ kỹ thuật của công ty thông tin, mỗi năm đơn vị sản xuất trên dưới 2,5 triệu cây giống keo hom. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh nghiên cứu, thí điểm thành công giống keo nuôi cấy mô. Mỗi năm, công ty sản xuất, cung ứng thị trưởng trên 1 triệu cây keo giống cấy mô; sắp đến sẽ tiếp tục sản xuất khoảng 2-3 triệu cây giống keo mới này. Theo tính toán của bà Nga, sử dụng giống keo nuôi cấy mô chỉ tăng chi phí đầu tư khoảng vài triệu đồng/ha, nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều, thu nhập 130-150 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, với 1,1 triệu cây giống keo nuôi cấy mô được sản xuất là quá “khiêm tốn” so với nhu cầu. Sắp đến, chi cục phối hợp với các đơn vị cung ứng giống để có sự hỗ trợ, chia sẻ trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển giao kỹ thuật nhằm tăng cường sản xuất giống nuôi cấy mô. Các địa phương, ban ngành cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân đưa giống keo hom, nuôi cấy mô vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Kế hoạch năm 2017, toàn tỉnh trồng mới khoảng 4.000-5.000 ha rừng kinh tế, với khoảng trên 20 triệu cây giống. Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngoài nguồn giống tại các công ty, cơ sở kinh doanh, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đã sản xuất thành công nguồn giống keo hom, phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây lâm nghiệp với khoảng 20 triệu cây, phần lớn là keo hom và khoảng 1,1 triệu cây giống nuôi cấy mô. Nguồn giống trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm

Đơn hàng tăng, tinh thần lao động hăng say trở lại ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là bức tranh chung tại các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hiện nay.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Return to top