ClockThứ Ba, 05/07/2022 06:30

Từng bước nhân rộng lúa hữu cơ

TTH - Trồng lúa hữu cơ (TLHC) đang được ngành nông nghiệp hướng đến, từng bước nhân rộng mô hình; song bước đầu vướng phải nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.

Liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơThiếu đầu ra, sản xuất lúa hữu cơ thiếu bền vững

Gian hàng gạo hữu cơ An Lỗ

Khó khăn từ người tiêu dùng

TLHC tại HTXNN An Lỗ (Phong Điền) là một trong những mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2020, với diện tích 21ha. Qua các vụ sản xuất cho thấy, năng suất và chất lượng gạo đảm bảo yêu cầu, được tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Tuy vậy, đầu ra sản phẩm đến nay vẫn đang nan giải đối với HTX và nông dân. Tính riêng năm 2021, HTX tồn đọng khoảng 70 tấn lúa, với hơn 40 tấn gạo hữu cơ (GHC).

GHC của HTX chủ yếu tiêu thụ tại các trường mầm non trên địa bàn xã Phong Hiền và các công ty: Công Thành, Awa, Hữu cơ Huế Việt, Cửa hàng Su Su Xanh... Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, sản phẩm không tiêu thụ được nên các đơn vị không thể thu mua. Trong khi đó, giá GHC thường cao hơn so với sản phẩm thông thường; song người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết giá trị, chất lượng của GHC nên sản phẩm không thể tiêu thụ, bị tồn đọng.

HTXNN Phú Lương 1 (Phú Vang) hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị, diện tích 51ha với giống lúa Bắc thơm 7. Ông Ngô Đức Phong, Giám đốc HTXNN Phú Lương 1 khẳng định, TLHC hoàn toàn trong khả năng của HTX nói riêng và ngành nông nghiệp toàn tỉnh nói chung. Năng suất lúa hữu cơ tuy không cao, thậm chí thấp nhưng tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên sản phẩm lúa, GHC vẫn chưa được nhiều người biết đến nên khó có thể nhân rộng mô hình.

Theo ông Phong, do nhiều người chưa biết đến giá trị của lúa, GHC nên giá bán vẫn còn thấp so với giá trị sản phẩm. Thực tế giá sản phẩm lúa hữu cơ chênh lệch so với lúa vô cơ không nhiều, trong khi năng suất, sản lượng lúa hữu cơ tương đối thấp. Vì vậy lợi nhuận TLHC chỉ ngang bằng, hoặc cao hơn không nhiều so với trồng lúa truyền thống, vô cơ. Một số vụ lúa vừa qua, giá lúa Bắc thơm 7 hữu cơ dao động trên dưới 8.000 đồng/kg; trong khi giá lúa Khang dân vô cơ 7.200-7.800 đồng/kg. Điều này gây nhiều khó khăn, cản trở việc nhân rộng mô hình TLHC.

Trên địa bàn tỉnh còn có một số HTX như Phú Hồ, Phú Mỹ (Phú Vang) và một số HTX ở huyện Quảng Điền… liên kết với các Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, Tập đoàn Quế Lâm TLHC. Các HTX này cũng có chung khó khăn trong nhân rộng mô hình khi các công ty, DN chỉ bao tiêu sản phẩm trên quy mô diện tích nhỏ chừng vài chục ha. Trong khi đó, các HTX đều có xu hướng chuyển sang mô hình TLHC theo chủ trương của tỉnh.

Cần thay đổi nhận thức

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, TLHC cần phải có định hướng lâu dài, không thể “ngày một ngày hai” có thể thành công. Trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình TLHC phải gắn với việc tuyên truyền, quảng bá, chuyển đổi nhận thức người tiêu dùng về nông sản hữu cơ. Thời gian đầu TLHC, phần lớn sản phẩm chủ yếu được tập đoàn biếu, tặng cho người tiêu dùng. Đến nay, một bộ phận người tiêu dùng đã tin dùng sản phẩm GHC Quế Lâm. Sản phẩm tạo ra từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ là trách nhiệm của các ban, ngành chức năng. Các HTX, chính quyền địa phương liên kết với các DN sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng trong nước. Về lâu dài, các DN cần liên kết với HTX, người dân nhân rộng mô hình, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xuất khẩu GHC. Phú Vang phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích lúa hữu cơ khoảng 240ha, nâng giá trị trên một đơn vị diện tích (1ha) sản xuất cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất lúa vô cơ.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay, sản xuất lúa hữu cơ đang được ngành nông nghiệp, nhiều địa phương quan tâm; từ đó hỗ trợ nông dân chuyển đổi dần sang phương thức canh tác mới, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện TLHC đang gặp nhiều khó khăn như giá sản phẩm còn thấp, tiêu thụ khó khăn, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, khó tổ chức thành vùng sản xuất tập trung. Nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang TLHC do thu nhập chưa tương xứng, trong khi yêu cầu quy trình sản xuất khắt khe.

Một trong những khó khăn lớn trong TLHC là quản lý cỏ dại. Để quản lý cỏ dại cần kết hợp giữa các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, điều chỉnh mực nước thích hợp để ngăn chặn sự lây lan và phát triển của cỏ dại trên đồng ruộng. Trên địa bàn tỉnh đã áp dụng máy cấy và làm cỏ bằng máy cải tiến trong TLHC; nhưng việc áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy đang còn nhiều trở ngại, như kỹ thuật làm mạ khay, nhân lực vận hành máy, các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư máy cấy. Muốn áp dụng phương thức sản xuất này phải thuê từ nơi khác dẫn đến thiếu sự chủ động và làm tăng chi phí đầu tư...

Bài, ảnh: Triều Tưởng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh

TIN MỚI

Return to top