ClockThứ Sáu, 06/12/2013 06:20

Tuyên chiến với nạn mại dâm

TTH - Sau 3 năm triển khai Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011-2015, công tác phòng, chống mại dâm bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tệ mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng phức tạp, tác động xấu đến đời sống xã hội.

Tệ mại dâm diễn biến phức tạp

Qua theo dõi địa bàn, các trinh sát hình sự thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh phát hiện trên địa bàn TP Huế tồn tại đường dây mua bán dâm chuyên nghiệp. Đối tượng môi giới mại dâm lại là người ngoại tỉnh, từng là gái bán dâm vì vậy phương thức hoạt động rất kín đáo, thủ đoạn tinh vi. Trước diễn biến đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác lập chuyên án mang bí số 712M để đấu tranh. Cuối tháng 10/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành bắt khẩn cấp Hoàng Thị Oánh (40 tuổi, trú huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) về hành vi “Môi giới mại dâm”. Trước đó, qua quá trình dày công trinh sát, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh đã đột kích nhà nghỉ Minh Quang (số 16 đường Phan Chu Trinh, TP Huế) và phát hiện 4 cặp nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm. 

Theo lời khai của các gái bán dâm, tất cả đến nhà nghỉ Minh Quang để bán dâm thông qua một người môi giới là Oánh. Theo một nhân viên nhà nghỉ mà các gái bán dâm này thường xuyên “ghé” vào cho biết, nhìn bên ngoài rất khó phát hiện họ là gái bán dâm, vì lúc vào nhà nghỉ họ đi cùng với 1 thanh niên rất trẻ, như là người yêu và xuất trình giấy tờ đầy đủ. Nhưng không ngờ, sau khi vào phòng nghỉ thì... Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, Oánh thường xuyên thay đổi địa điểm bán dâm là khách sạn hoặc nhà nghỉ.

Theo cơ quan công an, tệ nạn mại dâm ở Huế hoạt động mang tính chất đơn lẻ, trá hình dưới dạng nhân viên massage, cắt tóc gội đầu; một số lễ tân, bảo vệ khách sạn, nhà nghỉ, nhân viên quán karaoke, nhà hàng liên kết với gái mại dâm sử dụng điện thoại di động để điều hành khi khách có yêu cầu. Ngoài ra, một số đối tượng mại dâm lén lút chào mời khách mua dâm tại một số tuyến đường, địa bàn công cộng gây mất an ninh trật tự. Điều đáng nói, gái mại dâm có xu hướng trẻ hóa, lưu động từ các tỉnh, thành phố khác đến Huế hoạt động. 

Cần những giải pháp đồng bộ

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 1.711 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, gồm 227 khách sạn, 212 nhà nghỉ, 657 nhà trọ, 36 nhà hàng, 233 quán karaoke, 33 quán cắt tóc gội đầu, 32 quán massage, 6 phòng trà - quán bar, 275 quán cà phê - giải khát; trong đó, số cơ sở không có giấy phép kinh doanh là 244, số cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm 87, đã xử lý 10 cơ sở vi phạm. Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động mại dâm, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và lồng ghép với các chương trình phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người, góp phần ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thường xuyên chấn chỉnh, cho cam đoan, cam kết thực hiện công tác phòng, chống mại dâm đối với các chủ cơ sở và người trực tiếp tổ chức kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm; gọi hỏi, răn đe số đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm như chủ chứa, môi giới, gái bán dâm và có đối sách thích hợp để phòng ngừa.

Theo thống kê của cơ quan công an, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 359 gái mại dâm, trong đó số người có hồ sơ quản lý 216. Từ năm 2011 đến nay (3 năm), công an đã triệt xóa 13 tụ điểm mại dâm, bắt 55 đối tượng; trong đó có 11 chủ chứa, 2 môi giới mại dâm, 21 khách mua dâm; đã xử lý hình sự 9 vụ/9 đối tượng; xử lý hành chính 46 đối tượng.

Tuy nhiên, công tác phòng chống mại dâm vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ. Đó là, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đổi mới về hình thức, thiếu chiều sâu nên hiệu quả mang lại chưa cao. Một số cơ quan, ban, ngành chưa thật sự coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm, cho rằng đó là việc riêng của ngành công an và các cơ quan chức năng, của ngành lao động - thương binh và xã hội nên hiệu quả mang lại chưa cao. Cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn thiếu, mỏng và kiêm nhiệm nên không quản lý sâu sát địa bàn, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mại dâm.

Đại tá Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, để phòng chống có hiệu quả tệ nạn mại dâm, công tác phòng ngừa phải luôn đi đôi với đấu tranh trấn áp, xử lý nghiêm minh, lấy phòng ngừa làm cơ bản, xử lý nghiêm minh, kịp thời là quan trọng. Sở Lao động - Thương binh và xã hội cần tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm. Có cơ chế quản lý, điều hành thích hợp; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội liên quan trong thực hiện phòng, chống tệ nạn mại dâm. Cần lồng ghép công tác phòng chống mại dâm vào các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước ở địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, quan tâm xây dựng, nhân rộng các điển hình, mô hình điểm làm tốt công tác phòng, chống mại dâm. Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho gái bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. 

Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top