ClockThứ Tư, 12/01/2022 05:38

Trong tiếng chim rừng

Thương nhớ hàng cauNăm tháng - những khoảnh khắc màu

Khe Ao thuộc vùng rừng Nam Đông là một cánh rừng kỳ lạ. Ở đó, từ bao lâu là nơi trú ngụ của loài trĩ sao quý hiếm. Chuyện kể năm nào đó, đoàn WWF (Quỹ Bảo vệ thiên nhiên) đến đây suốt tuần lặn lội rừng sâu đi tìm trĩ sao, nhưng không tài nào gặp được. “Người gọi chim trời” Trương Cảm lúc ấy đang còn là “lâm tặc” biết chuyện xin ba sợi dây dù, một mình vào rừng và bắt được trĩ sao về cho đoàn nghiên cứu. Các nhà điểu học sung sướng, ôm Cảm nhảy dựng lên.

Những điệu múa trên nhà Gươl ở Thượng Long, Nam Đông. Ảnh: Đăng Trình

Giọng chim

Nhiều người nói, chim rừng Nam Đông rất đặc biệt, có giọng hót riêng. Vùng Nam Đông không rộng nhưng có nhiều xã nhỏ, như Hương Sơn, Hương Hòa, Thượng Nhật, Hương Phú, Thượng Long, Thượng Quảng… Thành là một gã chơi chim chào mào đến độ tuyệt kỹ, sáng nào cũng cà phê vỉa hè ở Huế nhưng thuộc lòng tiếng chim, dáng chim trên rừng tây Thừa Thiên. Thành cho biết: Chim chào mào Nam Đông mỗi vùng có chất biệt lập, có vùng hay và dở. Hay và dở chỉ mang tính tương đối. Vùng hay thì mười con có bảy con hay ba con dở, và vùng dở thì ngược lại.

Ở Hương Sơn, chim chào mào có giọng hót rõ ràng, thánh thót, đặc biệt rất trong, nhưng bộ yếm phần đông không kín cho lắm. Ở Hương Giang do cuộc đất bằng phẳng nên vùng chim có chất giọng kém, ít luyến láy và đảo giọng. Ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng là vùng chim rất hay hót giọng dài, tiếng đanh, luyến láy, đảo giọng nhiều. Nhưng dòng chim này chơi giọng thì hay, nhưng đấu đá thì không bền.

Chim ở vùng Hương Lộc có dáng khá to, giọng cũng to, có những con yếm rất đậm và kín; tuy nhiên chim Hương Lộc ít dữ nên không cuồng đấu đá. Chim chào mào Hương Phú có giọng nhanh, chim yếm ngắn nhiều, đặc biệt chim vùng này rất dữ nhưng ở ngoài trời khó bắt được. Có con đi đánh mất nguyên buổi, nó đấu giọng với mồi rất lâu, sau đó mới lao vào đá. Chim vùng cận xã Hương Sơn là loài chim đẹp, giọng lai nên rất hay, chim dữ, dễ huấn luyện thành mồi.

Vài chuyện về chim rừng Nam Đông để thấy, tuy không quá nổi tiếng như Bạch Mã hay đại ngàn A Lưới với những Đồi Thịt Băm, A So, A Sầu…, nhưng núi rừng Nam Đông cũng có những giá trị độc đáo riêng…

Trữ lượng tiềm năng

Nam Đông có quỹ đất nông - lâm nghiệp rộng lớn với 70 nghìn ha đất rừng, trong đó có 30 nghìn ha rừng sản xuất, là nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến nông - lâm sản. Trên địa bàn cũng có nhiều loại đá vôi, đá pirit... với trữ lượng lớn, nhất là có 500 triệu m3 đá vôi nằm ở vị trí thuận lợi cho việc khai thác vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Đặc biệt, đá granite ở Nam Đông là loại nguyên khối, lộ thiên nên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển, đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng, độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đây là một lợi thế của Nam Đông trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn…

Với địa hình miền núi có nhiều suối và thác, như: thác Mơ, thác Phướn, thác Trượt, thác KaZan… xung quanh suối được bao bọc bởi những cánh rừng gần như còn nguyên sinh với có nhiều loài cây cổ thụ tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Mỗi khu du lịch lại gắn với các vùng sinh thái đặc thù, có điều kiện kết hợp phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; ngoài ra có dòng sông Hương (nhánh Tả Trạch) và các hồ thủy điện Thượng Nhật, Thượng Lộ tạo các loại hình du lịch trên sông và du lịch trên lòng hồ kết hợp với tắm suối, câu cá và thưởng thức các món ăn của người đồng bào dân tộc.

Lẩn khuất giữa núi rừng nơi đây đang còn nhiều làng nghề và các công trình nhà Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc. Từng mùa lễ hội vẫn vang lên tiếng cồng chiêng, tiếng khèn để những điệu múa tân tung za zã... được nhún nhẩy trên sàn nhà gươl. Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán.

Hướng mở của nông sản

Lão nông Phan Gia Năm (xã Hương Hữu) đang có vườn cam rộng đến 4ha. Vườn chuyên canh của ông Năm trồng các loại cam Xã Đoài, Vân Du, Sài Gòn và V2, mỗi năm ông thu hoạch hơn 12 tấn, thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Một số chủ  vườn đầu tư sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản phẩm an toàn. Điển hình như gia đình anh Phan Gia Bảo, xã Hương Xuân trồng 4ha cam theo hướng hữu cơ. Anh Bảo cũng trồng nhiều giống cam có thời gian sinh trưởng khác nhau để thu hoạch sản phẩm cung cấp cho thị trường từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, thay vì chỉ thu hoạch trong tháng 9, tháng  10 như nhiều hộ khác. Năm nay, nhiều gốc cam mới ra lứa đầu nên sản lượng đạt khoảng 40 tấn, qua năm sau thì có thể đạt từ 60 - 70 tấn. Ước tính, mỗi ha cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

Huyện Nam Đông hiện có hơn 200ha cam, tập trung ở các xã Hương Phú, Hương Xuân, Hương Lộc, Thượng Quảng; trong đó, có khoảng 110ha đang cho thu hoạch, ước tính sản lượng hằng năm khoảng 1.100 tấn. Cuối năm 2019, UBND huyện công bố nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông”, giúp người dân trong huyện tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm cam địa phương.

Huyện đang triển khai “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025”. Trong thời gian tới, diện tích cam sẽ tăng lên trên 500ha.

Đi lên cùng di sản văn hóa

Để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Cơ Tu, UBND huyện triển khai kế hoạch trùng tu các công trình kiến trúc nhà gươl, xây dựng Khu bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu thu nhỏ trên diện tích khoảng 10ha tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần, các điệu múa, lễ hội cồng chiêng… với mục đích là vừa bảo tồn vừa thu hút khách du lịch tham quan trong thời gian tới. Du lịch suối thác và sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế mà huyện tập trung kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huyện Nam Đông đang chủ trương phát triển du lịch toàn diện, phấn đấu đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong thời gian tới.

Nam Đông đang hỗ trợ phát triển đầu tư các cơ sở lưu trú homestay, dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương như các đồ mỹ nghệ, trang sức, quần áo… của người Cơ Tu. Trong tiếng chim rừng Nam Đông, nhiều dự định cho tương lai đang được triển khai…

Hồ Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức quốc tế đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế, với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản
Return to top