ClockThứ Hai, 12/10/2020 11:06

Trọng trách của ngành nông nghiệp

TTH - Trải qua 90 năm xây dựng, phát triển, ngành nông nghiệp không ngừng lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, dự kiến đạt trên 40 tỷ USD trong năm 2020.

Đầu tư công trong nông nghiệp: Tăng khả năng thích ứngĐầu tư vào nông nghiệp: Cần những doanh nghiệp đầu tàu

Ngày 11/10, tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng... Trong giai đoạn mới hiện nay, phải phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.

Trải qua 90 năm xây dựng, phát triển, ngành nông nghiệp không ngừng lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, dự kiến đạt trên 40 tỷ USD trong năm 2020.

Về cơ cấu, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước hiện chiếm tỷ trọng 13,96% GDP. Không nhiều so với khu vực công nghiệp, xây dựng (34,49%); dịch vụ (41,64%) nhưng ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, với hơn 80% dân số sống bằng nghề nông; vừa đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân; vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho đất nước.

Dù đã có bước phát triển lớn, nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức về xây dựng thương hiệu; cạnh tranh trong hội nhập. Đặc biệt, thiên tai, dịch bệnh tác động lớn đến nền nông nghiệp và đời sống nông dân.

Chỉ riêng trong năm 2019-2020, dịch bệnh làm ngành chăn nuôi lợn cả nước điêu đứng. Ảnh hưởng đại dịch COVID-19 khiến ngành nông nghiệp đình trệ, không ít nông sản trong tình cảnh cần giải cứu. Thiên tai, bao gồm bão, lũ liên tếp cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2020 tàn phá nặng nề thành quả ngành chăn nuôi, trồng trọt, nhất là đối với các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế, cho thấy sự phụ thuộc, bấp bênh của ngành sản xuất nông nghiệp vào thời tiết.

Có tiềm năng, lợi thế về biển, đầm phá, đồi núi và đồng bằng, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội đối với Thừa Thiên Huế.

Dù đã có nhiều chính sách về tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất... nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh đang đối diện hai vấn đề lớn. Đó là thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.

Đến nay, cả tỉnh mới có hơn 1.000 ha lúa, gần 500 ha rau màu sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ; chưa đến 40 mô hình sản xuất nông nghiệp nhà lưới. Các mô hình liên kết doanh nghiệp-nông dân còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô lớn. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu; thường xuyên đối mặt với hạn hán, bão lũ, dịch bệnh, tình trạng được mùa mất giá...

Để thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng thất thường do biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh thương trường trong hội nhập ngày càng gay gắt, đạt mục tiêu phát triển thịnh vượng, nông dân giàu có, đòi hỏi phải có những chiến lược, giải pháp nghiêm ngặt về mùa vụ; cây, con giống; áp dụng khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa, tự động hóa; liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với nhu cầu thị trường (mẫu mã, mặt hàng, chất lượng).

Không chỉ cần sự thay đổi về tư duy, nhận thức của chính người nông dân, yêu cầu phát triển nhanh hơn, bền vững hơn đối với ngành nông nghiệp cần sự huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của nông dân, các thành phần kinh tế; sự vào cuộc của "4 nhà": Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp A Lưới

A Lưới đặt mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển từng bước theo hướng toàn diện, bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp A Lưới
Return to top