ClockThứ Sáu, 26/04/2019 21:31
KHAI THÁC CÁT SẠN TRÁI PHÉP:

Từ cơ giới sang thô sơ

TTH.VN - Có người vì tình làng nghĩa xóm, nhưng cũng có người “pháp bất vị thân”. Nhưng bất kể như thế nào thì nạn sa tặc vẫn đang dai dẳng, dù rằng tiếng máy hút trên các con sông không còn “dày” như trước.

Tự quản chống nạn khai thác cát trộm trên sông BồDương Hòa khốn khổ trước “sa tặc”“Đại công trường” sông Bồ “nhộn nhịp” trở lại

Sa tặc táo tợn xúc trộm cát ngay giữa ban ngày tại vườn ông D.

"Đến núi cũng lở"

Khoảng 1 tháng trở lại, một số địa điểm phía thượng nguồn sông Hương, Tả Trạch trước đây thường xuyên bị sa tặc “oanh tạc” từ 11h đêm đến 3-4h sáng bỗng im bặt tiếng máy hút trộm. Chưa kịp mừng cùng bà con sống quanh “điểm nóng” thì ông D. (thôn Thạch Hàn - xã Hương Thọ - TX. Hương Trà) tiết lộ: "Tụi hắn (những đối tượng khai thác cát sạn trái phép) chừ làm theo kiểu khác chơ làm chi có chuyện bỏ nghề".

“Trước dùng thuyền máy có sức chứa từ 30-50m3 thì chừ chơi ghe nhỏ, khoảng 3-5m3. Thay vì nổ máy, dùng vòi hút gây tiếng động dễ bị phát hiện, mấy đối tượng này chuyển qua “đánh bộ”. Đêm xuống, chèo ghe đến địa điểm định sẵn rồi cứ thế nhảy lên bờ xúc. Đầy ghe là đi. Nhìn ghe nhỏ nhỏ rứa chơ từ đêm đến sáng, một ghe làm 5-6 chuyến, 5-6 ghe xúm vô xúc thì lâu ngày đến núi cũng lở, nói chi ruộng nương", ông D. tiết lộ.

Từ khi sa tặc chuyển sang “đánh bộ”, cũng bởi tâm lý “làm” một vài ghe nhỏ chắc không ai nói chi nên không ít ghe táo tợn hoạt động từ đêm đến 9-10h sáng. “Nhiều lần bắt tại trận, mình đuổi thì họ đi. Nhưng vừa vô nhà thì họ quay lại xúc tiếp. Tức mà không làm chi được”, ông D. nói.

Cái sự “không làm chi được”, theo lời ông D., không phải ông ngại những đối tượng này gây hấn mà vì tình nghĩa xóm làng. Mấy đứa ni người trong làng trong thôn hết. Tên, mặt, nhà cửa ra răng tui biết hết. Mình tức thì đuổi, la mắng rứa chơ không nỡ làm căng quá hoặc báo công an, chính quyền vì nhà tụi nó cũng nghèo, công việc không có, con cái thì nheo nhóc.

“Cũng có mấy lần bức xúc quá tui tới tận nhà. Nhưng vừa tới, nhìn bầy con lít nhít, rồi tụi nó năn nỉ chừ không “làm cát” thì lấy chi nuôi con nên tui không đành “chỉ mặt điểm tên”, dù rằng hiện tại, mảnh đất sát bờ sông của tui đang sạt lở rất nặng”, ông D kể.

Câu chuyện của ông D. cũng tương tự với một số hộ ở sát bờ phía thượng nguồn sông Hương, mà chia sẻ của anh U. là một ví dụ: “Sáng ra vườn chăm sóc cây, thấy ghe chạy ngang rồi quành lại nói vọng lên anh cho em xúc mấy xẻng cát về tô cái trụ. Bà con trong xã cả chẳng lẽ mình lắc đầu. Nhưng tô trụ kiểu chi mà xúc liên tục từ đêm đến sáng, từ ngày ni qua ngày nọ, mấy bụi tre trên bờ rớt xuống sông hết. Nóng ruột ra đuổi thì nó cười rồi đi. Mình quay vô là nó lui xúc tiếp…”.

“Pháp bất vị thân”

Lực lượng tự quản của xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) vừa bắt một thuyền khai thác cát sạn trái phép có sức chứa khoảng 10m3 cát lúc 13h ngày 18/4. “Nếu ban đêm, anh em còn có người thức để canh. Nhưng chừ những đối tượng này chuyển sang khai thác ban ngày – thời điểm anh em phải đi làm - và dùng động cơ ô tô gắn thêm ống giảm thanh để hút trộm nên tiếng nhỏ, rất khó phát hiện và đẩy đuổi triệt để”, anh P. (thành viên tổ tự quản) cho biết.

Ngoài anh P., anh R. là một trong những thành viên tích cực nhất tổ tự quản, đồng thời là bí thư chi bộ một thôn của xã Dương Hòa. Nhưng cũng từ cái sự tích cực đó, anh R. gặp không ít phiền toái, thậm chí nguy hiểm đến bản thân và gia đình.

Anh R. lấy vợ người thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng – TX. Hương Thủy) và xây dựng tổ ấm tại đó. Vợ anh R. gọi đối tượng tên B. (sát nhà 2 vợ chồng vài trăm mét) – một sa tặc có tiếng quanh vùng bằng dượng. Ý thức trách nhiệm bản thân, nên mỗi lần dượng B. “xuất hành” là anh R. ngay lập tức thông báo để bà con, lực lượng tự quản bên phía thôn Hộ, Hạ, Buồng Tằm (xã Dương Hòa) cử người canh phòng, đẩy đuổi.

Sau vài lần không “làm ăn” chi được, mới đầu B. qua nhà anh R. nói thôi con lơ cho dượng làm ăn. Thuyết phục mãi không được, B. cay cú, lúc thì đứng trước cổng nhà chửi bới, mạt sát, lúc dọa đánh, dọa gọi đàn em về hành hung. Liên tục một thời gian dài, anh R. phải “nghiến răng” bắt một camera trước cổng phòng ngừa dượng B. “mần thiệt”.

“Biết là bà con, giỗ chạp kiểu chi cũng gặp nhau, nhưng bản thân là bí thư chi bộ thôn mà để người thân tàn phá môi trường như rứa thì làm răng nói bà con tin, phục. Mừng là gia đình bên vợ ai cũng hiểu và ủng hộ”, anh R. tâm sự.

Nạn khai thác cát sạn trái phép vẫn đang dai dẳng, dù rằng tiếng máy hút trên các con sông không còn dày như trước. Và trong câu chuyện này, bên cạnh những đợt ra quân thường xuyên hơn của lực lượng chức năng, việc tạo sinh kế để sa tặc chuyển đổi công việc cũng như nhân rộng những tấm gương như anh R. là điều cần thiết.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lối rẽ” của Trương Hữu Tài

Khi quyết định lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương sau bao năm bôn ba xứ người, chàng thanh niên Trương Hữu Tài chọn cho mình lối rẽ khá bất ngờ mà nói như nhiều người dân xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) khi ấy, là “quá liều”.

“Lối rẽ” của Trương Hữu Tài
Ai mới là “cát tặc”?

Hôm đó, khi thuyền dừng lại ở bãi bồi Lương Quán, đồng nghiệp của tôi nói: kìa, người ta vẫn khai thác cát ráo riết ở ngay nơi vừa có lệnh cấm và mới có 3 doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền không hề nhỏ…

Ai mới là “cát tặc”
Return to top