ClockChủ Nhật, 08/09/2019 07:04

Trong viện dưỡng lão

TTH - Hôm nào cũng vậy, cứ bốn giờ sáng là bà Mẫn thức giấc, có nằm cố cũng không thể nào ngủ lại. Thói quen này có từ hồi bà còn ở quê. Bà dậy sớm nhóm lửa bắc nồi tráng bánh cuốn để kịp gánh đi chợ bán. Bà dậy lúc chồng con vẫn còn đang say giấc, tranh thủ vừa tráng bánh vừa bắc nồi cơm nóng hổi để tụi nhỏ ăn lót dạ trước khi đến lớp. Tất tưởi gánh hàng ra đến chợ thì trời vừa hửng sáng.

Khát vọngHẹn mùa bắp trổ bông

Cả đời tất bật quen rồi, giờ vào viện dưỡng lão vẫn không sao quen nổi. Ngày xưa vất vả nên đặt lưng xuống là ngủ, giờ cả ngày nhàn rỗi tay chân thành ra đầu óc mải mê nghĩ ngợi. Có nhiều đêm nằm trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, những hình ảnh ngày xưa cứ hiện về trong đầu bà như một bộ phim tài liệu. Mỗi khi nhớ đến đoạn bán nhà bán cửa xuống phố cùng con nước mắt bà cũng giàn giụa. Có phải trên đời cái dại dột nhất của bậc sinh thành chính là hy sinh cho con mình mà không chút đắn đo, toan tính. Mẹ hiểu lòng mẹ thương con. Nhưng mẹ không hiểu được lòng con phụ mẹ. Trong viện dưỡng lão này mỗi người mỗi cảnh. Lúc về già được bầu bạn với nhau ở chốn này cũng coi như có duyên từ kiếp trước. Bà Sương thường nói vậy mỗi khi có ai đó mới được đưa đến hoặc một người bạn già trong viện vừa trút hơi thở cuối cùng. Bà lại lần chuỗi hạt niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Có ai đó từng hỏi bà niệm Phật như thế liệu đã thực sự buông bỏ được mọi phiền muộn ở đời? Bà chỉ cười ngắm mây trôi trên trời, lá rơi dưới đất…

- Sao hôm nay bà tắm gội sớm thế?

- Thằng bé hẹn vào thăm. Cả đêm chẳng ngủ được, dậy tắm gội thơm tho, sạch sẽ. Để con vào thăm thấy cuộc sống của mẹ thảnh thơi, tươm tất nó sẽ yên lòng.

- Tụi nó bận, trăm việc phải lo. Cuộc sống ở thành phố này chẳng dễ dàng gì bà ạ.

- Phải bà ạ. Tụi mình chỉ cần sống vui sống khỏe để con cháu đỡ phải bận tâm nhiều.

Bà Xoan ngó chiếc đồng treo tường vội đi thay bộ quần áo màu tím hoa cà. Đó là bộ quần áo đứa con trai đã mua tặng vào dịp sinh nhật bà năm ngoái. Bình thường bà ủi phẳng cất đi, chỉ khi nào “thằng bé” vào thăm mới lôi ra mặc. Thằng bé của bà đã ngoài bốn mươi tuổi, chưa vợ con gì. Nó làm nhiếp ảnh rong ruổi khắp nơi, không thể đút mẹ vào ba lô để mang theo nên đành lòng để bà lại thành phố. Mà để mẹ ở nhà một mình trong căn chung cư nhỡ cảm gió ốm đau cũng không ai biết. Nên đến một ngày “thằng bé” quyết định đưa bà vào viện dưỡng lão sống.

- Nó hứa chừng nào có vợ con sẽ đón tôi về. Nhưng nó ngoài bốn mươi vẫn chẳng yêu ai. Tôi chắc gì đợi nổi.

- Bà phải thúc giục nó mạnh vào.

- Thì cũng đã giục rồi đấy thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại chắc là duyên chưa tới.

- Thì vậy. Bà như thế có khi lại may. Có con dâu như tôi, nó đuổi ra khỏi nhà lúc nào không biết.

Câu chuyện bỗng chùng xuống, không ai nói với ai thêm lời nào nữa. Mỗi một người già trong viện dưỡng lão này, ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Hoàn cảnh như bà Mẫn cũng đâu có thiếu. Cả đời cực nhọc nuôi con khôn lớn. Khi con cái trưởng thành rời quê xuống phố thì bố mẹ lại bán nhà bán cửa khăn gói theo con. Đến lúc chẳng ở được với con cũng chẳng còn nơi nào khác để về.

Tuổi già đãng trí, cắm nồi cơm quên ấn nút cũng khiến vợ chồng con cháu cãi chửi nhau. Quên tắt cái bếp ga cũng tiếng bấc tiếng chì. Đến bữa ăn cơm rơi vãi vài hạt ra bàn còn chưa kịp nhặt lên đã thấy cái lườm nguýt sắc như dao cứa vào tâm can người mẹ. Hàng ngày biết bao lời càu nhau lọt vào tai mẹ: Người mẹ hôi. Mẹ có cái thói hay nhặt nhạnh cái này cái kia cất giữ, nhà chẳng khác gì cái kho… Vì không muốn phải nghe tiếng thở dài của con trai mình. Hay những cuộc cãi vã ầm ĩ đêm ngày nên mẹ già gật đầu khi con nói sẽ đưa đến một nơi dành riêng cho người già. Các con nào có biết…

Nắng hửng, những chú chim trốn trong vòm cây ríu rít gọi nhau. Bà Sương mới gội đầu vào, thong thả ngồi hong tóc ngoài hè. Bên cạnh bà là chiếc đài giảng pháp quen thuộc. Từ lúc vào đây bà Sương ít khi kể về gia đình hay than thở chuyện gì. Bà nương tựa vào Đức Phật để có sự an trú trong hiện tại. Rảnh thì may vá thêu thùa bên chiếc máy khâu mini đã cũ. Một tháng bà xin ra ngoài đi chùa vài lần hoặc gặp gỡ bạn bè nào đó. Ngoài ra không bao giờ thấy người thân hay con cháu ghé thăm bà. Mãi sau này mới biết bà chỉ có một đứa con trai duy nhất sau cuộc hôn nhân lỡ dở lúc còn trẻ. Nhưng số phận đã mang con bà đi trong một vụ tai nạn giao thông cách đây đã chín năm.

Hỏi bà có buồn không? Bà nói cuộc đời vô thường, hiểu được thì tự khắc không còn phiền muộn. Bà Tính vỗ tay vào đùi bảo:

- Đúng rồi, cuộc sống ngắn ngủi lắm hơi sức đâu mà buồn. Các chị ạ, trước em còn chưa nghỉ hưu hay đi đây đi đó. Em được gặp nhiều người phụ nữ ở mọi miền đất nước mình. Họ sống cực khổ lắm. Thử tưởng tượng mà xem, căn nhà họ thấp tè giữa miền cát nóng. Họ chẳng có nguồn thu nhập gì đáng tiền cả. Thế mà họ vẫn yêu đời lắm. Trước nhà họ luôn có những khóm hoa mọc lên giữa đất cằn. Có vùng đất đàn bà họ hay lắm, ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng tối nào cũng mở đĩa hát hò, vui đáo để. Lại có những người đi bắt cua cáy cả ngày nhưng cứ chiều đến là tắm giặt thơm tho, mặc quần áo đẹp. Thong thả đạp xe đi ăn quà chiều. Đời không có họ thì buồn biết mấy.

- Nhưng ít ra họ còn có chồng con bên cạnh. Lúc tuổi già cũng chẳng phải vào đây sống như chị em mình.

- Các chị cứ phải suy nghĩ tích cực lên. Ở nước ngoài người ta coi viện dưỡng lão là lựa chọn đúng đắn để an hưởng tuổi già. Em chẳng có con trai, chồng mất sớm. Tiền bạc tích cóp được bao nhiêu dành đi du lịch một vòng còn lại để vào đây sống nốt phần đời còn lại. Để con gái chuyên tâm lo chuyện nhà chồng, chẳng phải nghĩ ngợi nhiều về mẹ. Suy cho cùng mình cứ vịn vào mình mà sống. Mình lo tốt cho bản thân cũng là để cho con mình đỡ khổ.

- Ừ thì…

Hai tiếng “ừ thì” buông ra đã có phần nhẹ nhõm. Cô điều dưỡng mới ghé vào phòng hỏi han sức khỏe và thông báo sắp tới viện dưỡng lão có tổ chức chương trình văn nghệ. “Mỗi phòng phải đóng góp ít nhất một tiết mục. Các bà tập luyện dần là vừa”. Không khí bỗng hào hứng hẳn. Các bà hỏi nhau hát bài gì bây giờ? “Cô gái mở đường” hay là bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”?

- Hay là chị Sương hát một bài về Phật giáo đi. Thỉnh thoảng em thấy chị vẫn hát đấy thôi. Giọng chị truyền cảm lắm.

- Tôi hát đâu có hay. Chỉ là hợp với lòng người.

- Thì hợp với lòng người không phải là quý nhất hay sao? Ở phòng bên cụ Sam thể nào cũng hát cải lương. Ngoài tám mươi tuổi rồi mà giọng cụ vẫn mùi mẫn lắm. Lần nào nghe cụ ca “Lan và Điệp” tôi cũng khóc.

Chương trình văn nghệ trở thành chủ đề bàn tán xôn xao của mấy cụ già. Từng câu hát ngân lên, những bàn tay đung đưa theo tiếng nhạc. Họ say mê hát. Vừa khâu áo vừa hát. Vừa chải tóc vừa hát. Mắt họ ánh lên niềm vui, trên khuôn mặt những nếp nhăn cũng biết mỉm cười. Nắng xiên qua tán cây chiếu vào phòng một vệt dài khiến mọi thứ bừng lên sáng sủa. Vài tiếng chim ríu rít chuyền cành cũng có thể làm lòng người phấn chấn. Những mái đầu đã bạc chụm vào nhau thủ thỉ chuyện trò. Đâu đó trong những khoảnh khắc đời thường họ nương tựa vào nhau tìm an vui năm tháng cuối đời…

Bùi Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

TIN MỚI

Return to top