ClockThứ Tư, 24/09/2014 22:29

“Trứng vàng” không dễ

TTH - Tưởng như không liên quan nhưng việc xe ben chở cát sạn chạy ầm ầm, tung bụi mù mịt trên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan nổi tiếng của Huế lại ảnh hưởng không ít đến du lịch.

Cũng chuyện đường sá, cầu cống nhưng không ngờ lại liên quan kinh doanh của một nhà hàng, chuyên kinh doanh ẩm thực, vốn đã nổi tiếng không chỉ trong nước, nhà hàng Tịnh Gia Viên của nghệ nhân Tôn Nữ Hà. Hỏi chuyện kinh doanh, bà phàn nàn, vài ba năm lại đây, nhà hàng Tịnh Gia Viên ở Thành nội thưa khách lắm. Hỏi lý do, mới hay, vắng khách do mấy… cây cầu trong Thành nội.

Nhà hàng của nghệ nhân Hà vốn nằm trong khu vực Kinh thành Huế, muốn vô phải qua mấy cái cầu cổ. Để bảo vệ cầu đã xuống cấp, từ năm 2012, thành phố Huế có chủ trương cấm xe trên 30 chỗ ngồi không được qua. Vậy là xe du lịch cỡ bự đành phải ở vòng ngoài. Các hãng lữ hành đường xa lại chuyên chở khách bằng xe lớn. Thế là địa chỉ ẩm thực Tịnh Gia Viên nổi tiếng đành chịu cảnh vắng vẻ.

Cũng liên quan đến môi trường du lịch, cách đây chừng 5 năm, một đơn vị du lịch lớn trong tỉnh phải xanh mặt vác đơn thưa kiện bởi ngay sát khu du lịch sinh thái 5 sao này bỗng mọc lên một cơ sở làm than tổ ong. Khói, mùi hôi, tiếng ồn lan qua khu du lịch, khách không chịu được, bỏ phòng, hủy tour. Họ bảo, chúng tôi bỏ tiền đến đây không phải để nghe tiếng ồn. Đầu tư hàng triệu đô la để làm du lịch, doanh nghiệp này than phiền: Tại sao nhà nước lại cấp thêm một cơ sở sản xuất công nghiệp cạnh một khu du lịch nhà vườn 5 sao? Câu hỏi ấy cũng phần nào cho thấy, sự phát triển du lịch ở Huế chưa thực sự có quy hoạch.

Cũng chuyện làm du lịch, một lần đến Nhà hàng Ý Thảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Hỏi vì sao có được những đơn đặt hàng dày kín trong năm từ các hãng lữ hành, chủ nhân cho chúng tôi xem qua cơ ngơi và không quên nấn ná bên hệ thống nhà vệ sinh thông minh sạch boong, điều khiển cảm ứng và bộc bạch: Chúng tôi nghiên cứu và đầu tư cho cái này (nhà vệ sinh) còn kỹ hơn cả phòng ăn. Ở đây, thậm chí khách có thể ngồi đọc sách.

Nghe ông Hoa giải thích, chợt nhớ đến những lá thư “cầu khẩn” của du khách, của các hãng lữ hành trước hiện trạng tồi tệ của nhiều điểm tham quan, du lịch của Huế cách đây chưa lâu. Dù gần đây, hạn chế này đã được khắc phục nhưng với những nhà vệ sinh bẩn đã tồn tại, kéo dài hàng chục năm ấy, du lịch Huế đã đánh mất bao nhiêu du khách bởi cảm giác không hề dễ chịu mà họ đã phải trải qua?

Rồi sự nhếch nhác trên đường phố. Những hàng quán làm dịch vụ ăn theo di sản còn luộm thuộm… Hay một thời, du khách đi nghe ca Huế phải chứng kiến cảnh chó sủa, trẻ con ở truồng, khóc nhè trên thuyền ca Huế...

Cách đây chưa lâu, trong một diễn đàn bàn về phát triển du lịch cho phá Tam Giang, T.S Bùi Thị Tám (Trưởng khoa Du lịch - Đại học Huế) lưu ý: Với lợi nhuận cao, du lịch được ví như con gà đẻ trứng vàng. Nhưng để có những quả trứng vàng ấy không dễ bởi sản phẩm du lịch muốn bán được phải độc đáo, khác biệt và hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh từ chất lượng sản phẩm cho đến những thứ phụ trợ như giao thông, phương tiện đi lại, môi trường, thái độ phục vụ…

Không thể phủ nhận là du lịch Huế đến nay đã có một bước tiến dài về thâm niên khai thác với tư cách một trong những địa phương đi đầu về du lịch. Doanh thu, số lượng khách đến Huế tăng nhiều lần so với cách đây nhiều năm. Nhưng trong các hội nghị, tọa đàm bàn về du lịch, một lời cảnh báo, hay đúng hơn là sự nhắc nhở đã được đưa ra. Rằng từ vị trí dẫn đầu, đi trước, du lịch Huế đang dần tụt hạng về sức thu hút, lượng khách, đặc biệt là thời gian lưu trú so với nhiều địa phương mới nổi.

Bên cạnh một chiến lược về sản phẩm, định hướng thị trường, du lịch Huế đang đòi hỏi một sự chỉnh chu hơn về chất lượng trong từng sản phẩm cụ thể và về môi trường du lịch, vốn là một mắt xích không thể tách rời, trong liên kết chuỗi vốn là đặc thù, cũng là một cái khó của ngành công nghiệp đẻ trứng vàng này.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top