ClockThứ Tư, 12/10/2011 21:01

Tuyến trên & tuyến dưới

TTH - Đến các bệnh viện tuyến trên, ai cũng có cảm giác sao bệnh tật lắm thế, khoa phòng nào cũng quá tải. Có lúc một giường bệnh được dùng chung cho những 2, 3 bệnh nhân. Mấy năm gần đây, bên cạnh các cơ sở y tế công, các cơ sở y tế tư nhân mở ra khá nhiều. Bệnh viện tư, phòng mạch tư, các nhà thuốc “bung ra” không chỉ ở thành thị mà cả nông thôn, số lượng người tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh, bán thuốc trên địa bàn ngày càng nhiều. Thế nhưng, sự quá tải của bệnh viện tuyến trên vẫn là chuyện thường nhật.

Trước đây, những bệnh thông thường được tuyến dưới điều trị; những bệnh khó chữa, khó chẩn đoán, hoặc đã chẩn đoán nhưng vì phương tiện, kỹ thuật chuyên môn hạn chế nên tuyến dưới phải chuyển người bệnh lên tuyến trên. Sự quy định khám và điều trị tại mỗi tuyến tạo được những trật tự trong hoạt động chuyên môn, đồng thời tạo mối quan hệ mật thiết giữa tuyến trên, tuyến dưới. Qua đó, mỗi tuyến đánh giá lại mình để vượt lên hội đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mối quan hệ này thông qua tổ chức hội thảo, tập huấn trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm cho các tuyến. 

Việc làm này ở Thừa Thiên Huế thể hiện khá hiệu quả khi Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược với những chương trình về tuyến dưới tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật khám, điều trị một số loại bệnh cho các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện. Khi bệnh viện tuyến trên hướng về tuyến dưới, hiệu quả mang lại là tuyến dưới trang bị thêm các thiết bị y tế, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ để đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thế nhưng, trong thực tế khi bệnh viện tuyến trên mở dịch vụ, y tế tư nhân phát triển thì người bệnh cứ tự nhiên vượt tuyến, và từ đó mối quan hệ tuyến trên, tuyến dưới có nhiều thay đổi. Y tế trong cơ chế thị trường rõ ràng tạo ra một mối quan hệ khác, cho nên đã đến lúc cần xem xét; suy ngẫm lại mạng lưới y tế của chúng ta. Hiện nay, y tế cơ sở ở địa phương còn quá nhiều thiếu thốn đủ mọi thứ, từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực cũng như trình độ chuyên môn; nhưng cũng có nhiều trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện huyện được đầu tư khá đầy đủ, cơ sở cũng khang trang mà hiệu quả khám và điều trị chưa cao, người bệnh chưa tin tưởng. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ là lãng phí. Ngành y tế cần có một khảo sát, thống kê, đánh giá năng lực mạng lưới y tế cơ sở.
Những năm qua có nhiều chương trình y tế liên quan đến sức khỏe trẻ em được triển khai và thực hiện ở cộng đồng với sự tài trợ của Tổ chức Y tế giới; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Mặc dù các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở được tập huấn rất nhiều về các chương trình, nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế. Rất nhiều trẻ chỉ mắc bệnh thông thường nhưng đều bỏ qua tuyến dưới và chuyển thẳng lên dịch vụ tuyến trên hoặc đến phòng mạch tư của bác sĩ tuyến trên. Quy trình khám, chữa bệnh cũng như phác đồ điều trị mà các tuyến từng tập huấn có vẻ như đang bị biến thiên dần. Cách làm của mỗi dịch vụ khác nhau tạo nên những mâu thuẫn ngay trong những phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Có nhiều dịch vụ đã lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán, lạm dụng thuốc; mỗi dịch vụ đều tỏ ra vượt trội tạo nên những nhận thức chưa đúng cho người dân, khiến họ lại càng không tin tưởng ở tuyến dưới.
Thời gian qua, Bộ Y tế có chủ trương đưa cán bộ tuyến trên về hỗ trợ giúp đỡ tuyến dưới theo Đề án 1816. Đề án này bước đầu thu được kết quả đáng phấn khởi. Thực tế, sự thành công được ghi nhận ở những chuyên khoa mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi cần được ngành y tế quan tâm, đó là công tác tư vấn – giáo dục sức khỏe cho người dân, đặc biệt là các bà mẹ. Đây là công việc cần phải có trong quy trình khám, chữa bệnh đối với trẻ em. Điều dễ nhận ra là không phải tuyến dưới không biết việc để xử lý những bệnh thông thường nhưng vì tuyến trên đã làm thay họ nhiều quá. Trong lúc đồng lương của cán bộ y tế cơ sở thấp, nhận thức của người dân chưa đúng nên cán bộ y tế cơ sở chẳng có ý kiến gì. Và cứ như vậy tuyến trên có quá tải thì tuyến dưới cứ thong thả. Những gì đã được tập huấn theo thời gian trôi đi.
Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ cấp bách nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Ngành y tế cần tập trung phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tăng cường đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhanh hệ thống y tế công lập và ngoài công lập, hoàn thành mô hình tổ chức và củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực của trạm y tế xã, hoàn thành xây dựng bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Mục tiêu quan trọng là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ mang tính hỗ trợ, hợp tác giữa tuyến trên – tuyến dưới một cách toàn diện nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn; làm cho nhân dân hiểu và tuân thủ chương trình chăm sóc sức khỏe, điều trị, khám chữa bệnh đúng tuyến, đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc...
 

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top