ClockThứ Ba, 29/12/2020 06:15

Từ lợi ích nhóm đến tham nhũng

TTH - Xét khía cạnh nào đó thì “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” đã chứa đựng hàm ý nói về tham nhũng. Có người còn xem đó là loại “tham nhũng đặc biệt”, tham nhũng có tổ chức. Thực tế, trong những năm qua, số vụ tham nhũng lớn hầu hết đều xuất phát từ các nhóm lợi ích.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, pháp luật còn quan trọng hơn”. Ảnh: baochinhphu.vn

1. Lợi ích nhóm có nhiều dạng khác nhau, từ hoạt động chính trị, xã hội đến đầu tư kinh doanh. Về mặt kinh tế thì lợi ích nhóm đặt mục tiêu thu lợi từ những phương thức trái phép hoặc danh nghĩa hợp pháp nhưng mang lại lợi ích cục bộ.  Mức độ tham nhũng ít hay nhiều, bằng cách nào để có được những khoản bất chính phụ thuộc vào sự câu kết với nhau trong của từng nhóm lợi ích.

Những cái phong bì, những khoản lót tay, những khoản thu nhập bất chính sau những phi vụ đều là tham nhũng, nhưng khi đã hình thành nhóm lợi ích thì mức độ không còn là tham nhũng vặt mà “lợi ích” đem lại là rất lớn, đặc biệt lớn. Trong đó, tham nhũng bằng cơ chế, chính sách là nguy hại nhất, tổn thất của Nhà nước và xã hội nhiều nhất. Tính chất nghiêm trọng không chỉ là tài sản bị thất thoát mà còn ảnh hưởng đường lối, chính sách, tính ưu việt của chế độ. Không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn có thể để lại hậu quả lâu dài, gây nên những tổn hại về mặt chính trị, xã hội. Khi người ta đã bắt tay với nhau, hình thành nhóm lợi ích sẽ rất khó cho phát hiện, xử lý của Nhà nước, giám sát của người dân.

Tham nhũng từ nhóm lợi ích có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng cơ bản nhất là sự câu kết có tổ chức, nhiều người tham gia. Đặc điểm chính là sự tập hợp những kẻ thoái hóa, biến chất vì quyền lợi cục bộ của bản thân, của nhóm thân hữu. Chúng ta có thể thấy rõ nhất trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dự án đầu tư công, khai thác tài nguyên, đất đai.

Những đại án xảy ra ở ngành công thương, dầu khí, đất đai ở đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) và ở nhiều địa phương trong thời gian qua đều ẩn chứa “ưu ái” dành cho những doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích thao túng.

Táo bạo hơn khi quan chức có trách nhiệm lợi dụng sơ hở, bỏ qua  quy chế, quyết định vượt thẩm quyền để ban hành những văn bản nhằm hợp thức hóa quy định, biến tài sản của Nhà nước sang sở hữu tư nhân. Dù cố tình che giấu nhưng đằng sau là những khoản lợi nhuận khổng lồ đã được thỏa thuận ngầm giữa đôi bên.

Hai cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bị xét xử gần đây là một thực tế về sự câu kết đó. Cái kiểu “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, cùng nhau thỏa thuận đôi bên cùng có lợi trở thành hình thức phổ biến. Hiện nay, không chỉ là đôi bên nữa mà hình thành từ những “nhóm ăn cánh”, “đường dây”, “liên doanh”, “liên kết” của những nhóm lợi ích. Sự câu kết đó đem lại lợi cho một bộ phận nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung.

2. Những biểu hiện trên chỉ mới là khía cạnh nhỏ về tác hại trong quan hệ gắn liền giữa tham nhũng và lợi ích nhóm. Mối quan hệ này đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, kìm hãm phát triển kinh tế, suy đồi về văn hóa, đạo đức, làm mất niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ.

Dưới tác động của kinh tế thị trường đã làm cho tham nhũng, lợi ích nhóm phát triển nhanh hơn, trở thành “thông lệ”, tệ nạn “quen thuộc” trong mọi quan hệ. Từ đó, có những nhóm người (quan chức)  giàu nhanh, trở thành tầng lớp thượng lưu, tạo nên mâu thuẫn, làm mất uy tín của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong con mắt của người dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Lợi ích nhóm ban đầu đơn giản chỉ là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau, chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi cùng với thời gian không chỉ quan hệ của 2 bên mà hình thành sự “ăn cánh”, “đường dây” của một nhóm người mưu cầu lợi ích riêng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các văn bản của Đảng trong những năm gần đây đã chỉ ra những biểu hiện tham nhũng của các nhóm lợi ích cần phải được phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn. 

Tại Hội nghị Chính phủ ngày 24/11/2020 “Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, pháp luật còn quan trọng hơn”. Điều đó cho thấy lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã nhận thấy rõ nguy hại của lợi ích nhóm đối với vấn đề tham nhũng. Khi các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong tham mưu hoặc ban hành chính sách, cơ chế hướng đến mục tiêu hưởng lợi cục bộ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Nhà nước và Nhân dân.

Vì vậy, xác định tính chất mối quan hệ, từng bước xóa bỏ lợi ích nhóm chính là góp phần quan trọng  loại bỏ các đại án tham nhũng như đã xảy ra trong thời gian qua.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Return to top