Thế giới

Trung Á khẳng định tầm quan trọng chiến lược

ClockThứ Tư, 23/12/2015 18:21
TTH - Nằm ngay giữa trung tâm châu Á, khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược về kinh tế và quân sự; đồng thời là vùng đất có nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Trung Á gồm 5 quốc gia: Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan trở thành một trung tâm mới diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với quy mô toàn cầu. Đây cũng là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn trong năm 2015.

“Cực kỳ quan trọng” đối với EU

Ngày 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) - Trung Á lần thứ 11 được tổ chức ở thủ đô Astana (Kazakhstan), Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác Tăng cường (EPCA) giữa EU và Kazakhstan được ký kết, thể hiện nỗ lực của EU nhằm tăng cường mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhất Trung Á. Thỏa thuận EPCA được đàm phán trong hơn 3 năm sẽ thay thế Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa Kazakhstan và EU vốn có hiệu lực từ ngày 1/7/1999.

Đại diện phái đoàn EU Federica Mogherini (trái) và Ngoại trưởng Kazakhstan Erlan Idrissov tại buổi ký kết thỏa thuận EPCA. Ảnh: Astanatimes

“Những hoạt động diễn ra trong khu vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Liên minh châu Âu. Chiến lược mới của EU về Trung Á là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự đầu tư về mặt chính trị của tất cả các nước thành viên EU, cũng như các tổ chức khu vực châu Âu trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Á. Chỉ thông qua việc củng cố quan hệ hợp tác, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, đồng thời có thể tận dụng được nhiều cơ hội trong khu vực”, bà Mogherini Đại diện phái đoàn EU khẳng định trong một tuyên bố tại hội nghị.

Đại diện phái đoàn EU cũng nhấn mạnh nhiều khía cạnh của quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Á, từ giáo dục đến năng lượng, từ thương mại đến biến đổi khí hậu. Bà Mogherini lưu ý rằng, các Bộ trưởng cần tập trung thảo luận những vấn đề về an ninh và ổn định, “bởi vì chúng ta đang phải trải qua một thời điểm khó khăn trên toàn thế giới, nhất là nỗ lực chống lại những tư tưởng cực đoan của công dân trẻ tuổi”.

Được biết, EU đang có kế hoạch chi hơn một tỷ euro vào các chương trình ở khu vực Trung Á đến năm 2020.

Trong Thông cáo chung được đưa ra sau hội nghị, hai bên nhất trí các giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu chống khủng bố và hợp tác an ninh; đồng thời tái khẳng định, việc tôn trọng dân chủ, nhân quyền và thực hiện đúng các quy định của pháp luật là những yếu tố quan trọng cơ bản cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi và môi trường sống an toàn trong khu vực.

Thỏa thuận EPCA vừa được ký kết giữa EU và Kazakhstan khẳng định vị trí trung tâm của Astana trong tầm nhìn của EU ở khu vực Trung Á. Theo số liệu thống kê từ EU, liên minh là đối tác thương mại chính của Kazakhstan và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đất nước Trung Á này. Hầu hết các giao dịch thương mại song phương tập trung vào dầu mỏ và khí đốt. Kim ngạch thương mại song phương đạt 31 tỷ euro chỉ trong năm 2014 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015, cũng như những năm tiếp theo.

“Nước cờ” chiến lược của các cường quốc

Nhờ vị trí địa chiến lược quan trọng, Trung Á thường xuyên đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong thời gian qua. Các chuyến thăm cấp cao nhằm tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác, giúp các cường quốc thế giới nắm giữ “nước cờ” quan trọng trong cuộc chơi mang tính chất toàn cầu ở khu vực này, điển hình là hai cường quốc đối thủ Nga-Mỹ.

Ngay từ năm 1999, Mỹ đã muốn xây dựng khu vực thành “con đường tơ lụa”, đưa Trung Á trở thành một khu vực kinh tế năng động, kết nối giữa Afghanistan với những quốc gia ở Trung và Nam Á. Năm 2001, Quân đội Mỹ bắt đầu hiện diện ở Kyrgyzstan, động thái khẳng định chiến lược “xây dựng vai trò quan trọng” của Washington ở Trung Á. Tháng 11 năm nay, chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến các quốc gia Trung Á càng tái khẳng định việc Washington muốn tăng cường vai trò ở khu vực này, trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông đang ngày càng gia tăng.

Mặt khác, tờ The Diplomat ngày 22/12 trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, khi quyết định gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga chính thức có hiệu lực thì một thị trường tự do, một liên minh kinh tế mở, hướng về phía Đông, xoay trục về châu Á và thúc đẩy liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương là giải pháp được Moscow đặc biệt chú trọng.

Như vậy, “nước cờ” Trung Á đóng vai trò ngày càng quan trọng trong “cuộc đua” cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, địa chiến lược giữa các nước lớn mà chủ yếu là giữa phương Tây và Nga. Đây cũng là “con dao hai lưỡi”, bởi chính các quốc gia Trung Á có thể sẽ gặp phải những nguy cơ bất ổn do cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn gây ra. Tuy nhiên, nếu họ biết cách khai thác lợi thế địa chính trị, Trung Á sẽ nâng cao vị thế trên trường quốc tế, mở ra những cơ hội lớn cho toàn bộ khu vực trong những năm tiếp theo.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ The Diplomat, Europa & Central Asia News)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á

Trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vừa lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh của Trung Quốc để trở thành thủ đô tỷ phú của khu vực châu Á, theo danh sách người giàu toàn cầu do Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) công bố.

Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á
Return to top