Thế giới

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 thấp nhất trong nhiều thập kỷ

ClockThứ Bảy, 05/03/2022 14:55
TTH.VN - Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn chỉ “khoảng 5,5%” cho năm nay, trong bối cảnh nước này phải đối mặt với những bất ổn toàn cầu do tác động từ xung đột Ukraine, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước, Straitstimes sáng nay (5/3) đưa tin.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng vừa phải trong năm 2021Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt 13,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn chỉ “khoảng 5,5%” cho năm 2022. Ảnh: THX/TTXVN

Với mục tiêu khiêm tốn này, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ qua đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trừ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến GDP nước này chỉ tăng trưởng ở mức 2,3%.

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt mục tiêu đề ra là “trên 6%” với mức tăng trưởng 8,1% nhờ xuất khẩu mạnh, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ gia tăng trong quý đầu tiên.

Tuy nhiên, tăng trưởng bị ảnh hưởng vào cuối năm, bị kéo xuống bởi cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản, tình trạng thiếu điện và các đợt bùng phát COVID-19 lẻ tẻ trên khắp đất nước.

Straitstimes cho biết mục tiêu tăng trưởng nói trên được đề ra trong báo cáo công việc thường niên năm nay của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong Kỳ họp thứ 5 - Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) khóa 13 vừa khai mạc sáng nay (5/3). Đây là sự kiện chính trị quan trọng hàng năm nhằm đưa ra các quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc.

Mục tiêu việc làm, thị trường bất động sản

Ngoài mục tiêu tăng trưởng, các mục tiêu khác được đề ra bao gồm tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới ở thành thị, giới hạn tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức 5,5% và hạn chế lạm phát ở mức khoảng 3% - tương tự như mục tiêu mà nước này đã đặt ra cho năm ngoái.

Năm 2021, Trung Quốc tạo ra 12,69 triệu việc làm ở thành thị, hạn chế tỷ lệ thất nghiệp ở đây xuống còn 5,1% trong khi lạm phát tăng 0,9%.

Năm nay, sẽ có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp dự kiến ​​sẽ tham gia thị trường việc làm, tăng so với con số 9,09 triệu vào năm 2021.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định chính phủ sẽ cung cấp “những hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn và các dịch vụ không bị gián đoạn” để đảm bảo những người tìm việc mới có thể tìm được việc làm hoặc bắt đầu kinh doanh.

Tỷ lệ thâm hụt trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đặt ở mức 2,8% cho năm nay, thấp hơn một chút so với mức 3,2% được đặt ra vào năm ngoái.

Được biết, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ mãn nhiệm sau hai nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị thủ tướng. “Năm nay, đất nước chúng ta sẽ đối mặt nhiều rủi ro và thách thức hơn, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua… Chúng ta phải đặt ổn định kinh tế lên ưu tiên hàng đầu và theo đuổi tiến độ trong khi đảm bảo sự ổn định”, ông nhấn mạnh.

Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã bị kéo xuống do sự kiềm chế của các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực bất động sản trong nước, vốn chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế của nước này.

Các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng hạ nhiệt giá nhà đất đang tăng vọt như một phần của chính sách, nhấn mạnh “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.

Tác động từ COVID-19, khủng hoảng Ukraine

Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn cuối cùng kiên quyết áp dụng cách tiếp cận “zero COVID-19” nghiêm ngặt ngay cả khi nhiều quốc gia khác trên thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế biên giới để thúc đẩy tăng trưởng.

Straitstimes dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc đóng cửa đột ngột, kiểm soát biên giới chặt chẽ và xét nghiệm hàng loạt đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong năm ngoái.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng nói rằng nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn là do sự bùng phát của các biến thể Delta khi Bắc Kinh đóng cửa các thành phố và hủy các chuyến bay.

Người phát ngôn của cơ quan lập pháp quốc gia Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) hôm qua thừa nhận các biện pháp cứng rắn để hạn chế COVID-19 đã “gây ra một số căng thẳng” cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, nhưng cho biết tác động là ngắn hạn. “Bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào cũng sẽ phải trả giá, nhưng so với tính mạng, sự an toàn và sức khỏe của người dân, những chi phí này là đáng giá”, ông nói trong một cuộc họp báo trước ngày khai mạc NPC.

Song song đó, căng thẳng Nga-Ukraine cũng sẽ gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế Trung Quốc khi nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Ukraine.

Theo nhận định của Tiến sĩ Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ, các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tổn thất do một phần thương mại của Trung Quốc với Nga và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra và các lệnh trừng phạt tiếp theo.

Trong những tháng qua, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Vào tháng 12/2021, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu cho biết sau cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên sự ổn định khi đưa ra các quyết định về kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước đoán ​​nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo lạc quan hơn ​​mức tăng trưởng 5,1%.

Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng
Return to top