ClockThứ Năm, 02/07/2015 10:29

Từ vải thiều nghĩ đến thanh trà

TTH - Từ trung tuần tháng 6 cho đến hết mùa thu hoạch vải năm nay, Vietnam Ariline đã chọn và đưa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vào danh mục món tráng miệng có phục vụ các suất ăn bữa trưa, bữa giữa và bữa tối trên 1.400 chuyến bay nội địa xuất phát từ Hà Nội. Tất nhiên, vải thiều “lên” máy bay phải là những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.

Sau những thông tin về việc chững lại của việc xuất khẩu vải thiều sang các thị trường Mỹ do khó thể cạnh tranh với quả vải của bang Florida, Mexico và nhất là Trung Quốc do chi phí đội giá từ chiếu xạ, bảo quản và vận chuyển hàng không chiếm gần 80% giá thành… cách làm của Vietnam Ariline đã mang đến sự ấm lòng. 33 tấn vải thiều – số lượng được ước định trong mùa vải chín – chỉ là một con số nhỏ so với tổng sản lượng vải thiều năm nay vào khoảng trên 200.000 tấn của 2 tỉnh Bắc Giang (trên 150.000 tấn) và Hải Dương (khoảng 50.000 tấn); và cũng mới chỉ là sự chia sẻ thêm với việc tiêu thụ vải thiều ở một số thị trường nội địa khác trên địa bàn cả nước thông qua hệ thống phân phối lớn, cộng thêm một số thị trường nước ngoài lâu nay đang được tiếp tục duy trì như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… Điều cần ghi nhận ở đây là sự đồng hành với người nông dân cả trong tiêu thụ và quảng bá, giới thiệu của Vietnam Ariline đối với một vùng cây đặc sản.

Chuyện quả vải “lên” máy bay và trở thành một trong những món chính trong thực đơn phục vụ của Vietnam Ariline quả thật cứ làm dấy lên suy nghĩ và mường tượng về việc một ngày nào đó, thanh trà Huế cũng sẽ được chọn để đưa vào thực đơn phục vụ trên các chuyến bay. Nếu làm được như vậy, thanh trà Huế sẽ có thêm một kênh giới thiệu, quảng bá rất tốt cho một loại cây đặc sản đã được khẳng định lâu năm với hương vị thơm, ngọt thanh tao rất khác biệt so với các loại bưởi nói chung và cả với các loại bưởi đã có thương hiệu của các vùng, miền khác trên địa bàn cả nước. Việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi đặc sản này của Huế dẫu đã được đầu tư nhưng vẫn tiếp tục cần tháo gỡ khi chưa có thị trường rộng, chủ yếu ở nội tỉnh và các địa phương lân cận. Do chưa mở rộng được thị trường nên dù mới được trồng khoảng trên dưới 1.000 ha trên đất phù sa ven các con sông, đồng thời đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, người trồng thanh trà vẫn rất lúng túng và thụ động mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Trong email gửi đến các cơ quan báo chí, Vietnam Ariline cũng cho hay, việc đưa vải thiều tươi lên các chuyến bay sẽ mở ra cơ hội để tiếp tục phục vụ những trái cây tươi theo mùa đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng. Vấn đề tiếp theo của chúng ta là có bắt kịp cơ hội này cho thanh trà Huế để tiếp nối những cơ hội khác, rộng hơn không chỉ cho thanh trà mà còn nhiều đặc sản khác nữa dựa trên những tiêu chí được xác định về chất lượng cũng như hàm lượng của sản phẩm…?    

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top