ClockThứ Tư, 02/09/2015 10:24

“Tuần lễ khoai” ở Huế

TTH - Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, “Tuần lễ khoai” là một sáng kiến độc đáo của những người cán bộ và Nhân dân miền Trung, trong đó có vai trò tích cực hưởng ứng của đồng bào Thừa Thiên Huế.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Nhà nước công nông Việt Nam vừa mới ra đời chưa đầy 4 tuần thì ở Nam bộ, với sự dung túng của quân đồng minh Anh, thực dân Pháp bất thần nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh lân cận, rồi từng bước lấn ra Trung bộ, lộ rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa.

Nhân dân góp gạo chống "giặc đói" tháng 10/1945. Ảnh: Internet

Để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, cả dân tộc Việt Nam quyết không sợ hy sinh gian khổ, cùng đứng lên dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, nhất tề xả thân chống ngoại xâm đến cùng. Nhưng muốn đánh lại kẻ thù, đánh thắng kẻ thù thì ý chí sắt đá và lòng người quyết tâm chưa đủ, mà cần có vũ khí trang bị cho các binh sĩ. Mà muốn có vũ khí thì cần có tài chính. Trước tình thế ấy “đáp lại lòng sốt sắng của quân dân lo đến việc quốc phòng, muốn có dịp để quân dân tỏ lòng ủng hộ Chính phủ, tỏ sự hy sinh cương quyết bảo vệ đất nước”, theo đề nghị của nhiều đoàn thể cứu quốc và Nhân dân, Chính phủ bằng lòng mở Quỹ độc lập một “Tuần lễ vàng” để quyên góp vàng cho nền tài chính quốc gia.

Hưởng ứng lời kêu gọi cứu quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã tự nguyện đem rất nhiều vàng ra ủng hộ Quỹ độc lập. Riêng ở Thừa Thiên Huế, chỉ tính một tuần từ hôm khai mạc (17/9/1945), Ban tổ chức đã thu được “35 ki lô, 435 gờ ram tính thành 921 lượng 3 chỉ, chưa kể số vàng quyên được trước và sau Tuần lễ vàng”. Tiêu biểu như gia đình ông Ưng Quang ở làng Kim Long đã ủng hộ Quỹ độc lập 25 lượng vàng mười và 8.500 đồng. Điều đặc biệt ở Huế, trong số vàng quyên góp thu được có nhiều đồ trang sức, kỷ vật và của hồi môn của phụ nữ.

Tiếp sau “Tuần lễ vàng”, Chính phủ cho mở tiếp “Tuần lễ đồng” khắp cả nước để lấy đồng đúc đạn dược, chế tạo vũ khí. “Kẻ thù có nhiều khí giới tối tân, ta chỉ có một lòng hy sinh chiến đấu, chưa đủ. Ta cần phải có vũ khí bằng quân thù, nhiều hơn quân thù mới mau thắng chúng. Đồng là nguyên liệu cốt yếu để đúc vũ khí ấy. Vậy quốc dân đồng bào hãy đem tất cả đồ đồng không cần thiết cho sự sống hàng ngày cúng vào Quỹ độc lập”.

“Tuần lễ đồng” ở Thừa Thiên Huế được khai mạc tại trụ sở Ban Tuyên truyền vào lúc 16 giờ ngày 6/11/1945 để thâu nhận số đồng do nhân dân ủng hộ. Cũng như “Tuần lễ vàng”, Nhân dân Thừa Thiên Huế tự nguyện đem đồng từ những đồ dùng như thau chậu, nồi niêu, khay trầu, đồ thờ xưa... của gia tộc đến nạp vào quỹ “Tuần lễ đồng” rất đông. Chỉ đơn cử một làng nghèo như Cự Lại của huyện Phú Vang mà ủng hộ đến 5 tạ đồng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước thiếu cái ăn trầm trọng, phần chính là do hậu quả khai thác bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, chúng thay nhau vơ vét lương thực, của cải, bắt thanh niên trai tráng bỏ hoang ruộng đồng để đi lính phục vụ chiến tranh cho chúng; miền Bắc lại vừa trải qua trận đói dữ dội dẫn đến hơn hai triệu người chết. Những người còn sống cũng thiếu miếng ăn trầm trọng, cái đói đã trở thành “giặc”. Mặc dù không khốc liệt như ở miền Bắc, nhưng ở mặt trận Thừa Thiên Huế và Trung bộ cũng đang gặp khó khăn thiếu lương thực cho bộ đội. Trước tình hình đó, Ủy ban Hành chính kháng chiến Thừa Thiên Huế đã quyết định tổ chức “Tuần lễ khoai” để quyên góp lương thực giúp binh sĩ trong toàn tỉnh.

Ủy ban tỉnh yêu cầu Ủy Ban hành chính và Ủy ban Việt Minh các huyện, các làng xã, phường, các công sở, nhà máy và tất cả các giới đồng bào nhiệt liệt ủng hộ “Tuần lễ khoai” được kết quả.

Ủy ban ủng hộ kháng chiến Thừa Thiên ra lời kêu gọi:

“Hiện nay binh sĩ ở mặt trận đang cần nhiều lương thực khô. Trong các thứ lương thực khô thì chỉ có khoai luộc cắt lát phơi khô là tốt hơn cả: vừa dễ cất, vừa dễ mang, vừa dễ ăn, không khát nước. Mà mùa này chính là mùa khoai. Thế thì không còn gì hợp lý cho bằng là làm khoai khô gửi giúp cho binh sĩ ở tiền tuyến”.

Ủy ban ủng hộ kháng chiến tổ chức một “Tuần lễ khoai” để đồng bào cùng nhau nô nức, luộc khoai, phơi khoai, và sẽ cùng nhau nô nức đem khoai đến dự “Ngày hội thu khoai giao binh sĩ”. Ngày hội ấy mở tại vườn hoa Thương Bạc bên đường Trần Hưng Đạo, Thuận Hóa vào hôm thứ năm ngày 23/3/1946.

Việc ủng hộ “Tuần lễ khoai” là hoạt động quần chúng vô cùng hữu ích của mọi người dân Thừa Thiên Huế cho công cuộc bảo vệ nền độc lập. Nhưng xin đồng bào lưu ý: “Phơi khoai phải hợp vệ sinh để tránh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho binh sĩ”.

Sau lời kêu gọi của Ủy ban ủng hộ kháng chiến Thừa Thiên Huế, chỉ mới một tuần bắt đầu từ hôm khai hội, Nhân dân ở nhiều làng xã của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang đã lũ lượt kéo nhau gánh khoai đến ủng hộ chính quyền, Ủy ban đã thu được trên ba chục tấn khoai luộc phơi khô mà ngày nay ta quen gọi là khoai gieo để chuyển đến các đơn vị giải phóng quân đang chiến đấu ngoài mặt trận. Số khoai khô này đã giúp bộ đội có thêm cái ăn qua cơn đói đủ sức cầm cự với kẻ thù để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ; phần nữa được chuyển ra cứu trợ đồng bào miền Bắc còn đang thiếu ăn từng ngày.

Chuyện củ khoai củ sắn tưởng là chuyện nhỏ, nhưng có miếng khoai khô ăn qua cơn thóp bụng mới thấm thía nỗi khổ từng bị “giặc đói” giày vò. Sự diệu kỳ hơn là chính những người dân đưa khoai đến ủng hộ chiến sĩ ngoài mặt trận trong lúc họ cũng đang phải nhịn đói hàng ngày. Kết quả ấy thể hiện mối đại đoàn kết và sức mạnh của toàn dân, biết dựa vào thế trận nhân dân thì không có việc gì không thể vượt qua; đó chính là biểu tượng lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam biết đoàn kết chống mọi kẻ thù xâm lược.

Câu chuyện về “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” và “Tuần lễ khoai” ở Huế mới đó mà đã 70 năm trôi qua. Ông Vĩnh Mẫn, một cựu binh Vệ quốc đoàn năm xưa xuất thân từ Hoàng tộc nhà Nguyễn, mỗi khi nhớ lại “miếng khoai khô” ngày ấy, thường nói với mọi người rằng: Chúng ta đang sống hôm nay đừng bao giờ quên nỗi nhục của người dân mất nước, người dân nô lệ và tội ác của chiến tranh để chúng ta gìn giữ, trân trọng hơn nữa những giá trị của độc lập tự do và của hòa bình.


Nguồn tham khảo: Báo Quyết Chiến và báo Quyết Thắng, xb1945, 1946 ở Huế.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top