Thế giới

Trung Đông chia rẽ về chiến lược mới của Mỹ chống IS

ClockThứ Sáu, 12/09/2014 10:08
TTH.VN - Đang có những bất đồng trong các quốc gia Trung Đông về chiến lược mới chống IS của Mỹ.

Không ngoài nhận định của giới phân tích, các bên trong khu vực Trung Đông đã thể hiện những quan điểm khác biệt nhau rõ ràng về chiến lược mới của Chính quyền Mỹ nhằm chống lại sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. 10 nước Ả rập đã tuyên bố tham gia Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ khởi xướng, trong khi số khác lại thận trọng đặt dấu hỏi hoài nghi. 

Kết thúc cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thành phố Jeddah của Ả rập Saudi tối 11/9, Ngoại trưởng của 10 nước Arab trong khu vực gồm 6 nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cùng Ai Cập, Jordan, Iraq và Lebanon, đã tuyên bố tham gia Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo. Đây được coi là một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ của các nước khu vực đối với kế hoạch tấn công Nhà nước Hồi giáo mà Mỹ đề xướng. Trong đó, Ả-rập Saudi được đánh giá là nước có bước đi mạnh mẽ nhất khi quốc gia này đã chấp thuận cho Mỹ mở trại huấn luyện các tay súng đối lập Syria ôn hòa trên lãnh thổ của mình.

Các phần tử IS đang tiến hành xử tử tù nhân. (Ảnh: IS)

 Trong khi đó, từ Teheran, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham đã bày tỏ sự hoài nghi về “sự nghiêm túc và độ tin cậy” của các nước thành viên trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo mà Mỹ đang tạo dựng. Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời bà Afkham nói rằng, có sự chưa rõ ràng đằng sau những lý do thực sự thúc đẩy một số quốc gia tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng, đồng thời cáo buộc một số nước trong Liên minh đã hậu thuẫn tài chính và vũ khí cho các phần tử khủng bố ở cả Iraq và Syria.

Còn tại Syria, hãng thông tấn chính thức SANA của Syria hôm qua có bài bình luận nói rằng, chính sách của Chính quyền Mỹ là hậu thuẫn khủng bố và cản trở các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Bài viết nêu rõ, Chính quyền Mỹ một mặt tuyên bố muốn giải quyết vấn đề, song mặt khác lại quyết định cung cấp vũ khí và tài chính cho các phần tử khủng bố tại Syria.

Về phần mình, phe đối lập Syria lại thể hiện một quan điểm trái ngược hoàn toàn khi đã lập tức lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Mỹ. Liên minh Dân tộc Syria đối lập đã chính thức tuyên bố ủng hộ việc Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo ở Syria cũng như kế hoạch huấn luyện cho lực lượng đối lập Syria, đồng thời hối thúc Mỹ cần có thêm các hành động nhằm làm suy yếu và loại bỏ chế độ của Tổng thống Bashar Al Assad.

Giới quan sát khu vực cho rằng, cuộc chiến tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria mà Mỹ và các đồng minh khu vực đang theo đổi sẽ khó lòng đạt được kết quả mong muốn, nếu Chính quyền Syria và quốc gia có ảnh hưởng lớn tại khu vực như Iran bị gạt sang một bên./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top