ClockThứ Năm, 04/09/2014 02:19

Trường làng tôi

TTH - Tầm này, khi bàng bạc mây thu và khắp nơi rộn ràng tiếng trống tựu trường, tôi lại nhớ tới cái ngày đầu tiên cắp sách tới trường. Tuổi lên năm, tôi sống ở quê mạ, làng Thanh Thủy Thượng.

Cách nhà đâu chừng 50 mét là ngôi trường làng, có cái tên rất mới “Thanh Tân”. Trường nằm ở cuối con đường xóm, nhìn ra là cánh đồng làng xanh ngát. Ngồi ở nhà, tôi cũng có thể nghe rõ mồn một tiếng ê a vang lên từ các lớp học. Thích học quá đi thôi, thế nên vào năm 1970 khi chưa đủ sáu tuổi, ngoại tôi chẳng biết xin xỏ cách nào đó mà tôi đã được đi học. Cuối năm học lớp hai, ba mất, tôi về với nội ở làng dưới.

Tuy là khác làng, nhưng quãng đường từ nhà tới Trường Thanh Tân vẫn gần hơn rất nhiều so với chuyển về Trường Dạ Lê Thượng, lại gắn bó mất rồi nên tôi vẫn học ở trường cũ. Thế là hằng ngày, tôi có hành trình cắp sách ngược lại với những bạn bè cùng trang lứa. Cũng đã có những chuyện rắc rối, ví như tôi nhớ mãi câu nói như một sự trách cứ của một thằng bạn cùng xóm: “Sao mi lại đi học ngược lên trên tê, bộ chê trường làng mình hả?”. Rồi chuyện ở trên lớp học, sau ngày giải phóng năm 1975, khi mà các bạn đến lớp cứ rộn ràng hẳn lên chuyện sinh hoạt, cổ động vào ban chiều hay buổi tối của đội thiếu niên thì tôi chỉ biết… im re. Ờ hí, chỉ cách một “con đường cái” mà bên ni bên nớ đã là hai làng và chuyện ở mỗi làng mỗi khác.

Sinh ra và lớn lên từ làng, tôi hiểu và cảm nhận sự gần gũi máu thịt đến lạ lùng về cái gọi là “làng” kia ở Huế. Xưa kia, cũng từ “làng” mà có cánh đồng làng, con đường làng, ruộng làng, rồi đình làng, chùa làng, cái giếng làng…và có lẽ gần như sau chót là ngôi trường làng. Nói thế là bởi lẽ một trong số những ngôi trường làng xưa nhất ở Thừa Thiên mà tôi được biết là Trường An Lương Đông, tọa lạc gần bên dòng sông Truồi trong xanh, cũng chỉ mới được khánh thành vào mùa thu Canh Ngọ (1930), nghĩa là cách nay vừa tròn 85 năm. Trước đó, cái việc học ở chốn làng quê sau lũy tre xanh gắn với ngôi nhà của ông thầy đồ, nơi đình làng hay chùa làng. Tôi nghĩ, ngôi trường làng là sản phẩm của thế kỷ 20, giai đoạn chuyển giao giữa hai nền tân học và cựu học. Bắt đầu từ ngôi trường làng với những người thầy (thầy giáo làng) và kiến thức học vấn sơ khai là hành trang vào đời của bao thế thế hệ.

Ra đời muộn, ấy thế nhưng ngôi trường làng lại như một bổ sung khó chê vào thiết chế văn hóa xã hội thôn làng đã có hàng trăm năm phát triển. Về nhiều miền quê ở Huế, tôi đã cảm nhận được cái vị thế và không gian tuyệt vời mà người đời dành cho những ngôi trường làng. Đã mấy chục năm rời xa nhưng tôi không quên được mái trường Thanh Tân đầu tiên của tôi. Đó là một ngôi trường đẹp, hòa hợp với cảnh trí của xóm thôn, xa nơi xô bồ chợ búa hay nơi nguy hiểm là những trục đường giao thông; đặc biệt là đối diện với cánh đồng làng hè về mát rượi. Tôi hiểu cũng như tôi, bao kẻ bỏ làng mà ra đi về nơi phố hội, lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến khi có dịp về lại thăm quê, nhìn vào các lớp học để bâng khuâng tìm lại hình ảnh của chính mình và nhớ lại kỷ niệm của ngày xưa ấy. Để rồi, chợt nhớ đến lời bài hát: Trường làng tôi không giây phút tôi quên/ nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh” (Trường làng tôi, Phạm Trọng Cầu).

Đã thật khác xưa. Có những làng như Dạ Lê Thượng của tôi, bây chừ đã có nhiều ngôi trường từ bậc mầm non cho đến trung học phổ thông. Cơ ngơi cũng hiện đại, khang trang lắm rồi như quê tôi đã từ huyện lên thị xã, vậy mà ai đó cũng như tôi cứ thao thức với tên gọi “Trường làng tôi”, và nghe thân thương lạ.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top