ClockThứ Ba, 21/06/2016 14:03

Từ những chuyến đi

TTH - Ai cũng bảo nghề báo vất vả, nhất là với con gái. Thế nhưng, với tôi – một phóng viên nữ, nghề báo còn mang đến những chuyến đi hấp dẫn, trải nghiệm thú vị mà nếu không làm báo, hẳn tôi không được nếm trải.

Băng rừng

Chuyến đi đầu tiên của tôi khi mới vào nghề (2004) là tìm đến một khu rừng ở huyện Phú Lộc, viết về “vua rừng” Nguyễn Văn Phán ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn. Đến nhà, con ông Phán bảo ông đang ở trong rừng rồi chỉ đường. Mới đi làm, đường sá chưa biết, tôi vừa tìm đường vào rừng, vừa run, bởi đường rừng hun hút, không một bóng người, lại gập ghềnh khó đi. Hồi ấy, đi chiếc cup cà tàng của ba, tôi cứ lo lỡ xe hư, xẹp lốp giữa đường thì chỉ nước... khóc. Mà nó hư thật, đang chạy ngon ơ bỗng dưng tắt máy. Tôi đạp ì à ì ạch, mồ hôi túa ra. May gặp một chú đi làm rừng thuê đi ngang dừng lại giúp. Sau một hồi sửa, chú bảo tôi ngồi lên xe rồi đẩy, may sao máy nổ giòn.

Chụp ảnh lưu niệm cùng cô gái Thái

Vụ hư xe khiến lòng chùng xuống nhưng tôi vẫn đi tiếp, quyết gặp được “vua rừng”. Tìm đến lán, ông Phán không có, tôi tháp tùng người làm công của ông cuốc bộ gần cây số băng rừng mới thấy ông đang lái xe ủi đất giữa rừng. Chắc thấy tôi vất vả, lão nông chất phác chia sẻ hết những vất vả từ ngày đầu khai phá 100 ha rừng và cả những bí quyết thành công. Chiều về, một mình chạy xe giữa tiếng chim rừng kêu về tổ, lòng tôi phơi phới khi mình đã chinh phục được thử thách đầu tiên.

Năm 2006, để viết bài “Món ăn lam của người Pakô” cho số tết, tôi quyết định đi A Lưới bằng xe đò. Trời rét buốt, rét đến căm da thịt, chiếc xe đò lại ọc à ọc ạch nên đường lên A Lưới trở nên xa tít tắp. Bù lại, trên xe, tôi được quan sát một góc nhịp sống của đồng bào ngày giáp tết. Những em học sinh người dân tộc về học ở trường nội trú lên thăm nhà tíu tít bao câu chuyện vui của tuổi học trò. Một đôi vợ chồng về Huế nằm viện nao nức trở về nhà ăn tết. Nhộn nhịp nhất là những tiểu thương đưa hàng từ Huế lên A Lưới bán. Thôi thì không thiếu món gì, từ gà, vịt kêu inh ỏi đến mùi cá tanh nồng, cả quần áo, bàn ghế... Gần 3 giờ chiều, tôi mới đến thị trấn A Lưới, anh Hồ Văn Ngoan, khi ấy là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới đón và đưa tôi đến căn nhà sàn của bà Kăn Thưl ở làng ATia 3, xã Hồng Kim. Bà Kăn Thưl đón khách trong bộ trang phục truyền thống với nụ cười ấm áp, bếp lửa hồng ấm áp trong nhà sàn xua đi cái lạnh của miền sơn cước... Hôm ấy, nhà bà Kăn Thưl làm cỗ cúng lễ Aza để tạ ơn trời đất. Trên mâm cỗ không thể thiếu món lam truyền thống. Nào là cơm nếp lam, thịt nấu trong ống (Pâr Hoor), cá nấu trong ống (Boaiq Yhoor). Bên bếp lửa bập bùng đầm ấm, ngắm các mế, các chị với trang phục truyền thống chế biến món ăn lam trong tiếng khèn du dương, da diết của ông Hồ Văn Vang (cán bộ văn hóa thông tin xã Hồng Kim lúc ấy). Lên A Lưới đúng vào dịp cúng Aza, tôi trở thành khách quý của nhà bà Kăn Thưl. Sau khi được tự tay bóc cơm lam đúng điệu, thưởng thức các món ăn lam được bày trên lá mây, cảm nhận nguyên vẹn hương vị tự nhiên của thực phẩm, tôi về xuôi mang theo hương vị đậm đà của núi rừng.

Du lịch... miễn phí

Phụ trách mảng du lịch, nghề báo cũng mang tới cho tôi cơ hội đi du lịch... miễn phí. Đó là chuyến famtrip theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khi chưa phân tách) vào miền Tây. Ít khi được đi xa nên tôi rất háo hức. Tôi theo đoàn đáp chuyến bay Đà Nẵng – Cần Thơ và lên xe đi dọc các tỉnh miền Tây. Thời gian chỉ 4 ngày nhưng chúng tôi được đi rất nhiều điểm ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Vì thế, lịch trình của đoàn như chạy “sô”, sáng 5h lên xe và tối nào cũng 10h đêm mới về khách sạn.

Nhờ nghề báo, tôi được đi du lịch miễn phí ở Thái Lan

Về với miền sông nước điểm tận cùng Tổ quốc – Mũi Cà Mau, tôi cảm nhận cuộc sống thư thái, khoáng đạt khi ngắm nhìn những con sông dài, những ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước, những hàng đước thẳng tắp trải dài vô tận. Sau gần một tiếng đồng hồ ngồi ca nô xuôi dòng sông Năm Căn, băng qua cánh rừng đước, tôi nhớ như in cảm xúc thiêng liêng khi đặt chân lên mảnh đất tận cùng của đất nước. Vừa bước chân đến cột mốc ghi tọa độ cuối cùng của Tổ quốc, trời bỗng đổ mưa to. Cả đoàn kiên nhẫn ngỗi chờ cơn mưa ngớt để được chụp ảnh lưu niệm, nhiều người còn vốc nắm đất đặt lên môi với cảm xức dâng trào...

“Sướng” nhất là cuối năm ngoái, cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi xúc tiến, tôi được xuất ngoại sang Thái Lan. Theo lịch trình của đoàn famtrip, tôi được tiếp cận các điểm tham quan, du lịch mới, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và tìm hiểu văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ sở chùa Vàng. Ấn tượng nhất là những điểm đến ở Ayutthaya - cố đô của Thái Lan với những dấu ấn vàng son của kinh đô tồn tại hơn 400 năm, gồm hàng trăm công trình kiến trúc đền đài cổ được xây bằng gạch đỏ nung, như: Chùa Wat Mahathat - Wat Pra Sri Sanphet, ngôi chùa lớn của cố cung Ayutthaya với vô số đền tháp chóp nhọn bên cạnh những bức tường thành đổ nát bằng gạch đỏ; đền Wat Lokaya Sutha được xem là nơi linh thiêng của người hành hương; chùa Wihan Phra Mongkhon Bophit mang kiến trúc đặc trưng của Thái Lan với mái hình tháp uốn cong. Thú vị hơn nữa khi được trải nghiệm đi thuyền trên sông Chao Phraya, vừa thưởng thức những món ăn đặc trưng của Thái, vừa ngắm nhìn các di tích cổ hai bên bờ sông.

Đến nay, tôi đã bước vào nghề báo được 12 năm. Bên cạnh những khó khăn trong quá trình tác nghiệp là rất nhiều niềm vui, kỷ niệm và sự trải nghiệm đến từ những chuyến đi. Ai cũng bảo con gái làm báo khổ và vất vả nhưng với tôi, được thỏa đam mê và những niềm vui đến từ nghề đã lấn át tất cả. Ở đó, tôi được gặp, được biết những con người, những câu chuyện lý thú để kể cùng bạn đọc...

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghề báo & sự bình tĩnh

Trong đời làm báo, chắc hẳn các đồng nghiệp cũng như tôi sẽ có không ít chuyện buồn vui. Việc tác phẩm của mình được độc giả đón nhận với thái độ khen, chê - âu cũng là chuyện thường tình. Điều đáng nói, bài báo viết ra đóng góp được gì cho xã hội và được dư luận quan tâm...

Nghề báo  sự bình tĩnh
KỶ NIỆM 85 NĂM SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (19/6/1937 – 19/6/2022)
Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

Cuối tháng 3/1937, tuần báo Nhành Lúa do Hải Triều làm Tổng Thư ký Tòa soạn bị chính quyền cai trị ra lệnh cấm phát hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay để làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp” giữa lúc các lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cũng vào lúc này, tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi tự ngưng phát hành vì “tài chánh quẫn bách”.

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế
“Chạm tay” vào nghề báo

Là chúng tôi muốn nói đến những người làm báo không chuyên, chưa phải là cộng tác viên chính thức, thậm chí chưa từng có tác phẩm đăng ở các tờ báo chuyên nghiệp, nhưng đam mê, năng khiếu cùng khả năng thích ứng nhanh chóng của họ khiến người viết phải tự vấn bản thân…

“Chạm tay” vào nghề báo
Về nhân cách người làm báo

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người làm báo - dù sinh thời Người chưa trực tiếp nêu vấn đề này - vẫn có giá trị soi sáng cho những người làm báo hôm nay.

Về nhân cách người làm báo
Return to top