ClockThứ Năm, 07/05/2015 18:02

Từ một góc nhỏ

TTH - Những ngày Festival Nghề truyền thống Huế 2015, tại Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (114 Mai Thúc Loan-Huế), bộ sưu tập (BST) mỹ nghệ gốm sứ Imari và điêu khắc Okimono-Netsuke (Nhật Bản) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TĐS) đã mang đến cho người xem những góc nhìn và cảm xúc rất thú vị.

BST gốm sứ Imari từ thế kỷ 18-20 với 40 hiện vật men xanh trắng và men màu thu hút người xem chưa phải bởi chất liệu và màu sắc, mà trước hết là các mẫu hình rất lạ. Ông Thọ thì không “truyền thống” như xưa nay mọi người vẫn quen nhìn, mà đó là một nhân vật gần như chỉ… thấy cái đầu. Đầu to, mũi lớn, râu, lông mày dầy và dài. Nói chung trông… kỳ cục nhưng rất thích. Bức tượng Đạt Ma men màu cũng rất khác với tượng/ảnh Đạt Ma mà mọi người thường thấy. Tượng có vẻ đăm chiêu, ít “dữ” và gần gũi hơn. Lại có bức tượng cô gái Nhật Bản được nghệ nhân nặn tạc có vẻ thô mộc, bình dị nhưng rất đời thường… Nói chung, đã xem qua đôi lần thì về sau có thể nhận ra sắc riêng khó lẫn của gốm sứ Nhật Bản. Đó là điều đặc biệt của dòng gốm sứ Imari theo như tôi cảm nhận.

Ở BST điêu khắc Okimono-Netsuke (thế kỷ 18-20) người xem có thể nhận ra được ngay một đặc điểm là không hề có những hiện vật đồ sộ hoành tráng như nhiều dòng điêu khắc khác. Điêu khắc Okimono-Netsuke là nghệ thuật tiêu biểu và độc đáo của người Nhật có từ xa xưa. Các hiện vật được điêu khắc trên chất liệu gỗ, ngà, hay răng nanh con hà mã…Xinh xắn, nhỏ gọn nhưng hết sức tinh xảo. Có thể thấy người nghệ nhân đã chăm chút đến từng nét biểu cảm, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ của tác phẩm. Thế cho nên, tất cả đều rất sống động, càng ngắm càng thích. Và điều khiến người xem bất ngờ là trong BST gồm khoảng 50 hiện vật được TĐS mang ra triển lãm, người ta bắt gặp chân dung của nhiều hạng người trong xã hội Nhật Bản, không chỉ có giới quyền quý, thượng lưu mà các nghệ nhân còn chú ý đến cả những người thuộc tầng lớp dưới như người phu quét rác, kẻ bán hàng rong, người làm nghề bẫy chim, lão nông dân, bà mẹ và con nhỏ, cô gái làm nghề kỹ nữ… Chính điều này đã làm nên nét độc đáo khác biệt và đầy ắp tính nhân văn của nghệ thuật điêu khắc Okimono-Netsuke.

Một nét đặc biệt nữa ở các hiện vật điêu khắc Okimono-Netsuke là tác phẩm nào cũng đều được “đóng dấu” tên, hiệu của nghệ nhân đã làm ra nó. Là người để tâm nghiên cứu và có kiến thức sâu về cổ vật, nhà nghiên cứu TĐS cho hay, ở Nhật, sản phẩm “của ai mô cứ nấy”. Chẳng hạn như có gia đình làm ra hình mẫu một chiếc ấm, vậy là đời này sang đời khác con cháu họ cứ vậy tiếp nối mà làm. Đó là sản phẩm độc quyền của gia tộc, và họ rất lấy tự hào về điều đó. Người Nhật có lòng tự trọng rất cao, không ai ăn cắp mẫu mã của ai bao giờ. Mà cho dù có làm như thế thì lập tức họ và sản phẩm “bắt chước” đó sẽ bị xã hội tẩy chay, khinh miệt. Cho nên nó kích thích sự sáng tạo; đồ thủ công mỹ nghệ của người Nhật rất đa dạng, rất phong phú cũng một phần do thế.

Câu chuyện ở xứ người có khiến xứ mình suy ngẫm? Chỉ một góc nhỏ trong festival nghề đã lắm điều thú vị như thế, nếu chúng ta làm một cuốn cẩm nang, rồi cứ mỗi kỳ festival như vậy chịu khó nhặt nhạnh, ghi chép, rồi đúc rút, ứng dụng. Hẳn sẽ hữu ích lắm không chỉ cho nghề truyền thống nước nhà.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top