ClockThứ Sáu, 28/08/2015 15:44

Tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Hiến pháp đầu tiên

TTH - Chỉ một ngày sau lễ tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng hiến pháp. Trên tinh thần đó, vào ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Bản Hiến pháp này thể hiện rõ nét tư tưởng về hiến pháp hay còn gọi là tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Trong phiên họp thông qua hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trước Quốc hội “... Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”, và Người đã nhấn mạnh “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc”.

Tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh đã xuất hiện rất sớm và có những nội dung cơ bản đó là: Yêu cầu ban hành ngay một bản hiến pháp cho đất nước Việt Nam. Đề cao vai trò của hiến pháp và các đạo luật trong hệ thống pháp luật. Thể hiện rõ nét tinh thần độc lập dân tộc. Chủ trương giành độc lập dân tộc, xoá bỏ chế độ quân chủ, sau đó xây dựng hiến pháp của Nhà nước Việt Nam độc lập. Không có độc lập dân tộc thì không thể có hiến pháp thực sự. Tư tưởng lập hiến này của Người hoàn toàn khác với tư tưởng lập hiến của Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu là phải xây dựng một bản hiến pháp vừa bảo đảm quyền dân chủ cho Nhân dân, quyền điều hành đất nước của nhà vua và quyền bảo hộ của chính phủ Pháp.

Tinh thần độc lập dân tộc gắn liền với dân chủ, dân quyền, dân sinh. Người đã chỉ rõ, trước đây chúng ta đã bị chế độ quân chủ cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ, do đó chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ, xây dựng một nền hiến pháp theo lý tưởng dân quyền, bảo đảm dân sinh, ghi nhận trong hiến pháp các quyền và tự do của con người, thừa nhận tính pháp lý trong mối liên hệ qua lại giữa Nhà nước với công dân.

Tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử lập hiến Việt Nam, đặc biệt đã có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến nội dung của Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.

Ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã xác định 3 nguyên tắc cơ bản của hiến pháp trong đó có 2 nguyên tắc thể hiện rõ nét tư tưởng lập hiến của Người. Đó là: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân”.

Để bảo đảm đoàn kết toàn dân, bảo đảm nền dân chủ, quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, Điều 1 Hiến pháp năm 1946 đã xác định rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Để bảo đảm “dân quyền”, Hiến pháp năm 1946 đã dành toàn bộ Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Công dân Việt Nam có quyền bình đẳng, các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú và đi lại, ... Với những quy định này, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân được ghi nhận và cũng là lần đầu tiên người lao động Việt Nam được xác nhận tư cách người chủ của một nhà nước độc lập, lần đầu tiên phụ nữ được ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện.

Để bảo đảm “dân sinh”, Hiến pháp năm 1946 quy định công dân có quyền tư hữu tài sản, quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung, những công dân già cả hoặc bệnh tật không làm việc thì được giúp đỡ, trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng, nền sơ học không học phí...

Để bảo đảm “dân chủ”, Hiến pháp năm 1946 quy định các nguyên tắc bầu cử: phổ thông, tự do, trực tiếp, kín. Công dân có quyền bầu cử và ứng cử theo luật định, có quyền bãi, miễn các đại biểu do mình bầu ra, có quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia.Nghị viện Nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, do Nhân dân trực tiếp bầu ra, đại diện cho ý chí nguyện vọng Nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước.

Tư tưởng đề cao vai trò của hiến pháp trong hệ thống pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 1946. Một trong 4 nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp 1946 là nghĩa vụ tôn trọng hiến pháp.

Hiến pháp chỉ có hiệu lực pháp luật sau khi đã được Nhân dân bỏ phiếu tán thành. Việc sửa đổi hiến pháp cũng phải theo một thủ tục rất chặt chẽ. Cụ thể, Việc sửa đổi hiến pháp do 2/3 tổng số nghị viên (hiện nay gọi là đại biểu Quốc hội) yêu cầu. Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Những quy định này thể hiện sự độc đáo của Hiến pháp năm 1946 và cũng thể hiện rõ nét tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành gần một thế kỷ trước đây.

ThS. Trần Việt Dũng (Trường đại học Luật, Đại học Huế)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top