ClockThứ Ba, 28/08/2018 14:03

Tự chủ ở các trường đại học: Khó nhiều mặt

TTH - Tự chủ đại học (ĐH) là xu thế tất yếu và ĐH Huế cũng đã vạch ra lộ trình, song trên thực tế để các trường tự chủ hoàn toàn là điều không dễ.

Cơ chế, chính sách về tự chủ đại học chưa đồng bộĐổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý, hướng đến tự chủ đại họcĐổi mới quản trị đại học và tự chủ giáo dục đại họcTrao đổi về kinh nghiệm, chất lượng các mô hình quản trị đại học

Thị trường lao động cũng là thách thức công tác tuyển sinh

Khó tự chủ sớm

Trường ĐH Luật là một trong ba trường thành viên nằm trong lộ trình tự chủ đầu tiên của ĐH Huế vào năm 2018 - 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà trường khẳng định không dễ để tự chủ ngay. PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khó nhất là tự chủ tài chính: “Trường còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí, trong khi các nguồn thu về chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp luật còn ít. Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH, nếu không đảm bảo về nguồn thu sẽ là thách thức lớn”.

Khó khăn của Trường ĐH Luật cũng là nỗi lo của nhiều trường. Lý do là trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn và nhiều biến động, nguồn thu học phí trở nên không bền vững, nguy cơ rủi ro cao nếu nhu cầu thị trường lao động bão hòa. Trái lại, nguồn thu từ các dịch vụ lại chưa nhiều.

So với một số đơn vị khác, Trường ĐH Y dược có thuận lợi và khả năng tự chủ tốt hơn, nhất là tự chủ về tài chính nhờ nhu cầu nguồn nhân lực y tế có chất lượng của các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên toàn quốc tiếp tục tăng cao, đảm bảo đầu ra sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến tuyển sinh. Ngoài ra, với thương hiệu của bệnh viện trường, trong bối cảnh nhu cầu được chăm sóc điều trị có chất lượng ngày càng cao của người dân là một điều kiện giúp cho trường tự chủ trong hoạt động.

Cũng giống như nhiều trường khác, Trường ĐH Y dược còn gặp nhiều khó khăn, đó là một số văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, chưa ban hành nghị định cơ chế tự chủ, chưa điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục dạy nghề theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Giải pháp thu hút thí sinh là vấn đề các trường phải nghiên cứu kỹ khi tự chủ ĐH

“Các định mức kinh tế - kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách Nhà nước phần lớn vẫn theo yếu tố “đầu vào”. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công rất chậm. Chưa xây dựng được tiêu chuẩn dịch vụ và các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công để kiểm định chất lượng cung ứng dịch vụ làm cơ sở cấp kinh phí hoạt động cho đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các trường ĐH. Các nội dung của Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 chưa được triển khai triệt để, đó cũng là khó khăn để tự chủ hiện nay”, PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y dược, ĐH Huế trăn trở.

Một trong những khó khăn lớn nữa của các trường là cơ sở vật chất. Theo ông Trần Đăng Huy, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính ĐH Huế, Quỹ đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) còn ít, trong khi ĐH Huế không có nguồn quỹ này. Ở các trường, quỹ này được trích từ nguồn thu nhưng không nhiều vì vậy việc xây dựng cơ sở vật chất mang tính từng bước. Để các trường mạnh dạn đăng ký tự chủ hoàn toàn, cần hoàn thiện về mặt hạ tầng, cơ sở vất chất, nghĩa là tự chủ nhưng cần Nhà nước đầu tư ban đầu.

Tính cạnh tranh giữa các đơn vị cũng là một thách thức. Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế nêu ví dụ: “Huế và Đà Nẵng đều có trường đào tạo về ngoại ngữ. Trong trường hợp Trường ĐH Ngoại ngữ Huế tự chủ trước và phải tăng học phí để đảm bảo nguồn thu sẽ bất lợi”.

Lộ trình tự chủ ĐH, tự chủ tài chính của ĐH Huế: Giai đoạn 2018 - 2019, có 3 trường ĐH thành viên thực hiện tự chủ ĐH là: Y dược, Luật và Kinh tế. Các viện nghiên cứu, trung tâm, nhà xuất bản thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. Giai đoạn 2019 – 2020 có 2 trường thành viên tự chủ ĐH là Nông lâm và Ngoại ngữ. Các trường ĐH thành viên khác: Khoa học, Sư phạm, Nghệ thuật thực hiện tự chủ theo cơ chế đặt hàng từ các chính sách của Nhà nước được áp dụng kết hợp phát huy nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ.

Hiện nay, Trường ĐH Nghệ thuật, Trường ĐH Khoa học cùng một số đơn vị đào tạo các ngành năng khiếu, cơ bản là đáng lo nhất. Nguyên nhân là lâu nay rất khó tuyển đầu vào. Vì vậy, những ngành này phải cần cơ chế đặc thù, đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước.

Đa dạng nguồn thu

Tự chủ ĐH bao gồm cả tự chủ tuyển sinh. Khi các trường phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu học phí, việc tuyển sinh khó dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Theo các chuyên gia giáo dục, ngoài trừ khối ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng, các cơ sở giáo dục khác với “lợi thế” tự quyết điểm sàn sẽ dẫn đến nguy cơ hạ sàn và chuẩn để “vơ vét” thí sinh nhằm có được nguồn thu. Khi “kịch bản” này xảy ra, thương hiệu của cơ sở giáo dục sẽ giảm và tác động ngược trở lại đến tình hình tuyển sinh, ảnh hưởng đến nguồn thu trong tương lai.

Giải quyết vấn đề trên cũng như giúp các trường tự chủ tài chính thì đa dạng nguồn thu là lựa chọn tối ưu. Điển hình như Trường ĐH Luật đang hướng đến việc đào tạo cho cán bộ pháp luật tại các địa phương hay Trường ĐH Ngoại ngữ đang tính tới việc chú trọng thêm mảng dịch thuật, đào tạo quốc tế…

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho rằng, với các ngành nghề đào tạo, mỗi đơn vị cần nghiên cứu, để khai thác tốt các dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực của mình trên cơ sở pháp luật cho phép. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh kết nối các đơn vị để tìm các đơn đặt hàng nghiên cứu khoa học nhằm tạo thêm nguồn thu từ hoạt động này.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Return to top