ClockThứ Sáu, 04/08/2017 21:31
TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN THƯỜNG TRỰC HĐND CÁC TỈNH KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ LẦN THỨ HAI:

Truy vấn đến cùng những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

TTH - Sử dụng đường dây nóng để ghi nhận các ý kiến cử tri; truy vấn đến cùng và tìm giải pháp căn cơ nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra… Đó là những bài học kinh nghiệm và giải pháp được nhiều địa phương chỉ ra tại hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2016 -2021, tổ chức sáng 4/8 tại TP. Huế.

 

Chủ đề của hội thảo là “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh”.  Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Phạm Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Cái Vĩnh Tuấn chủ trì hội nghị.

Chia sẻ nhiều kinh nghiệm

“Để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình, ngoài phối hợp từ kênh thông tin báo chí, chủ tọa điều hành phải linh hoạt trong đặt vấn đề và thứ tự trả lời chất vấn, tạo không khí dân chủ, cởi mở. Sau chất vấn cần có ngay kết luận rõ đúng, sai và trách nhiệm khắc phục tồn tại của cơ quan, đơn vị, cá nhân trả lời chất vấn”, ông Phạm Thanh Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa mở đầu phần thảo luận.

 Các đại biểu chia sê kinh nghiệm trong chất vấn, giải trình

Cách làm của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An là, tại phiên chất vấn bao giờ cũng có 3 đường dây nóng trực tuyến để ghi nhận các ý kiến của cử tri và chuyển ngay các ý kiến đó đến các tổ đại biểu để nghiên cứu, xem xét bổ sung vào các nội dung chất vấn của kỳ họp. “Ngoài tham gia trả lời trong chuyên mục “Đối thoại với cử tri” trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cùng Báo Nghệ An phối hợp với cơ quan báo chí Trung ương có các bài viết, phóng sự tập trung vào những nội dung dự kiến sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Viết Đường chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong phần trả lời chất vấn cần bố trí thời gian thỏa đáng để giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn có sự trao đổi, tranh luận, làm rõ hơn vấn đề. “Có những lúc người trả lời chất vấn đăng đàn, nhưng thời gian quá ít, chỉ 3 phút, nên không làm thỏa mãn các đại biểu và cử tri. Còn xảy ra tình trạng người trả lời chuẩn bị bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp chưa chu đáo, không thuyết phục. Một số thủ trưởng cơ quan trả lời còn chung chung, nặng về giải trình, né tránh trách nhiệm, chưa đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đại biểu chất vấn. Có trường hợp đổ lỗi do điều kiện khách quan hay cơ chế. Theo tôi, người trả lời chất vấn phải chuẩn bị kỹ, cách trả lời cần đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và thiếu sót để khắc phục”, ông Nguyễn Trọng Nhiệu, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh trăn trở.

Ông Trương An Ninh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Một trong những vấn đề luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm là “hậu chất vấn”. Không chỉ dừng lại ở việc hỏi và trả lời tại kỳ họp, mà quan trọng hơn đó chính là việc giải quyết, trả lời của các cơ quan chức năng sau khi đã hứa, cam kết với đại biểu HĐND, với cử tri tại phiên chất vấn như thế nào? Nghĩa là phải “truy vấn đến cùng” những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm”.

“Một nguyên tắc mà Thường trực HĐND tỉnh áp dụng trong việc điều hành phiên chất vấn là: Hỏi ai thì người đó trả lời. Nội dung trả lời cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vấn đề, nêu rõ cái đúng, sai, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình và biện pháp khắc phục. Quá trình chất vấn, nếu người bị chất vấn trả lời chung chung, không đi vào trọng tâm thì chủ tọa kỳ họp chấn chỉnh kịp thời và yêu cầu người trả lời đi vào trọng tâm vấn đề, tránh mất thời gian”, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Cái Vĩnh Tuấn đúc rút kinh nghiệm.

Chuyển dần từ tham luận sang tranh luận

Trước những ý kiến, trao đổi của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh để tổ chức các hội nghị HĐND khu vực là thể hiện sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hệ thống các cơ quan dân cử ở địa phương. Đồng thời, là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm bắt tình hình thực hiện các quy định mới, hiểu được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để HĐND các cấp hoạt động hiệu quả nhất...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Các nội dung chất vấn, các vấn đề giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Vì vậy, cần xác định rõ mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình là hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ”.

Người đại biểu HĐND chính là chủ thể quan trọng tại nghị trường, góp phần để chuyển hoạt động chất vấn, giải trình từ tham luận sang tranh luận. Do vậy, đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để từ đó làm cho sức mạnh của quyền chất vấn, yêu cầu giải trình thành kết quả hiện thực; góp phần nâng cao chất lượng sống người dân và hiệu lực, hiệu quả điều hành quản lý Nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và hứa sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu phối hợp với các đơn vị hữu quan nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng giải quyết để tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND, bảo đảm phát huy vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri
Động lực để phụ nữ vươn lên

Luôn quan tâm hỗ trợ hội viên kịp thời, cùng phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền có nhiều cách làm hay, tạo thêm sinh kế giúp hội viên vươn lên.

Động lực để phụ nữ vươn lên
“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với chính quyền địa phương để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó là những gì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Đông Ba, TP. Huế đã và đang làm được để tạo nên những “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên.

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên
Return to top