ClockThứ Ba, 25/10/2022 15:35

Từ “mo cơm”, mơ về bữa ăn bán trú

TTH - Ở TP. Huế, từ trường trung tâm đến các trường vùng ven đều tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh học hai buổi một ngày. Nhất cử lưỡng tiện. Ăn no xong, các em “đánh” một giấc để tỉnh táo cho buổi học tiếp theo, chưa kể, nhiều trường bắt đầu cải thiện bữa ăn trưa có thêm món ăn Hàn Quốc, Nhật Bản, vừa nâng cao thể lực, vừa giao lưu văn hóa với các thành phố trong khu vực.

Ðảm bảo bữa ăn an toàn cho học sinh bán trúKhông dễ có bữa ăn bán trú ở vùng cao

Bữa ăn bán trú ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Huế

Đã mặc định trong đầu, bán trú là chuyện bình thường của các trường nên tôi khá bất ngờ khi chứng kiến buổi trưa của học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Phong Điền). Nhiều em tất bật về nhà khi trống vừa đánh, để buổi chiều còn đi học lại. Ở trước cổng trường, phụ huynh hớt hải đón con để kịp trở về nhà máy. Cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, toàn trường có 500 học sinh có nhu cầu ở lại bán trú, nhưng nhà trường chỉ mới giải quyết được 200 em, chỉ ưu tiên những em nhà cách xa trường trên 8km; bố mẹ là công nhân phải đi làm xa... Khó khăn nhiều thứ, nhất là nơi ngủ trưa của các em thực chất cũng chỉ là chỗ đặt lưng khi nhà trường tận dụng một số phòng trống để các em ở lại.

Dẫu chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh, song Trường tiểu học Trần Quốc Toản vẫn được xem là điểm sáng của huyện Phong Điền khi có bán trú tại trường. Còn tiểu học, THCS Điền Hòa cũng là bán trú nhưng thực hiện theo mô hình bán trú dân nuôi. Nghĩa là, phụ huynh đem cơm theo cho con ở lại trưa hoặc các em ăn ở nhà dân gần trường. Cũng ở Phong Điền, Trường tiểu học Tân Mỹ đã linh hoạt vận động hội chữ thập đỏ hỗ trợ bữa trưa cho 15 em người dân tộc ở bản Khe Trăn. Từ đó, các em yên tâm ở lại học buổi chiều khi đường về xa ngái...

Bán trú cho học sinh bao năm vẫn là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Những trường tổ chức được bán trú lại bớt đi nỗi lo khi duy trì được sĩ số, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, thuận tiện cho các trường dạy 2 buổi/ngày. Câu chuyện học trò ham chơi đến lớp muộn hoặc bố mẹ quên đón về, cho thấy, xây dựng mô hình bán trú là cần thiết. Ở lại trường, các em ăn uống điều độ, đủ chất, có thời gian để học kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm. Thế nên, trong buổi làm việc gần đây với Trưởng phòng GD&ĐT A Lưới Hồ Văn Khởi, ông tiếc nuối bảo rằng, đáng ra, năm học này Trường tiểu học Kim Đồng đã tổ chức bán trú, nhưng do phụ huynh không đồng thuận với chi phí mà nhà trường đưa ra nên tạm hoãn.

Nhìn lại số liệu mà Sở GD&ĐT cung cấp, mới thấy, bán trú cho học tiểu học ở vùng nông thôn, miền núi vẫn là bài toán nan giải. Toàn tỉnh có gần 215 trường tiểu học thì mới có 82 trường tổ chức bán trú cho trên 26.400 học sinh. Trong đó, TP. Huế dẫn đầu khi có đến 50 trường tổ chức bữa ăn bán trú với trên 21.000 học sinh; tiếp đến là huyện Phú Vang có 12 trường với gần 1.400 học sinh bán trú; TX Hương Thủy 11 trường, có gần 1.360 học sinh bán trú. Các huyện còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay từ 1 đến 3 trường tổ chức bán trú. Chất lượng bữa ăn cùng tùy vùng miền, hoàn cảnh phụ huynh nhưng ở trong khung từ 16.000 đồng/em/ngày đến 30.000 đồng/em/ngày.

Ngoài TP. Huế, số trường có bếp ăn bán trú ngay trong trường học chiếm tỷ lệ thấp. Đa số các trường hợp đồng với các đơn vị cung cấp bữa ăn trưa cho các em. Riêng gần 1.600 học sinh ở Phú Lộc ở lại trưa do phụ huynh đem cơm cho con ăn, khi các trường ở địa phương này chưa tổ chức được bán trú. Còn Nam Đông linh hoạt hơn, khi Trường tiểu học Thượng Quảng vận động phụ huynh trong trường luân phiên phục vụ bán trú cho học sinh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng phòng GD&ĐT Phong Điền Nguyễn Phi Hùng trăn trở, các trường trên địa bàn đa số là con công nhân lao động, các em đi học xa, bố mẹ lại làm theo ca không ai đưa đón nên không tổ chức bán trú cũng rất bất tiện. Ngành giáo dục phấn đấu trong năm nay sẽ mở rộng thêm hai cơ sở bán trú cũ và tổ chức bán trú thêm hai trường nữa để giải quyết nhu cầu trước mắt cho học sinh ở xa trường. Song, số lượng giải quyết có hạn, khoảng 1/3 học sinh có nhu cầu ở các trường.

Mô hình học bán trú được nhiều trường ấp ủ xin các nguồn tài trợ và xã hội hóa. Tuy nhiên, khó khăn trong hoạt động bán trú là việc thiếu cơ sở vật chất, phòng lớp, trang, thiết bị; chưa có được tiếng nói chung trong việc thống nhất kinh phí thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trong bữa ăn, nơi ngủ nghỉ của các em; không có kinh phí thuê mướn bảo mẫu chuyên môn, kỹ năng quản lý học sinh, trong khi giáo viên đã rất nhiều việc, không thể ôm đồm thêm công tác quản lý xuyên suốt các lớp bán trú.

Thực tế, vẫn có nhiều trường tổ chức bán trú theo kiểu được chăng hay chớ, tùy vào khoản kinh phí thỏa thuận với phụ huynh nên hệ thống bán trú trong trường học không phải trường nào cũng đạt chuẩn. Đây cũng là vấn đề đặt ra về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ tại các bếp ăn trong nhà trường và quản lý học sinh ở lại trưa… Thế nên, từ “mo cơm” hay bán trú dân nuôi, phụ huynh ở thành thị hay nông thôn đều ước ao các em sẽ có bữa ăn trưa chất lượng và ngủ đủ giấc khi đang ở “tuổi ăn, tuổi học”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Return to top