ClockThứ Ba, 07/04/2015 11:08

Từ “NGUYỄN DU” đến “THÔNG REO NGÀN HỐNG”

TTH - Ngay sau tiểu thuyết “NGUYỄN DU” (xuất bản lần đầu năm 2010, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương hạng A, in lần thứ 3) và tiểu thuyết “KHÚC HÁT NHỮNG DÒNG SÔNG” viết về bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Hội Nhà văn, 2013, giải ba, cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương, đợt I/2013, nhà văn Nguyễn Thế Quang (NTQ) bắt tay viết tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” về danh nhân Nguyễn Công Trứ. Tác phẩm dày hơn 600 trang, đã được NXB Trẻ cho “chào đời” ngay đầu năm 2015.

Qua Thông reo Ngàn Hống, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã làm sống dậy một kẻ sĩ, một trí thức với những công tích lớn lao, mà cũng tài hoa rất mực với cốt cách cứng cỏi, tâm trạng phong phú, phức tạp khác người, hơn người của Nguyễn Công Trứ. Sống trong một xã hội quân chủ phong kiến từ cực thịnh đến suy yếu, mọi sự bế tắc xấu xa ngày càng tăng, bị bao vùi dập Nguyễn Công Trứ vẫn làm nên bao công tích lớn lao về nhiều mặt cho nước cho dân. Mặc dù bị chế độ quân chủ phong kiến độc quyền, bảo thủ chèn ép, Nguyễn Công Trứ vẫn dám sống, biết sống và sống được với tất cả khát vọng trần thế đầy tính nhân bản mà cũng rất nhân văn của một nhà nho tài tử…
Tuy vậy, cũng như Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, không chỉ có chân dung Nguyễn Công Trứ. Tác giả đã đưa vào tác phẩm những Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Quý Tân, Hà Tôn Quyền, Trương Đăng Quế và nhất là Cao Bá Quát, cùng với ba nhà vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ý đồ nghệ thuật của tác giả là không bó hẹp trong số phận một con người mà muốn tái hiện cả một giai đoạn lịch sử, chú ý khai thác mối quan hệ giữa hoàng đế và kẻ sĩ, quyền lực và trí thức. Cũng vì thế, trong Thông reo Ngàn Hống có rất nhiều trang viết về Huế, lấy Huế làm bối cảnh.
“… Nguyễn lại nhìn về điện Thái Hòa uy nghi, nơi tập trung quyền lực của triều đình, lặng lẽ lắc đầu nhớ đến ngày xưa…thời Thánh tổ Minh Mệnh không bao giờ có cảnh ấy. Ngày ấy, ngài ngồi ở đó mà thấy việc của muôn nơi… nghĩ đến cả chuyện mai sau…lo việc nông tang cho dân đỡ khổ, nghiêm khắc với kẻ tham nhũng… Còn nay, quan lại thì chia rẽ, thiết triều vua chỉ bàn chuyện học theo người xưa, lo khen thưởng tiết nghĩa mà không trừng trị được kẻ tham tàn, nắng hạn thì chỉ biết cầu trời …”
“… Nguyễn chợt giật mình: Quế được vậy chính là từ… đức Minh Mệnh! Chính ngài, trước khi lâm chung đã giao cho Quế quyền lực lớn, dặn Thiệu Trị: Quế “nói gì phải nghe, bày mưu kế gì phải theo” cơ mà. Chao ôi! Chính người đặt toàn bộ niềm tin vào một con người. Con người đó cũng chỉ biết trung thành theo vua trước, theo người xưa, tập trung quyền lực, không nghe một ai, không cho ai nói trái ý mình… Nguyễn cay đắng: Tất cả bắt nguồn từ lời dặn, từ sự ủy thác của vua Minh Mệnh. Ôi! Vị hoàng đế sắc sảo, tài giỏi hơn cả, suốt đời lo cho nước Đại Nam, cho dòng họ Nguyễn Phúc, lại chính là người bắt đầu tạo nên sự suy yếu của Đại Nam. Sự đời thật oái oăm và khó hiểu! Nhớ đến sự kém cỏi bất lực của vua Tự Đức, Nguyễn chợt nhận ra: đâu phải do ngài mà do người ta buộc vào cho ngài. Hiền lành, tốt bụng, chuộng đạo lý, đáng là một thi nhân nhàn nhã, người ta đã biến ngài thành một kẻ yếu đuối phải è cổ gánh những gánh nặng của giang sơn…”.
Hai đoạn văn nói trên cùng một trang, trong chương miêu tả tâm trạng Nguyễn Công Trứ sau “bảy nổi, ba chìm”, sau khi ngồi ghế Phủ Doãn Thừa Thiên, chuẩn bị về nghỉ hưu. Chỉ qua mấy trăm chữ, đã thấy sự trăn trở của kẻ sĩ trước thời cuộc và khung cảnh cung đình Huế qua mấy triều đại, gợi rất nhiều suy nghĩ… Cảnh Nguyễn Công Trứ cưỡi bò dạo quanh Huế trước khi về quê cũng hàm chứa nhiều ý tứ. Có người hỏi:
“- Sao tiên sinh không đi ngựa mà lại đi bò?”
- À, ngựa xe là vua ban đi làm công vụ, nay nghỉ rồi thì cưỡi bò thôi!”
Nhìn thấy sát sau thân bò có tấm mo cau treo vào đuôi, Tế Mỹ hỏi:
- Sao huynh lại che cái chỗ này lại?
Nguyễn hóm hỉnh:
- Để che miệng thế gian!...”
Trong Thông reo Ngàn Hống, những cuộc hội ngộ giữa các danh sĩ đương thời, như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh… cũng khá thú vị, góp phần nâng tầm văn hoá của tác phẩm. Đồng thời, tác giả mô tả hơn 10 lần các cuộc hát ca trù, mỗi lần có ý nghĩa khác nhau, vẻ đẹp khác nhau, được miêu tả dưới cái nhìn của Nguyễn Công Trứ, của đào nương và của các nhân vật khác…
Đoạn tác giả đưa bài thơ “Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi” của Nguyễn Công Trứ khá thú vị, với 2 câu cuối (“Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy / Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù”), với lời Nguyễn Công Trứ giải thích về hai chữ “hành lạc” thể hiện một quan niệm sống mạnh mẽ và táo bạo: “Hành lạc là vui sướng đến tận cùng, vui hết mình. Cái vui đó là: cầm, kỳ, thi, họa, là tửu và … mỹ nhân. Không có mỹ nhân, đời chúng ta nghèo lắm…” Có lẽ cần nói thêm, Nguyễn Công Trứ không khước từ bản năng trong quan niệm “hành lạc”, nhưng ông thiên về ngưỡng mộ cái Đẹp, nhất là với Hiệu Thư. Mối tình Nguyễn Công Trứ - Hiệu Thư xứng đáng là một thiên tình sử thật đẹp…
Không dễ truyền tải hết những thông điệp mà Nguyễn Thế Quang đã thể hiện trong tiểu thuyết có sức nặng cả về số trang và ý tưởng như Thông reo Ngàn Hống. Với một nhân vật “độc đáo” và rất nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, bạn đọc có thể đòi hỏi nhà văn nhiều hơn nữa, nhưng chúng ta đồng cảm với lời tâm sự của tác giả khi Thông reo Ngàn Hống vừa ra mắt bạn đọc:
“… Tôi viết với niềm mong mỏi được chia sẻ, giãi bày và tìm sự đồng cảm, đồng tình cùng bạn đọc. Hiểu biết còn ít ỏi và năng lực có hạn, làm được bao nhiêu, tôi cũng không biết được. Điều đó là quyền ở bạn đọc. Tôi chỉ có thể thưa rằng; mỗi chữ, mỗi dòng trong cuốn sách này là tất cả tâm huyết và trách nhiệm của tôi…”.
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top