ClockThứ Năm, 28/03/2013 18:41

Truyền nhiệt huyết cho bác sĩ tương lai

TTH - Một buổi sáng cuối tuần, Hội trường Trường đại học Y Dược Huế không còn một chỗ trống. Lịch học dày đặc nhưng rất nhiều sinh viên và học viên sau đại học vẫn tranh thủ đến với buổi tọa đàm "Như trái tim từ mẫu" do Trung tâm học liệu Đại học Huế phối hợp với Trung tâm Thông tin - Thư viện của trường tổ chức.

Những trái tim sau chiếc áo blouse

 

“Ngoài y thuật, phải có y đạo trong sáng. Chỉ có tay nghề giỏi mà y đạo không trong sáng thì dù tay nghề cao đến mấy cũng không có lợi cho bệnh nhân, PGS.TS. Võ Tam, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ trong lời mở đầu tọa đàm. - Theo khảo sát của nhà trường thì thường các học sinh học giỏi và có lòng nhân hậu mới chọn nghề y. Các em hãy cố gắng học giỏi để có kiến thức, tay nghề vững vàng và trau đồi đạo đức, y đức, y đạo của chính mình. Nếu các em có tay nghề giỏi và có tấm lòng vì bệnh nhân thì khi ra trường, dù ở đâu cũng sẽ thành công”.

 

GS. Hoàng Khánh, Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học, chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị. “Người Hàn Quốc có câu: 24h trong một ngày không đủ để làm việc. Họ luôn tận dụng thời gian mọi lúc, mọi nơi để làm việc. Các Mác nói, “mọi sự tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”, tiết kiệm thời gian là để học hỏi, để cấp cứu, để chữa cho người bệnh... Nghề y là nghề cứu chữa người bệnh, nếu một người thầy thuốc có tâm với người bệnh thì kê 1 toa thuốc thôi cũng không dễ bởi nó thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc trong đó, kê thuốc nào và ra sao cho thật tốt, thật phù hợp với từng bệnh nhân, đó cũng chính là y đức”, GS. Khánh nói.

 

Không ngừng học hỏi

 

Giới thiệu từ mới mà Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng là “y nghiệp” thay cho từ “y đức” trước đây để vừa nhấn mạnh y đức vừa nói lên tính chuyên nghiệp trong y học, GS Khánh lưu ý các sinh viên y phải thường xuyên cập nhật để bắt kịp những vấn đề mới trong y học. Để làm được như vậy, sinh viên phải tự hoàn thiện mình từng ngày một, phải khiêm tốn, không thỏa mãn với mình mà tiếp tục vươn lên. Một câu chuyện thú vị mà vị giáo sư này kể ra tại buổi tọa đàm là câu chuyện những chuyên gia Hàn Quốc sau 2 năm về Việt Nam làm việc, khi trở lại nước mình thì đã tụt hậu về cách thức, tư duy làm việc so với đồng nghiệp ở Hàn Quốc. Qua câu chuyện này, GS. Khánh mong muốn các thế hệ sinh viên phải không ngừng học hỏi và giỏi hơn các thế hệ đi trước, có như vậy xã hội mới phát triển.

 

Nêu lên thực trạng đáng xấu hổ về y đức của một bộ phận bác sĩ mà báo chí đã đề cập trong thời gian qua như lợi dụng công nghệ cao, kê đơn thuốc... để “làm tiền” trên sự đau đớn của người bệnh, GS. Khánh cho rằng, muốn tránh những điều đó, sinh viên y ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải biết cách học, nắm vững vấn đề và có khả năng tổng hợp tốt. Sau này khi đã đi làm, nếu có vấn đề còn không rõ thì không nên giấu dốt mà cùng hợp tác hoặc nhờ những đồng nghiệp của mình giúp đỡ. “Có 4 điều trong giáo dục trong đó có y khoa, đó là: thứ nhất là học để làm, thứ hai là khả năng làm việc nhóm; thứ ba là sáng tạo, thứ tư là học để biết. Các em cần lưu ý những kỹ năng mềm bởi chúng hết sức quan trọng đối với người mới tốt nghiệp ra trường”, GS. Khánh nói. Để minh họa cho điều này, ông kể câu chuyện một sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi đi phỏng vấn tìm việc làm. Người phỏng vấn do bận khách đã đưa cho sinh viên này một tờ báo tiếng Anh để đọc. Lúc xong việc, vị này quay lại hỏi tờ báo viết về vấn đề gì thì sinh viên đó hoàn toàn không biết. Điều này nói lên trình độ ngoại ngữ và sự lười biếng, không biết tranh thủ thời gian để học của sinh viên kia. “Quỹ thời gian là rất ít nên các em hãy tận dụng thời gian, tiết kiệm tối đa thời gian để học!”, GS. Khánh chốt lại.

 

Một vấn đề về y đức nữa được lưu ý tại buổi tọa đàm là tính trung thực. Theo GS.Khánh, sự trung thực là rất quan trọng đối với một thầy thuốc. “Nếu phát hiện được thì nói, không biết thì thôi, bởi nói không đúng sẽ gây ra hậu quả khó lường, và khi đó “y đức” sẽ trở thành “y đứt”. Ngay như một việc tưởng chừng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào là việc ghi rõ họ tên, ngày giờ khám, cũng thể hiện y đức, sự cẩn thận và trách nhiệm của người thầy thuốc trong đó. Nghề y là tổng hợp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tâm lý học và nghệ thuật. Nghề y mang vinh dự rất lớn lao, được xã hội gọi là thầy thuốc, bác sĩ. Chính chúng ta tạo nên chữ thầy, chữ bác đó trong tâm khảm nhân dân và đồng nghiệp. Do vậy, các em phải luôn hướng đến cái tâm và có tấm lòng vì người bệnh. Đó cũng là hướng đến giá trị “chân, thiện, mỹ” vậy!”, GS. Khánh nói.

 

Với những chia sẻ chân thành đầy trách nhiệm cùng những câu chuyện thú vị của người đi trước, tọa đàm “Như trái tim từ mẫu” thực sự mang lại một sinh hoạt ngoại khóa bổ ích, góp phần truyền thêm ngọn lửa nhiệt huyết yêu nghề đến với những bác sĩ tương lai.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Return to top