ClockThứ Hai, 29/07/2019 14:29

Trường đại học địa phương loay hoay tìm hướng phát triển

Hệ thống các trường đại học địa phương đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh. Tuy nhiên, trong sự phát triển không ngừng về quy mô cũng như yêu cầu về chất lượng đào tạo trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường này buộc phải có hướng đi đột phá trước nguy cơ có thể phải đóng cửa.

Điểm mới trong chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019Nhiều dấu ấn từ những thành tựuThu hút thí sinh bằng cách mời... học thử

Chưa bắt nhịp với thị trường lao động

Sau hơn 20 năm tồn tại và phát triển, tới nay, hệ thống các trường đại học địa phương có khoảng 30 trường. Hệ thống này được phát triển nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực đồng bộ, lành nghề cho địa phương.

Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển nóng về quy mô đại học, bài toán tuyển sinh là câu chuyện đau đầu không chỉ của các trường đại học địa phương. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Đánh giá về mô hình đại học địa phương, TS Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Mạng lưới của trường đại học địa phương giúp cho nhiều học sinh nông thôn có cơ hội tham gia giáo dục đại học. Nên phương thức hoạt động của các trường đại học địa phương gắn với nhu cầu học tập đa dạng của cộng đồng.

Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu hoá và yêu cầu về cơ chế tự chủ, đại học địa phương đã và đang gặp nhiều thách thức. Thực tế này được PGS Nguyễn Đức Vượng, ĐH Quảng Bình cho biết: Toàn cầu hoá kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt trong công tác tuyển sinh. Thậm chí, thế mạnh của đại học địa phương là đào tạo những ngành truyền thống thì không còn, buộc phải chuyển sang đào tạo các ngành mới để phù hợp với người học. Điều này kéo theo sự suy giảm chất lượng đào tạo và gây thừa nguồn nhân lực do sự không tương ứng giữa cung và cầu của địa phương.

Thực tế cũng chỉ ra, các đại học địa phương trong những năm gần đây đều trong tình trạng khó tuyển sinh, thậm chí khi mức điểm tuyển sinh chỉ ở mức 3 - 4 điểm/ môn vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Để tuyển đủ chỉ tiêu, ĐH Quảng Bình tuyển sinh theo phương thức lấy kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12. Điểm chuẩn năm 2018 của ĐH Quảng Bình có mức thấp nhất là 12 điểm, mức cao nhất là 17 điểm. Như vậy, chỉ cần 4 điểm/môn, thí sinh đỗ vào trường.

Tới mùa tuyển sinh năm 2019, hàng loạt các trường đại học địa phương có mức điểm sàn trung bình là 4 điểm/ môn. Cụ thể, ĐH Quảng Nam (trừ ngành sư phạm), ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Phú Yên, ĐH Cửu Long, tất cả các ngành có điểm sàn xét tuyển là 13 điểm. Mặc dù có ngưỡng đầu vào thấp nhưng các trường vẫn “ế” thí sinh.

Phân tích về xu hướng này, TS Phạm Văn Hùng, ĐH Hải Phòng cho biết: Quan điểm có bằng đại học, học ở các trường danh tiếng, bảng điểm cao dễ xin việc làm và có thu nhập ổn định không còn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhu cầu của các đơn vị này là cần người làm được việc, có kỹ năng thực hành, thực tế, nhanh nhạy với xu thế lao động hợp tác mang tính toàn cầu.

“Học đại học không phải là con đường duy nhất để người lao động lập thân do rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm và rơi vào cảnh thất nghiệp phải đi làm công nhân. Do đó rất nhiều học sinh sau khi kết thúc học phổ thông lựa chọn cơ sở đào tạo nghề, các trường nghề, hoặc đi du học, xuất khẩu lao động… Điều này vừa đảm bảo đầu ra sau quá trình đào tạo, mất ít thời gian, và kinh phí cho việc học”, TS Phạm Văn Hùng phân tích.

Chưa kể, các trường đại học địa phương phải cạnh tranh rất lớn với các trường đại học trung ương, các trường top trên trong công tác tuyển sinh để thu hút người học.

“Điểm sàn xét tuyển đầu vào các trường đại học địa phương không thể thấp hơn các trường đại học có cùng ngành nghề, chương trình đào tạo với các trường được cho là top dưới nhưng chịu sự quản lý hành chính nhà nước của trung ương, các bộ, ngành nên người học thường lựa chọn học các trường đại học ở các thành phố lớn, thành phố trực thuộc trung ương… Đây là thách thức không nhỏ đối với trường địa học địa phương”, TS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, TS Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chỉ ra những điểm mà đại học địa phương vẫn chưa định vị được vị trí: Đại học địa phương của Việt Nam đang đi theo mô hình của một trường đại học truyền thống đào tạo các chương trình bốn năm. Việc phát triển theo mô hình này chưa tạo được sự khác biệt giữa trường địa phương và các trường đại học khác trên cả nước. Ví dụ như cơ cấu tổ chức, nhân sự, nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ giảng dạy cũng được tổ chức như các trường đại học khác, trong đó thiếu vắng sự tham gia đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng địa phương.

“Điều này đang đi ngược lại với sự phát triển của đại học địa phương, có nghĩa là đại học địa phương cần dựa vào chính các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng của tỉnh để cung ứng nhân lực phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu hoá”, TS Vũ Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Tạo bản sắc để tồn tại và phát triển

Có rất nhiều giải pháp được đặt ra với đại học địa phương trong bối cảnh phát triển toàn cầu hoá. Nhưng có một giải pháp được nhắc đến nhiều nhất chính là việc trường đại học địa phương phải tạo được bản sắc và sự khác biệt với tốc độ đa dạng hoá đại học như hiện nay thì mới có được vị trí bền vững.

TS Ngô Thái Hà, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Lợi thế đại học địa phương là cái máy cái trong ngành giáo dục mỗi tỉnh, thành, bên cạnh chịu sự quản lý hành chính nhà nước của Bộ GD&ĐT thì các trường đại học địa phương luôn có mối quan hệ đan xen, đa chiều với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn tỉnh để cùng thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị".

Đồng ý với quan điểm này, TS Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Các trường đại học địa phương có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nơi trường đóng cũng như tìm kiếm cơ hội làm tăng nguồn lực bằng việc bán các dịch vụ đào tạo cho giới công nghiệp, tư nhân và cộng đồng. Các trường này cần có đầy đủ chương trình đào tạo khác nhau để có thể đáp ứng toàn diện cho các nhu cầu của cộng đồng, doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác nhau. Điều này chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt của loại trường này bởi trường chuyên ngành có khả năng đáp ứng theo hướng cung cấp kỹ năng.

“Ví dụ, theo yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ, các kỹ thuật viên cơ khí cần phải bồi dưỡng trình độ, tối thiểu cũng phải là kiến thức rộng về cơ khí, đào tạo về giám sát cơ bản, an toàn công nghiệp, chỉ dẫn về y tế, kỹ năng cơ bản về máy tính, tiếng Anh căn bản,… để họ có được đủ các kỹ năng làm việc ngay. Trong khi xét về bản chất, các trường đại học thuộc các Bộ, ngành lại biệt lập và tách biệt với cộng đồng. Do đó, chiến lược tiếp cận thị trường đối với các trường địa học địa phương nằm ngay trong lòng chính cộng đồng”, TS Vũ Thị Thu Thuỷ dẫn chứng.

Các trường đại học địa phương muốn tồn tại, phát triển nên được quy định theo loại hình “trường đại học cộng đồng” thực hiện các chức năng cơ bản: liên thông và chuyển tiếp để người học địa phương tiếp cận giáo dục đại học (chuyển tiếp vào đại học vùng hoặc đại học quốc gia). Để thực hiện được mục tiêu này thì quy chế đào tạo liên thông và chuyển tiếp cần được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sau khi định vị được vị trí này, trường đại học địa phương sẽ chuyển mình trong tuyển sinh và phù hợp với phân khúc thị trường.

Theo PGS Nguyễn Đức Vượng, đại học địa phương muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải chuẩn hoá đội ngũ giáo viên. Việc chuẩn hoá này thông qua phối hợp với các doanh nghiệp để giảng viên tiếp cận với quy trình công việc thực tiẽn hoạc thệc hiện các nghiên cứu hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp về các ngành nghề mà trường đang đào tạo.

TS Vũ Thị Thu Thuỷ đưa ra giải pháp với nguồn lực giảng viên như: Hiện nay, nguồn lực giảng viên thường bị hạn chế hơn so với các trường đại học ở các phân khúc trên của thị trường nên điều này cũng có thể giúp trường giảm chi phí sử dụng số lượng giảng viên có trình độ cao mà thay vào đó sử dụng các giảng viên phụ trợ nhiều hơn. Trường có thể thuê theo hợp đồng kỳ hạn để hỗ trợ cho nhu cầu giảng dạy. Các giảng viên có trình độ cao thì tuyển dụng cho các vị trí chủ chốt của trường.

Như vậy, trường đại học địa phương sẽ đủ sức cạnh tranh và tìm được vị thế khi định vị được vị trí cũng như linh hoạt trong cách tổ chức, cơ chế phục vụ cộng đồng của mình.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện: Loay hoay nỗi lo

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện vẫn là nỗi trăn trở lớn ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện, thi đấu của vận động viên. Ở nhiều bộ môn thể thao thành tích cao của Cố đô, mong ước lớn nhất là có được những dụng cụ tập luyện hiện đại.

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện Loay hoay nỗi lo
Loay hoay xử lý xe quá tải

Từ kiểm soát đến xử lý xe chở hàng quá tải trọng, để vật liệu rơi vãi trên đường tiềm ẩn gây tai nạn giao thông (TNGT) và khiến hạ tầng đường bộ nhanh xuống cấp, hư hỏng thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Loay hoay xử lý xe quá tải
Return to top