ClockThứ Hai, 20/07/2020 14:48

Từ mô hình vườn ươm ở Phong Mỹ

TTH - Giá bán thấp, tỷ lệ sống cao, mô hình vườn ươm cây giống ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) cung cấp cây giống tại chỗ mang lại nhiều lợi ích cho người trồng rừng.

Hướng đi mới từ mô hình ươm giống cây mây

Là xã miền núi, Phong Mỹ có khoảng 8.000ha diện tích đất rừng. Từ năm 2007 đến nay, nhiều dự án như WT3, FSC…đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng nên nhu cầu về cây giống ngày càng cao.

Trước đây, người trồng rừng ở Phong Mỹ phải ra Quảng Trị hoặc vào huyện Phú Lộc để mua cây giống; vất vả vì đường xa mà tỷ lệ hao hụt cao (từ 25-30%) do cây chết sau khi trồng vì thay đổi chất đất và môi trường. Để giảm áp lực cho người trồng rừng, nhiều gia đình ở Phong Mỹ đã phát triển kinh tế bằng mô hình vườn ươm; vừa đáp ứng nguồn giống tại chỗ, vừa giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi.

Đều là công nhân tại Khu Công nghiệp Phong Điền, năm 2015, vợ chồng anh Phan Lanh và chị Nguyễn Thị Mỹ Thủy chuyển sang buôn cây giống. Thu nhập từ công việc mới giúp anh chị cải thiện đời sống đáng kể. Thế nhưng, sau một thời gian tiếp xúc với công việc này, anh chị nhận thấy việc ươm cây giống không khó nên đã mạnh dạn thuê 14 sào đất xây dựng vườn ươm ngay tại địa phương.

Theo phân tích của anh Lanh, đất đai, giống cây và nhân lực… tại địa phương đều rất dồi dào, là những lợi thế để anh chị tự tin một lần nữa thay đổi công việc. Mọi việc thuận lợi từ bước đầu, từ đó đến nay, bình quân mỗi năm anh chị cung cấp ra thị trường từ 50-70 vạn cây giống, trừ chi phí, lãi hàng trăm triệu đồng. Vườn ươm của anh Lanh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng; mùa hè, công việc nhiều nên vườn ươm của anh chị luôn tăng cường thêm từ 5-7 lao động thời vụ trả công 150 nghìn đồng/người/ngày.

Chứng kiến mọi người làm việc tại vườn ươm, chúng tôi nhận thấy mọi công việc khá đơn giản; một vài người phụ nữ cắt, tỉa nhánh cây theo kích cỡ phù hợp, đàn ông thì trộn đất với phân và cho vào từng túi nhỏ. Một tay cầm túi đất, một tay cầm nhành cây đã được cắt tỉa, chị Trần Thị Ngọc, năm nay 50 tuổi, vừa làm vừa giải thích: “Ri rồi chỉ việc găm nhánh cây vô là xong. Hai tháng sau khách đến nhận cây về trồng”.

Đa số nhân công ở các vườn ươm trước đây không có việc làm ổn định, hoặc ở nhà nội trợ; bây giờ có việc làm, thu nhập không cao nhưng ổn định và nhiều người vẫn sắp xếp để bảo đảm việc nhà chu toàn nên ai cũng tỏ ra rất phấn khởi. Bà Ngô Thị Liên, năm nay 63 tuổi, nói: “Tuổi ni rồi, ngày tám tiếng tới đây cắt cây với mọi người vừa vui, vừa có đồng vô đồng ra, khi ốm đau, hiếu hỷ có cái mà chi. Nhờ rứa, tinh thần thoải mái vì nghĩ mình già rồi mà vẫn có ích”.

Giá cả không khác nhau, nhưng cây giống ươm tại chỗ tỷ lệ hao hụt chưa tới 10%, người dân không mất công đi lại nên giảm được chi phí đầu vào đáng kể cho người trồng rừng. Song, theo ông Nguyễn Văn Mạnh, một người mua cây giống mà chúng tôi gặp tại vườn ươm của anh Lanh thì mỗi năm gia đình ông cần từ 5-7 vạn cây giống, lợi ích lớn nhất là cây phát triển tốt nhờ ngay từ đầu đã thích nghi với chất đất và môi trường.

Hiện, ở Phong Mỹ có 4 vườn ươm, đáp ứng được từ 50-60% cây giống cho địa phương. Các loại giống cây được ươm chủ yếu là keo lai hom, tràm, tràm dược liệu…; trong đó, tràm là cây chủ lực.

Ông Hoàng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phong Mỹ cho biết: “Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình vườn ươm, hướng tới đáp ứng đủ cây giống tại chỗ cho người trồng rừng, phát huy lợi thế sẵn có, xã đang tìm hướng hỗ trợ người dân bằng cách cho mượn đất sản xuất, quảng bá sản phẩm… Đây cũng là một trong những chiến lược góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững, thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn”.

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 23 và 24/3, tại nhiều địa phương, các lực lượng đã triển khai Phong trào ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động đáng chú ý như, tổ chức đổi rác lấy quà, tặng quà cho hộ nghèo, khai trương tuyến đường cờ thanh niên, thực hiện mô hình điểm “Cổng trường văn minh – thân thiện – an toàn”…

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh
Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang

Viết tiếp ước mơ thuở nhỏ khi chọn trở về quê hương nuôi thỏ, chuột lang nhà, với Nguyễn Duy Lanh, chàng trai Hương Xuân (Hương Trà), tuy gian nan, khó khăn song những thành quả thu được lại vô cùng quý giá.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang
Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế

Bằng nhiều giải pháp và cách làm cụ thể, thời gian qua số hộ nghèo trên địa bàn phường Đông Ba, TP. Huế ngày càng giảm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) của thành phố.

Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế
Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu “quả ngọt”, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

TIN MỚI

Return to top