ClockThứ Hai, 01/02/2016 05:14

Trưởng bản Mụ Nú làm giàu

TTH - Ở bản Mụ Nú, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Việt, Trưởng bản là người làm kinh tế giỏi có nguồn thu từ mô hình trang trại tổng hợp và dịch vụ máy cày, máy bơm… hàng trăm triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Việt còn tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc mình

Nhập ngũ năm 1960, từng tham gia qua các chiến trường từ vĩ tuyến 17 vào đến Huế giai đoạn 1967 - 1969, sau ngày giải phóng, ông phục viên xuất ngũ về làm Xã đội Trưởng xã Hương Nguyên được 18 năm, rồi làm Chi hội trưởng Chi hội CCB, Trưởng bản Mụ Nú.

Năm 1995, như bao người dân Hương Nguyên khác, theo chủ trương của tỉnh và huyện A Lưới, CCB Nguyễn Văn Việt và bà con trong bản di cư về khai hoang, lập làng tại vùng đất mới Tà Lương bây giờ. Hồi ấy, vùng này chỉ toàn lau lách, cỏ tranh mọc cao hơn nửa thân người, đất đai chi chít dấu vết tàn dư của chiến tranh, nào là hố bom, mìn, cằn cỗi, bạt ngàn heo hút... Không vốn liếng, không nghề nghiệp, gia đình ông bắt đầu vật lộn, mưu sinh trên vùng đất mới. Ông Việt tâm sự: “Những ngày đầu mới di cư về, cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn, nhìn quanh bốn phía chỉ toàn thấy rừng núi âm u, cây cỏ um tùm, nhiều lúc đâm chán nản vì thấy cái đói, cái nghèo cứ bám riết gia đình và bà con mình”. Nhưng với bản lĩnh người lính, việc tìm hướng vượt nghèo luôn là động lực nên ông hạ quyết tâm phải vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và đồng bào. Ông bắt tay khai hoang đồi núi, ngày thì dốc sức trồng rừng, tối đến nuôi thêm gà, vịt, heo. Rảnh chút nào là ông khăn gói đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Những năm tháng khó khăn của ngày đầu cũng dần qua đi. Từ một vùng lau lách, đất đai chi chít hố bom, hồ mìn, đến nay ông đã có 5ha cây cao su, 10ha rừng tràm, 1ha cây lồ ô, rồi lúa nước, lúa nương, mấy sào diện tích hồ cá cho thu hoạch quanh năm. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm gia súc như bò đàn, heo giống... để lấy ngắn nuôi dài, tích lũy và tái đầu tư. Thấy điều kiện sản xuất của bà con còn nhiều khó khăn, ông đã dốc vốn sắm 2 máy cày ruộng, 1 máy bơm nước, các máy phát cỏ, máy bơm phun cỏ, cùng nhiều vật dụng sản xuất khác để làm dịch vụ, giúp bà con trong khâu làm đất, tưới tiêu, bón phân, diệt cỏ… Ước tính từ các nguồn thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Ông Việt còn cho biết, với diện tích rừng tràm, rừng cao su hiện nay, sau khi giá cả ổn định trở lại, tương lai không xa tổng thu nhập của gia đình ông sẽ lên tới 400 triệu đồng mỗi năm.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Nguyên – Nguyễn Sỹ nhận xét: Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Việt còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, luôn nhiệt tình trong các phong trào và tích cực gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại cho bà con và giúp đỡ hội viên có nhu cầu.

Có được những thành quả như ngày hôm nay, với CCB Nguyễn Văn Việt là cả một quá trình quyết tâm, ý chí kiên cường và nỗ lực không lùi bước trước khó khăn.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ông Việt nói dân nghe

“Ông ấy tìm vùng đất có suối, có nước, rồi thuyết phục người dân định canh, định cư, trồng lúa hai vụ để cuộc sống no đủ. Ông sẵn lòng dùng máy cày nhà mình, tự mình cày ruộng giúp những người lớn tuổi, neo đơn, bệnh tật. Bất cứ việc gì của thôn, ông là người đầu tiên góp công, góp của…”- người dân thôn Mu Nú - Tà Rá, xã Hương Nguyên (A Lưới) nói như thế về già làng Nguyễn Văn Việt, người có uy tín của thôn.

Ông Việt nói dân nghe
Return to top