ClockThứ Hai, 16/03/2020 17:42

Truy tìm chiếc chuông cổ

TTH.VN - Dù đã được các đối tượng bán cho nhiều người và đi qua nhiều tỉnh, thành nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Công an TX. Hương Thủy đã thu hồi được chiếc chuông cổ đúc vào thời vua Tự Đức (năm 1877) trong sự vui mừng của con cháu Nguyễn Phước tộc.

Bắt đối tượng nhiều lần trộm cắp tài sản trong đình làngNỗi lo mất trộm cổ vậtTrộm đột nhập lấy cắp cổ vật tại đình làng Hiền Sỹ

Ông Tôn Thất Biên, Trưởng Ban Quản trị Phòng Quốc Uy Công hệ 5 - Nguyễn Phúc tộc làng Vân Thê kể lại sự việc mất chiếc chuông cổ

Báu vật của làng

Ông Tôn Thất Biên, Trưởng Ban Quản trị Phòng Quốc Uy Công hệ 5 - Nguyễn Phúc tộc làng Vân Thê, xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) chia sẻ: Phủ thờ Quốc Uy Công tọa lạc tại làng Vân Thê, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 19 (1866) để tưởng nhớ ngài Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần. 

Sau khi Đại danh tướng Tôn Thất Thuyết (1839-1913) mất, dòng họ lấy phủ này làm nơi thờ ông và phủ được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

Hiện phủ thờ này do Ban Quản trị Phòng Quốc Uy Công hệ 5 - Nguyễn Phước tộc coi quản. Bên trong phủ có nhiều hiện vật quý; trong đó, có chiếc chuông cổ (Đại Hồng Chung) được đúc bằng đồng vào năm 1877 nặng 88,5kg, cao 1,15m, đường kính 0,5m; đỉnh chuông có 2 hình rồng, xung quanh thân chuông có chạm khắc chữ Hán với nhiều hoa văn tinh xảo, là cổ vật vô cùng quý giá. Qua thẩm định của Sở Văn hóa - Thể thao, chiếc chuông cổ này là cổ vật có giá trị.

Lợi dụng sơ hở, kẻ gian đã đột nhập vào phủ lấy cắp cổ vật quý này. Ngay sau khi phát hiện sự việc, đại diện Ban Quản trị Phòng Quốc Uy Công đã trình báo Công an xã Thủy Thanh và Công an TX. Hương Thủy.

Theo đó, Công an TX. Hương Thủy đã triển khai phương án và xác định, các đối tượng gây án với thủ đoạn chuyên nghiệp, tương tự như các vụ mất trộm xảy ra tại các đình làng trước đó trên địa bàn tỉnh nên xác lập chuyên án đấu tranh.

Chân tướng 2 tên trộm

Đại úy Lê Văn Hữu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TX. Hương Thủy - người trực tiếp tham gia chuyên án cho biết, quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, ban chuyên án nhận thấy 2 đối tượng Trần Hữu Chí (35 tuổi) và Lê Viết Tửu (31 tuổi) - cả 2 cùng trú tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, nổi lên nhiều nghi vấn nên tập trung điều tra làm rõ.

Sau khi lấy trộm cổ vật cổ của làng, 2 đối tượng này đã bán cho một người tên Giang ở TP. Đông Hà (Quảng Trị). Tiếp đó, cổ vật được bán qua tay cho nhiều người khác ở tỉnh Nam Định và TP. Hà Nội. 

Chỉ sau 1 tuần phá án, chiếc chuông cổ có giá trị của làng Vân Thế đã được Công an TX. Hương Thủy tìm được và trao trả cho dòng họ Nguyễn Phúc tộc

Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh và Ban Chỉ huy Công an TX. Hương Thủy, những trinh sát, điều tra viên có nhiều kinh nghiệm được cử ra các tỉnh Quảng Trị, Nam Định và TP. Hà Nội để phối hợp với Công an các địa phương tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. 

Qua đó, ban chuyên án xác định, các đối tượng rất tinh vi. Sau khi gây án, chúng liền xóa các nội dung giao dịch trên mạng xã hội để tránh bị cơ quan Công an phát hiện. Đồng thời, tìm cách tẩu tán tài sản mà chúng đã trộm được ngay trong đêm một cách nhanh chóng, khiến công tác điều tra của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn. 

"Nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng công an, sau khi trộm được chiếc chuông cổ, các đối tượng đã cho hàn lại vết nứt tại thân chuông với 2 mục đích chính, đó là bán có giá trị hơn và làm thay đổi nhận dạng để che giấu lực lượng công an. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng đã bị lực lượng công an bắt giữ, thu hồi cổ vật đưa về cho người dân”, Đại úy Lê Văn Hữu kể lại.

Thống kê của Công an TX. Hương Thủy cho thấy, 2 đối tượng này còn thực hiện 10 vụ đột nhập đình làng, đình chùa, phủ thờ ở các địa bàn các huyện, thị xã khác để lấy cắp đồ thờ tự bán lấy tiền tiêu xài.  

Chân dung 2 tên chuyên trộm cổ vật 

Chiều 11/3, Công an TX. Hương Thủy đã trao trả chiếc chuông cổ phủ thờ Quốc Uy Công cùng 1 lục bình làm bằng sứ hoa văn hình rồng, cao 67cm, thân bình rộng 31cm và 1 lục bình bằng sứ hoa văn hình người, cao 68cm, thân bình rộng 32cm cho đình làng Thanh Thủy Chánh.

Ngoài ra, Công an TX. Hương Thủy đã và đang tiếp tục xác minh chủ nhân của một số bộ lư, đèn bằng đồng được đơn vị thu hồi để trao trả lại cho người dân.

“Qua vụ việc này, chúng tôi khuyến cáo việc trông coi các phủ thờ, đình chùa cần phải cẩn thận hơn nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng sơ hở thực hiện trộm cắp tài sản. Vụ án vẫn chưa khép lại và đang được Công an TX. Hương Thủy mở rộng điều tra, làm rõ.”, Thượng tá Đinh Xuân Đại lưu ý.

Trước đó, ông Tôn Thất Biên, Trưởng Ban quản trị Phòng Quốc Uy Công đã gửi thư cảm tạ đến Công an tỉnh, Công an TX. Hương Thủy và Công an xã Thủy Thanh (Hương Thủy) vì đã nhanh chóng bắt được các đối tượng trộm cổ vật Phủ thờ Quốc Uy Công. 

“Chỉ sau 1 tuần, cổ vật này đã được công an tìm thấy. Chúng tôi cảm ơn lực lượng công an đã tận tình, nhanh chóng triệt phá đường dây trộm cắp, tìm lại được cổ vật cho bà con, con cháu chúng tôi”, ông Tôn Thất Biên viết.


Bài, ảnh: Anh Phong

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông Hương

Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bài viết dưới đây giới thiệu về sự ra đời và hành trình phát triển của Huế với tư cách một đô thị hiện đại.

Đô thị Huế hiện đại  hành trình phát triển - Kỳ 1 Thành phố bên bờ sông Hương
Return to top