ClockThứ Sáu, 24/07/2015 09:06

Tuyên bố chung họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3

TTH.VN - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan vào ngày 23/7/2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha họp báo chung. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký kết 05 văn kiện, trong đó có Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ ba.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu toàn văn:

Tuyên bố chung họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ ba

Bangkok, 23/07/2014
“Bước vào thập kỷ thứ năm quan hệ Việt Nam-Thái Lan: Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường”

1. Nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan trước ngưỡng cửa của Thập niên thứ năm trong quan hệ song phương hai nước, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, Tướng Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đồng chủ trì Cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ ba vào ngày 23 tháng 7 năm 2015 tại Bangkok, Thái Lan.

2. Đoàn đại biểu Thái Lan tham dự họp Nội các chung lần thứ ba do Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, Tướng Prayut Chan-o-cha làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự họp Nội các chung lần thứ ba do Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng đoàn. Danh sách đoàn đại biểu Thái Lan và Việt Nam tại Phụ lục I và II.

3. Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, Tướng Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp Nội các chung lần thứ ba giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan trong việc định hướng cho quan hệ song phương trong thập kỷ thứ năm nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định của hai nước và tại khu vực ASEAN.

4. Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hài lòng về những tiến triển trong quan hệ và hợp tác song phương giữa hai nước kể từ sau cuộc Họp Nội các chung lần thứ hai vào năm 2012.

Hai bên hoan nghênh việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan (2014-2018); tăng cường hợp tác chính trị, an ninh; tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư cũng như đưa hợp tác văn hóa, xã hội và giáo dục đi vào chiều sâu; đã giúp mang lại những lợi ích chiến lược ngày càng lớn và thiết thực cho cả hai nước.

5. Hai Thủ tướng nhất trí về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước như sau:

Hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng

5.1. Hai bên nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực này ngày càng gần gũi và sâu sắc, giúp tăng cường sự tin cậy chiến lược giữa hai nước; đồng thời hoan nghênh những phát triển sau:

a. Thành công của các cơ chế hợp tác song phương như Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan, Cơ chế họp hẹp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước lần thứ nhất, Cuộc họp lần thứ bảy Nhóm Công tác chung về hợp tác chính trị, an ninh và Cuộc họp Tham vấn Lãnh sự lần thứ nhất. Các cơ chế này đã góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết chung trên tinh thần Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

b. Việc ký kết Biên bản thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác pháp lý và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp; và

c. Thành công của hợp tác quốc phòng song phương trong việc triển khai Bản ghi nhớ về Quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam (ký năm 2012); trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa hai Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang của hai nước; Các sáng kiến hợp tác mới như lập Ủy ban chung về an ninh Việt Nam-Thái Lan giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

d. Các sáng kiến thành lập cơ chế hợp tác mới như Nhóm công tác chung hợp tác trong việc chống đánh bắt cá trái phép, và bắt đầu đàm phán Hiệp ước Dẫn độ.

5.2 Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được và với quyết tâm không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa trụ cột hợp tác về chính trị, an ninh, quốc phòng trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, hai bên đã trao đổi và thống nhất các định hướng lớn như sau:

a. Hai bên nhất trí sớm lập Ủy ban chung Việt Nam-Thái Lan về An ninh giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam và đưa cơ chế này vào hoạt động.

b. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, phối hợp ở các cấp để ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là phòng chống vận chuyển chất ma túy, di cư bất hợp pháp và buôn người, buôn lậu vũ khí, khủng bố, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng, tội phạm môi trường.

c. Hai bên hoan nghênh khả năng tổ chức đối thoại an ninh thường nien giữa Bộ Công an của Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

d. Hai bên nhất trí tăng cường phòng chống tội phạm buôn người và tạo thuận lợi cho việc nhận trở lại và tái hòa nhập cho các nạn nhân của nạn buôn bán người, tuân thủ Quy trình tiêu chuẩn (SOPs) cho việc xác định và tái hòa nhập nạn nhân bị buôn bán người giữa Thái Lan và Việt Nam;

e. Hai bên khẳng định cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.

f. Hai bên nhất trí tổ chức các hoạt động trong cả năm 2016 ở Việt Nam và Thái Lan để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan; đồng thời tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước; bao bao gồm trao đổi các đoàn cấp cao, các hoạt động văn hóa, tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư.
Hợp tác kinh tế

5.3. Hai bên đánh giá cao sự phát triển sôi động của quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này, phản ánh mức độ liên kết kinh tế ngày càng cao giữa hai nước trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm 2015.

Trên tinh thần đó, hai bên hoan nghênh kết quả cuộc họp lần thứ hai Ủy ban chung về Thương mại, việc thông qua Kế hoạch hành động về hợp tác thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam (2015-2020), Cuộc họp lần thứ ba cấp Thứ trưởng Ngoại giao về Hành lanh kinh tế Đông – Tây (EWEC), việc Thái Lan phê chuẩn các Phụ lục số 6, 8 và 14 của CBTA ngày 30/3/2015, nhằm thực thi Phụ lục của Bản ghi nhớ giữa Lào-Thái Lan-Việt Nam để triển khai Thỏa thuận ban đầu giữa 6 nước GMS về Tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và người qua biên giới (II CBTA) qua cặp cửa khẩu Lao Bảo- Đensavẳn và Savannakhet-Mụcđahẳn (đường 9) ký tháng 02/2013, mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) đến Vientiane, Bangkok, Hà Nội, cảng Laem Chabang và cảng Hải Phòng. Việc mở rộng này sẽ giúp tăng cường tiềm năng kinh tế của EWEC và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội.

5.4. Thái Lan hoan nghênh Việt Nam đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Hội đồng cao su quốc tế ba bên.

5.5. Để không ngừng tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, hai bên nhất trí khuyến khích mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư như sau:

a. Đề ra mục tiêu mới đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức từ 15 đến 20 tỷ USD vào năm 2020;

b. Thành lập một cơ chế tham khảo không chính thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy đầu tư, bao gồm bảo hộ đầu tư tại mỗi nước, có vai trò như một diễn đàn sơ khởi cho các doanh nghiệp trao đổi cũng như đàm phán trong trường hợp doanh nghiệp có tranh chấp;

c. Tận dụng việc sử dụng đồng baht Thái và đồng Việt Nam trong giao dịch thương mại và đầu tư;

d. Tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư song phương thông qua khuyến khích mở các ngân hàng thương mại mới của Thái Lan tại Việt Nam và các ngân hàng Việt Nam ở Thái Lan;

e. Thúc đẩy các dự án đầu tư chủ chốt của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (bao gồm Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội của PTT tại Bình Định, Nhà máy Nhiệt điện của Tập đoàn quốc tế EGAT tại Quảng Trị, nhà máy hóa dầu của SCG tại Bà Rịa Vũng Tàu, Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh); góp phần đưa Thái Lan vào nhóm các nước đầu tư lớn hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao tầm quan trọng chiến lược của hợp tác đầu tư trong quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan;

f. Khuyến khích mở rộng đầu tư của Thái Lan trên các lĩnh vực tiềm năng tại Việt Nam như dệt may, sản xuất hóa chất, hóa dầu, các sản phẩm gia dụng, các ngành công nghiệp phụ trợ (linh kiện điện tử và ô tô), nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng sinh học và du lịch;

g. Tạo thuận lợi cho hợp tác phát triển thị trường vốn, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam cân nhắc lựa chọn thị trường vốn của Thái Lan để kêu gọi vốn.

5.6. Về hợp tác nông nghiệp, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sau:

a. Tìm kiếm các cách thức và biện pháp phối hợp về công nghệ sau thu hoach, cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp; trong đó có gạo và cao su.

b. Tiêu chuẩn và chất lượng hoa quả tươi như xoài, chôm chôm, vải, nhãn, thanh long;

c. Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc bảo tồn và quản lý các nguồn lợi về thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

d. Hợp tác về an toàn chất lượng và kiểm soát an toàn đối với sản phẩm cá và thủy sản.

e. Hoan nghênh thành công của Cuộc họp lần thứ 5 Nhóm Công tác chung về hợp tác nông nghiệp trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Vương quốc Thái Lan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5.7. Với quyết tâm tăng cường kết nối nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác chiến lược có liên quan giữa hai nước, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng như sau:

a. Tổ chức hội nghị ba bên và đề nghị tất cả các bên liên quan xúc tiến đàm phán và ký Bản ghi nhớ về mở tuyến dịch vụ xe buýt nối Thái Lan-Lào-Việt Nam;

b. Tổ chức cuộc họp lần thứ nhất nhóm công tác chung ba bên giữa Thái Lan-Campuchia-Việt Nam tại Thái Lan trong năm 2015 về phát triển tuyến vận tải ven bờ; và

c. Tăng cường tần xuất các chuyến bay trực tiếp và khuyến khích mở các tuyến bay trực tiếp nối các địa điểm mới giữa Thái Lan và Việt Nam, bao gồm cả hãng hàng không Thái VietJet Air.

Hợp tác văn hóa, xã hội, giáo dục và lao động

5.8. Hai bên hài lòng nhận thấy hợp tác song phương trong các lĩnh vực này ngày càng được mở rộng và phong phú, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và vun đắp thêm cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Để góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của các lĩnh vực hợp tác này trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, hai bên đã thảo luận các phương thức và biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương về văn hóa, xã hội, giáo dục và lao động, cụ thể như sau:

a. Thúc đẩy thực hiện Chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa Vương quốc Thái Lan và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b. Ủng hộ mạnh mẽ vai trò và các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam -Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan-Việt Nam nhằm không ngừng tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước, góp phần phát triển toàn diện và sâu sắc quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

c. Ủng hộ các hoạt động của Trung tâm Thái Lan tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ và tiếp tục việc giảng dạy tiếng Thái tại Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng, và thúc đẩy phát triển các trung tâm/khoa tiếng Thái Lan tại Việt Nam và trung tâm/khoa tiếng Việt tại Thái Lan, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam tại trường Pathumthep Witthayakarn tại tỉnh Nong Khai và Trung tâm hữu nghị Nakhon Phanom, nhằm thúc đẩy học tập nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Thái Lan;

d. Tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 7 về Hợp tác Khoa học và Công nghệ vào trong năm 2016 và thúc đẩy hoàn tất Thỏa thuận hợp tác mới giữa Chính phủ Thái Lan và Chính phủ Việt Nam về Hợp tác Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo năm 2016; góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực liên quan khác trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược;

e. Hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác Lao động và Thỏa thuận về Tuyển dụng Lao động giữa hai nước. Hai bên sẽ thực hiện Bản ghi nhớ và Thỏa thuận nhằm đưa hợp tác lao động vào khuôn khổ và lên một tầm cao mới; đáp ứng tốt hơn nhu cầu và lợi ích của cả hai bên;

f. Hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Ubon Ratchathani và tỉnh Kon Tum, giữa tỉnh Trat và tỉnh Long An;

g. Tăng cường hơn nữa việc phát triển du lịch bền vững và toàn diện cả ở cấp độ song phương và khu vực vì lợi ích chung và mở đường cho mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong khu vực;

h. Thúc đẩy hoàn tất Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2015-2016 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Du lịch và Thể thao của Thái Lan nhằm mục đích trao đổi cán bộ và thông tin du lịch, thúc đẩy quảng bá du lịch, và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch cũng như tăng cường kết nối.

i. Tiếp tục tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); Thái Lan ủng hộ Việt Nam làm thành viên Ban điều hành UNESCO giai đoạn 2015 – 2019.

j. Thái Lan đánh giá cao ủng hộ của Việt Nam về việc sửa đổi dự thảo nghị quyết về Quần thể Rừng Kaeng Krachan tại cuộc họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) tại Bonn, Đức. Việt Nam với tư cách là thành viên trong Ủy ban Di sản Thế giới nhất trí ủng hộ Thái Lan trong việc chuẩn bị để Công viên lịch sử Phuphrabat và Quần thể Rừng Kaeng Krachan được ghi nhận là Di sản Thế giới tại cuộc họp tiếp theo của WHC tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016.

Hợp tác khu vực

Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong các vấn đề lớn mang tính chiến lược quan trọng đối với khu vực. Với mong muốn đưa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó lên một tầm cao mới trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, hai bên đã trao đổi và thống nhất các nội dung cụ thể sau:

5.9. Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Cộng đồng ASEAN thông qua hợp tác khu vực trong khuôn khổ ACMECS, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và phát triển nguồn nhân lực;

5.10. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp trong các khuôn khổ Tiểu vùng sông M​ekong, bao gồm hợp tác M​ekong-Nhật Bản, M​ekong-Hàn Quốc, M​ekong-Sông Hằng, Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong, Ủy ban sông Mekong cũng như Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS);

5.11. Hai bên nhất trí cần hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo; đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực;

5.12. Thái Lan đánh giá cao Việt Nam trong việc điều phối quan hệ ASEAN-EU trong ba năm qua. Với tư cách là điều phối viên ASEAN sắp tới, Thái Lan mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước ASEAN khác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-EU vì lợi ích chung;

5.13. Hai bên tái khẳng định quan điểm đã đạt được trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN 26. Hai bên chia sẻ quan ngại về diễn biến trên Biển Đông, ảnh hưởng tới lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định cũng như an toàn và tự do của hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông.

Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết sự khác biệt và tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); đề nghị tăng cường đối thoại và tham vấn để đảm bảo sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

6. Hai bên hoan nghênh kết quả tốt đẹp của cuộc họp Nội các chung lần thứ ba. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì sự năng động của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan hướng tới thập kỷ thứ năm trong quan hệ hai nước.

Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Ngài Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan, tới Chính phủ và nhân dân Thái Lan về sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách dành cho Đoàn Việt Nam./.

Làm tại Bangkok ngày 23/7/2015 thành 2 bản bằng tiếng Anh.

Thay mặt
Chính phủ Vương quốc Thái Lan

Tanasak Patimapragorn
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Thay mặt
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Return to top