ClockThứ Năm, 16/12/2010 17:08

Từ “Mồ anh hoa nở” đến “Mùa Xuân nho nhỏ”

TTH - (Nhân đọc “Tuyển tập Thanh Hải” - NXB Thuận Hóa, 2010)
Nhà thơ Thanh Hải

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Thanh Hải (15/12/1980 - 15/12/2010) và 80 năm ngày sinh của nhà thơ (1930-2010), được sự tài trợ của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Thuận Hoá cùng với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế vừa cho ấn hành “Tuyển tập Thanh Hải”. Đây là tuyển tập đầy đủ nhất của nhà thơ Thanh Hải (TH), gồm toàn bộ tác phẩm chủ yểu của Thanh Hải, từ thơ, trường ca, kịch thơ, văn xuôi.

Cuốn sách dày gần 700 trang, in bìa cứng trang trọng này còn tập hợp khá đầy đủ những bài nghiên cứu phê bình thơ Thanh Hải của nhiều tác giả, từ Hoài Thanh, Vũ Quần Phương… đến Phạm Phú Phong, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Lê Khánh Mai, Hồ Thế Hà… và những kỷ niệm sâu đậm với Thanh Hải của các bạn văn, các đồng đội cũ ở chiến trường Thừa Thiên Huế một thời gian khó như Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Khoa Điềm, Võ Quê, Trần Nguyên Vấn… Một số trang nhật ký của Thanh Hải và thư của Thanh Hải gửi chị Thanh Tâm (vợ nhà thơ), thư của các bạn thơ Giang Nam, Ngô Văn Phú gửi Thanh Hải cùng nhiều ảnh tư liệu quý - trong đó đặc biệt có chùm ảnh ghi lại những cuộc gặp gỡ giữa Thanh Hải với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi Thanh Hải (trong Đoàn đại biểu Mặt trận DTGP miền Nam) ra thăm miền Bắc - lần đầu được công bố trong cuốn sách này.
Với nhiều tác phẩm đã xuất bản như Những đồng chí trung kiên, Dấu võng Trường Sơn, Huế mùa xuân và những trọng trách mà Thanh Hải đảm nhiệm - Thanh Hải từng là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng…- vị trí của Thanh Hải trong phong trào văn học cách mạng Việt Nam đã được khẳng định, như nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết trong điếu văn tiễn đưa Thanh Hải vào một ngày mưa tròn 30 năm trước: “…Chỉ bằng thơ của anh, anh đã hoạt động suốt đời không phải chỉ cho quê hương Trị Thiên mà cho cả miền Nam; đã đóng góp tích cực vào sức mạnh của miền Nam tấn công và nổi dậy; anh đã cống hiến xứng đáng vào tình cảm ruột thịt sâu thẳm giữa miền Nam-miền Bắc, thuở ấy đất nước còn xa cách hai miền…”

Nghệ sĩ Thu Hằng trình bày “Một mùa xuân nho nhỏ” trong đêm thơ “Viết sử nước mình trên mặt đất”. Ảnh: Internet
 
So với các nhà thơ cùng thời, Thanh Hải viết ít hơn vì thường xuyên sống giữa vòng vây quân thù ở một chiến trường vào loại ác liệt nhất, đến giấy bút và cả muối ăn đều thiếu, 5 năm được sống trong hoà bình thì lại bị mầm bệnh hiểm nghèo đe doạ, nên nhiều nhà phê bình và công chúng rộng rãi khi nói đến Thanh Hải, thường chỉ nhắc đến 2 bài thơ Mồ anh hoa nở, Mùa xuân nho nhỏ và câu thơ tiêu biểu thể hiện tình cảnh đất nước chia cắt đau đớn suốt 20 năm trước đây: Xa nhau chỉ một mái chèo / Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây Không phải nhà thơ nào cũng có tác phẩm được người đời nhớ đến, được in sâu vào tâm trí bạn đọc nhiều thế hệ như Thanh Hải.
Tuy vậy, qua Tuyển tập Thanh Hải vừa xuất bản, chúng ta nhận ra thơ và cuộc đời Thanh Hải còn không ít những giá trị chưa phải ai cũng biết. Ví như bài thơ Xác người lính Mỹ giữa rừng Việt Nam , Thanh Hải viết: … Mẹ anh những ngày qua / Vẫn ngồi cầu tượng Chúa / - Ma-ri-a lạy Mẹ / Cho con tôi trở về / Rừng Việt Nam vào hè / Lá vàng bay xao xác / Người lính Mỹ ôm đất / Có nghe tiếng kinh cầu?.../ … Người lính Mỹ giữa rừng / Mắt không còn mở nữa / Tôi muốn hỏi bao lứa / Trai Mỹ mắt còn xanh / Còn thấy rõ trời trong / Còn nhìn ra chân lý…
Thanh Hải viết bài thơ khoảng năm 1967. Hơn bốn thập kỷ đã qua, nhưng những năm qua, bi kịch ấy vẫn tái diễn, biết bao chàng trai “mắt còn xanh” vẫn tiếp tục phải “phơi thây” trên những miền đất xa lạ, khi Vợ anh vẫn dạo phố / Và con anh nho nhỏ / Vẫn viết thư cho cha…
Xin dẫn một bài khác (Con thuyền lênh đênh) Thanh Hải viết năm 1979, thời kỳ có rất nhiều số phận, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, phải trôi dạt vì những biến động, hoàn cảnh trớ trêu của thời cuộc:… Ôi con thuyền lênh đênh / Quên rồi mùa toóc rơm / Quên rồi bông sen trắng / Quên rồi khi trăng lặn / Quên rồi con cá chuồn / Quên rồi những con đường / Tết nào về quê ngoại…/ …Ôi con thuyền lênh đênh / Sóng dồi ngoài mặt biển / Đi về đâu, về đâu / Có nghe lời của bến…/ … Bến dặn thuyền đừng quên / Miền quê mình nhân hậu / Ôi con thuyền lênh đênh.
Thơ Thanh Hải ngoài những giá trị hiển nhiên là “muốn thơ chuyển tải cả sự kiện, những sự kiện điển hình xúc động, tiêu biểu cho lòng quả cảm của miền Nam chiến đấu” như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét, còn một dòng thơ đậm chất nhân văn, chan chứa tình cảm của một hồn thơ bình dị mà vẫn sâu sắc.
Những trang nhật ký, thư từ của Thanh Hải gửi cho chị Thanh Tâm cùng những kỷ niệm bạn bè được chọn in trong tuyển tập vừa xuất bản cũng đã góp phần hoàn thiện bức chân dung một nhà thơ, một người đồng chí, một người chồng nhân hậu, thuỷ chung. Chính là với nhân cách đẹp đẽ ấy, Thanh Hải tuy đã “đi xa” tròn 30 chục năm nhưng vẫn “sống” trong lòng bạn bè đồng nghiệp, bà con nội ngoại xa gần. Và ở đâu đó, trên miền đất Núi ngự sông Hương mà nhà thơ đã yêu thương, gắn bó trọn đời, trong những tháng ngày này, chúng ta tin là Thanh Hải đã nghe được tiếng gọi tha thiết của chị Thanh Tâm: …Anh ơi, một mùa xuân nhỏ gia đình chờ đợi / Một giọng ca Nam Bình em xin trao gửi / Với tất cả tình riêng em luôn đợi anh về…
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top