ClockThứ Sáu, 12/05/2017 05:46

Trung tâm Hành chính công TP. Huế: Từng bước khắc phục những bất cập

TTH - Sau khoảng một tháng đi vào vận hành, dù phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục, song Trung tâm Hành chính công (HCC) TP. Huế vẫn còn bộc lộ một số bất cập.

Một người bấm nhiều số

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm HCC TP. Huế tiếp nhận khoảng vài trăm hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) cần giải quyết của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, số thứ tự hồ sơ được bấm tự động tương tự con số đó. Tuy nhiên, do phần mềm chưa cài đặt lưu, xoá hồ sơ trong ngày nên số thứ tự được cộng dồn từ  ngày bắt đầu khai trương (12/4) Trung tâm HCC TP. Huế đến nay. Thế nên, có bộ phận số thứ tự lên tới hơn 4.000 vào chiều 4/5, cá biệt như lĩnh vực đất đai số thứ tự giải quyết hồ sơ hơn 9.000, trong khi đó lĩnh vực y tế, văn hoá thông tin ở ô thông tin hiển thị số thứ tự hầu như chưa có số nào.

Người dân bấm số thứ tự trước khi nộp hồ sơ

Theo ông Hoàng Văn Quang, Giám đốc Trung tâm HCC TP. Huế, lý do có sự tăng đột biến số thứ tự giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực là do mới đưa vào vận hành, người dân chưa quen với việc bấm số nên bấm cùng lúc nhiều số. Có trường hợp bấm hộ người khác do lo ngại chờ đợi lâu nên số thứ tự tăng. Ngoài ra còn có trường hợp đọc chưa kỹ các hướng dẫn số thứ tự từng lĩnh vực trên màn hình nên người dân bấm nhầm, sau đó bấm lại lĩnh vực khác cũng là nguyên nhân khiến số thứ tự tăng.

Sau khi có phản ánh của người dân, Trung tâm HCC TP. Huế đã bố trí nhân viên ngồi ở bàn hướng dẫn để giúp người dân bấm đúng ô cần tìm, đồng thời ngăn chặn tình trạng một người bấm nhiều số hoặc người không có hồ sơ nhưng cũng bấm số để trục lợi cá nhân.

Với cách này, trong mấy ngày gần đây, tình trạng bấm một lúc nhiều số giảm hẳn. Người đến liên hệ giải quyết hồ sơ TTHC thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm HCC TP. Huế còn cử cán bộ trực ở các bàn hướng dẫn để hướng dẫn thủ tục cho người dân, đồng thời công khai các bộ thủ tục để người dân tìm hiểu và điền thông tin đúng như hướng dẫn.

Cải tiến, đổi mới

Ông Hoàng Văn Quang thông tin, trong thời gian ngắn nữa, trung tâm sẽ có điều chỉnh, cài đặt phần mềm mới ở bộ phận bốc số thứ tự để người dân yên tâm khi đến liên hệ giải quyết TTHC. Theo đó, ở mỗi bộ phận, số thứ tự sẽ được cài đặt theo thứ tự từ 1-15. Hết lượt này sẽ đến lượt khác chứ không cộng dồn như hiện nay gây cảm giác khó chịu, lo lắng cho người dân. Bên cạnh đó, nhân sự sẽ được tiếp tục bổ sung để tăng cường ở những lĩnh vực “nóng” như đất đai, xây dựng.

Lãnh đạo Trung tâm HCC TP. Huế còn dự kiến sẽ điều chỉnh ở một số lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu công việc. Với những lĩnh vực nhiều hồ sơ cần giải quyết sẽ cử hai đến ba cán bộ để hỗ trợ, giúp dân, đồng thời thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa”, tức người nhận và trả hồ sơ chỉ một để tránh tình trạng tiêu cực, khi cần người dân không biết hỏi ai.

Trung tâm cũng đồng bộ hoá các phần mềm để khi cần có thể truy tìm nguyên nhân chậm hồ sơ, thủ tục của người dân. Bộ phận, cơ quan nào chậm sẽ quy trách nhiệm cho đơn vị đó. Tuy vậy, khi chậm trễ hồ sơ của dân, Trung tâm HCC TP. Huế cũng có nhiệm vụ phải xin lỗi dân và điều đó không được lặp lại. Ông Quang cho rằng, trước tiên phải chấp hành quy định này, song ông cũng kiến nghị cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo, cá nhân những cơ quan, đơn vị giải quyết chậm các TTHC của dân để nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc. Bởi có những vụ việc, dù chỉ có trách nhiệm nhận và trả hồ sơ, song đơn vị phải ra hầu toà vì lỗi của các cơ quan khác. Đây là bất cập mà theo ông Quang cần phải có phương án xử lý để Trung tâm HCC TP. Huế làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đồng thời để các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm do những sai phạm mình gây ra.

Từ ngày 12/4 đến cuối tháng 4/2017, Trung tâm HCC TP. Huế đã tiếp nhận hơn 1.400 hồ sơ, trong đó có 376 hồ sơ giải quyết trước hạn, 915 hồ sơ giải quyết đúng hạn, 140 hồ sơ giải quyết quá hạn, còn lại là hồ sơ huỷ. So với trước đây, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn không tăng, không giảm, song người dân thuận tiện hơn là tất cả hồ sơ được số hóa, lưu tên trên hệ thống, chỉ cần nhấp chuột vi tính là có thể tìm dữ liệu dễ dàng. Hơn nữa, khi các thông tin được công khai trên mạng, người dân cũng có thể tra cứu hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu, “mắc” ở khâu nào để tiện liên hệ giải quyết.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Return to top