ClockThứ Năm, 02/07/2015 07:19

Truyền lại cái nghề của tổ tông

TTH - Mấy mươi mùa lúa rẫy đi qua, nghệ nhân Quỳnh Nhường (ở A Lưới) vẫn thầm lặng sáng tạo những sản phẩm đan lát từ mây, tre, nứa... độc đáo và tinh xảo. Sản phẩm không chỉ đơn thuần phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn giữ được “hồn” của văn hóa người Pa Cô.

Lửa nghề vẫn cháy

Đến làng Ân Triêng 2, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, hỏi thăm già Quỳnh Nhường, ai cũng biết. Già không chỉ là bậc cao niên được dân bản kính nể mà còn là người tự nguyện làm thầy để truyền nghề cho thế hệ trẻ, giữ cái “hồn” nghề thủ công truyền thống này.

Nghệ nhân Quỳnh Nhường mê say "truyền lửa" nghề cho lớp trẻ

Trời đổ mưa nặng hạt, khiến lối đi dẫn lên nhà già Quỳnh Nhường trơn trượt. Người đàn ông gần 70 tuổi nhanh nhẹn ra đón khách. Bên trong ngôi nhà sàn nhỏ vẫn còn giữ nhiều vật dụng đan lát của người Pa Cô từ ngày già chập chững vào nghề. Già Quỳnh Nhường trầm tư, bảo: Cái nghề này đã bó buộc với già từ cái thuở bắt đầu biết đi nương gùi thóc, gùi bắp... và đến chừ gần 70 mùa lúa rẫy rồi. Mới đầu chỉ tự mày mò. Thấy có khiếu và đam mê, cha của già bèn truyền lại. Sản phẩm đầu tiên già làm là cái Trua A ổi (cái tổ gà ấp trứng), nhưng chưa được đẹp. Nhớ lời cha dạy, già quyết tâm theo đuổi, dần dần đã thành thạo làm cái A chooiq (gùi nhỏ), A tẹh (gùi to), Ti letq (cái gùi nhiều ngăn), cái A điêên, A ram... sắc sảo.

Theo già Quỳnh Nhường, để tạo ra một sản phẩm đan lát từ tre, nứa, trúc hay mây rừng... phải trải qua nhiều công đoạn nên người cần cù, tỉ mỉ mới chế tạo được sản phẩm ưng ý. Khó khăn, vất vả nhất là đi tìm mây, phải lội qua mấy con suối, nhiều quả đồi có khi cũng chỉ về công cốc, nên sản phẩm từ mây là rất giá trị, quy đổi ra một cái gùi mây cũng phải 1 con heo 30 cân (khoảng 1,5 - 2 triệu đồng). Do vậy, bình thường già chỉ dùng tre, trúc để đan lát, nếu có khách đặt hàng mới đan theo yêu cầu. Không những đan đẹp, có thâm niên mà hiểu biết của già Quỳnh Nhường về nghề cũng rất uyên bác. Già bảo: “Để đan A chooiq, Ti letq... đẹp và bền, phải khai thác tre vào những ngày cuối tháng, không có trăng, vì tre đầu tháng chứa nhiều nước nên dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy sợi già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt”. Già còn bảo chắc nịch: Ngoài vật liệu, để theo được “nghiệp” đan phải có lòng yêu nghề và sự khổ luyện. Nói là làm, già vớ lấy cái khung nón lá kiểu của đồng bào treo trên tường nhà, già bảo rằng nhìn có vẻ rất dễ làm, song để đan được phải “học và hành”. Dưới bàn tay đã sần sùi theo năm tháng cùng nghề, chưa đầy 10 phút, già Quỳnh Nhường đã đan xong “hình hài” cái khung nón có các cạnh đều đặn.

Khát vọng truyền nghề

Mặc dù đã gần 70 mùa lúa rẫy đi qua nhưng niềm đam mê của già Quỳnh Nhường vẫn cháy bỏng như thuở đầu, cái ngày tuổi trăng tròn. Nhìn những ngón tay đầy vết sẹo, vết chai sần nổi lên thành cục ở mép ngón tay đủ để biết rằng già Quỳnh Nhường gắn bó với nghề như thế nào. Mỗi chiếc A tẹh già kiếm được 500.000 đồng. Khách hàng quen là người trong huyện và các huyện lân cận của tỉnh Quảng Trị. Già bảo, do thiếu nguyên vật liệu và già còn bận truyền dạy cho lớp trẻ nên mỗi tháng chỉ kịp làm vài cái A tẹh để giao cho khách đặt hàng trước.

Theo tìm hiểu, tùy từng loại sản phẩm mà già Quỳnh Nhường sử dụng những kỹ thuật đan lát truyền thống khác nhau của người Pa Cô. Đan mâm cúng lễ (A điêên), A tẹh, A ram, Ti letq, Ka ooi (giỏ cá)... có thể được coi là những kiệt tác của nghệ thuật đan lát sử dụng chất liệu cật tre và mây, thể hiện sự kết hợp mềm mại, tinh xảo nhưng đầy công phu. Khi đan những sản phẩm này, già thường dùng kỹ thuật xâu xiên - kỹ thuật phức tạp rất ít người làm được. Các vật dụng sinh hoạt đặc trưng và khó làm nhất của người Pa Cô, già Quỳnh Nhường bảo đều nhớ và thành thạo hết. Điều làm già buồn nhất là lớp trẻ Pa Cô bây giờ không còn chú tâm học đan lát, trong bản chỉ có vài người đan đẹp, song nhìn chung đều đã lớn tuổi và mắt cũng đã mờ, tay chân đã yếu không đủ sức vào rừng bứt mây, ngồi đan cái Ti letq, A chooiq...

Đứng trước thực trạng nhiều nghề truyền thống đang bị mai một, già Quỳnh Nhường vẫn đau đáu trong lòng khát vọng truyền nghề. “Vừa qua, cán bộ về chỉ đạo phục dựng nghề đan lát, già được giao truyền lại cái nghề đan lát này, già ưng cái bụng lắm. Lớp tại nhà già có hơn 10 đứa theo học vào buổi sáng, nhưng chỉ có vài đứa có tâm huyết đi theo. Còn muốn theo kịp thế hệ của già, bọn trẻ phải chăm chỉ học đan nhiều hơn” - Già Quỳnh Nhường tâm sự.

Nói về nghệ nhân Quỳnh Nhường, cựu chiến binh Quỳnh Bình cũng là “học trò” già Quỳnh Nhường, cho biết: “Già Quỳnh Nhường là người người am hiểu cái “hồn” của nghề truyền thống và đan rất đẹp, cái làng này ai cũng biết. Có thời gian, nhiều người mê mẩn đến xin học, song chỉ một thời gian đã bỏ cuộc. Ngày trước già cũng theo học hỏi và được già Quỳnh Nhường truyền lại mới đan được cái A tẹh, Ka đư, Yrang... chừ thì mắt già đã mờ, cái tay đã chậm chạp rồi không làm được nữa...”

Già Quỳnh Nhường nói: “Già chỉ mong có được sức khỏe để tiếp tục với nghề và truyền lại cho lớp trẻ cái nghề của tổ tông, góp sức mọn giữ được bản sắc Pa Cô, mai sau không xấu hổ với cha ông”.

Chị Lê Thị Mai Loan, Trưởng bộ phận bảo tồn du lịch huyện A Lưới, cho biết: Vào tháng 3/2015 vừa rồi, huyện đã có chỉ đạo và mở lớp dạy nghề đan lát thủ công truyền thống người Pa Cô tại xã Bắc Sơn. Về kinh phí mở lớp, huyện cùng phối hợp với các xã có mở lớp dạy nghề để hỗ trợ 1 phần kinh phí, tùy theo điều kiện của các xã...”

Bài, ảnh: Đức Nhơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top