ClockThứ Hai, 25/10/2021 06:35

U60 vẫn hiến máu, góp sức chống dịch

TTH - Tuổi càng lớn, nhưng thấy nguồn máu dự trữ mùa dịch đang cần, bà Trần Thị Lộc (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn A Lưới) vẫn đều đặn hiến máu 2 lần/năm. Ở tuổi 57, người phụ nữ vùng cao ấy đã 41 lần hiến máu và rất tích cực trong các hoạt động nhân đạo.

Phối hợp hiệu quả trong phòng, chống dịchĐại học Huế góp sức trong công tác phòng, chống dịchMệnh lệnh từ trái tim

Bà Lộc tham gia nấu ăn tiếp sức mùa thi

“Họ còn nhận máu, mình còn hiến”

Gặp bà Lộc trong chương trình hiến máu tình nguyện đợt 2, năm 2021 ở A Lưới, thông tin trong tờ đăng ký hiến máu 350ml tôi cảm thấy bất ngờ. Càng ấn tượng hơn khi bà Lộc kể: “Hơn 8 tháng trước đó, mình cũng đã hiến 350ml trong chương trình hiến máu tình nguyện đợt 1 - 2021. Mùa dịch đang rất cần máu”.

Nghề nghiệp ban đầu của bà Lộc không liên quan đến Hội Chữ thập đỏ (CTĐ), nhưng từ năm 1999, bà đã bắt đầu tham gia hiến máu. Bà Lộc kể, thời điểm ấy, nghe hiến máu người dân vùng cao còn sợ lắm. Người thì bảo cho máu sẽ khô máu, người lại có nỗi lo khác nên phong trào hiến máu ít người tham gia. “Nói thiệt, lúc đầu mình cũng sợ. Mình làm cán bộ y tế thôn bản, sau làm chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình trực thuộc trạm y tế thị trấn A Lưới, cố gắng để còn làm công tác tuyên truyền. Sau lần ấy, thấy người vẫn khỏe nên mỗi năm đều đi hiến máu”, bà Lộc nhớ lại.

Năm 2008, cơ duyên đưa bà Lộc đến với công việc của Hội CTĐ thị trấn A Lưới. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, bà còn loay hoay với bài toán phát triển phong trào. Bắt đầu từ bản thân mình, thay vì mỗi năm hiến máu một lần, bà Lộc càng tích cực hơn. Có năm, bà đăng ký tham gia đến 3 lần. Nghe tôi hỏi về mốc thời gian, bà Lộc mỉm cười: “Bệnh nhân cần thì mình hiến, có để ý mô mà nhớ. Cách đủ thời gian cho phép, có thể hiến lại. Họ còn chịu tiếp nhận máu, mình còn hiến. Từ việc hiến máu nhiều lần của bản thân và người trong gia đình cũng tham gia, nhiều người dân đã không còn ngại”.

Trong bất cứ cuộc họp nào, hay gặp người thân, bạn bè, người dân trên địa bàn, bà Lộc đều đem chuyện hiến máu ra tuyên truyền. Những thắc mắc, nỗi lo của người dân được hóa giải, phong trào hiến máu tình nguyện ở thị trấn A Lưới nói riêng, huyện A Lưới nói chung càng trở nên lan tỏa. Cũng từ đó, hoạt động hiến máu tình nguyện tại thị trấn A Lưới những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu.

Những ngày đầu tháng 1/2021 ở huyện A Lưới trời còn mưa rét, gần 300 cán bộ, người dân khắp các vùng xa vẫn tập trung về điểm hiến máu để bổ sung nguồn máu dự trữ mùa dịch. Còn ở đợt 2 (tháng 10/2021), con số ấy lên đến gần 380 người. Nhiều người đến bắt tay, cười chào bà Lộc, rồi mới vào hiến máu, như muốn thông báo rằng sau lời vận động của bà, họ cũng tích cực tham gia.

Nhắc tới bà Lộc, ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch Hội CTĐ huyện A Lưới đầy phấn khởi, khẳng định trong các công tác hội, bà Lộc rất tích cực, đặc biệt nhất là hiến máu. 57 tuổi, bà Lộc đã có 10 lần hiến 350ml và 31 lần hiến 250ml. Nhiều người quy đổi, tổng số lượng máu mà nữ cán bộ này hiến đã lên con số hơn 11 lít, điều đó đã mang lại sự ấn tượng và làm gương cho nhiều người.

Đau đáu với hoàn cảnh khó khăn

Ở A Lưới, nhiều người vẫn đánh giá bà Lộc làm hội CTĐ là đúng người, đúng việc. Có lẽ, lớn lên trong mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn nên ngoài chuyện phát triển phong trào hiến máu cứu người, bà Lộc rất quan công tác nhân đạo, giúp đỡ học sinh khó khăn, người dân nghèo.

Năm 2016, khi thấy nhiều sĩ tử vùng cao gặp nhiều khó khăn trong mùa thi, bà Lộc cùng Hội CTĐ thị trấn tiên phong mở ra chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Chương trình năm ấy thành công hơn mong đợi, từ đó các ban ngành, đoàn thể góp sức nhân rộng để phong trào phát triển mạnh mẽ hằng năm, phối hợp thực hiện với cách làm xã hội hóa tặng hàng trăm suất cơm, sữa, mỳ, bánh, nước uống, nhà trọ và xe ôm đều miễn phí, giúp sĩ tử tự tin vượt vũ môn. Năm 2021, chương trình “Tiếp sức mùa thi” còn hỗ trợ thí sinh trong mùa dịch và bà Lộc cũng trực tiếp tham gia.

Với người nghèo, bản thân bà Lộc càng quan tâm hơn. Bên cạnh việc tham mưu thực hiện địa chỉ nhân đạo “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, tìm kiếm những nhà hảo tâm giúp đỡ cho những người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Để phong trào tết vì người nghèo thêm tốt hơn, bà Lộc còn tham mưu các cấp tổ chức đêm văn nghệ tết vì người nghèo để tranh thủ các nguồn hỗ trợ. Mỗi chương trình được tổ chức, bà Lộc cùng gia đình đều bỏ một khoản kinh phí nhỏ để ủng hộ, vừa thể hiện tình cảm vừa lan truyền thông điệp vận động.

Tại thị trấn A Lưới, hiện nay thùng nhân đạo tại địa phương có 6 thùng hoạt động thường xuyên hàng năm mở thùng một lần từ 4 – 5 triệu đồng /1 năm. Từ hoạt động tích cực của bà Lộc và Hội CTĐ thị trấn A Lưới, mô hình này cũng đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Hai năm gần đây, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà Lộc lại có nhiều hoạt động thăm và tặng quà động viên kịp thời những điểm chốt, chặn phòng, chống dịch, khu cách ly và nhiều hoạt động quan tâm các đối tượng gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi hỏi bà Lộc làm nhiều có mệt không, bà khoát tay cười, bảo rằng hễ giúp được ai việc gì là vui, không mệt. Với bà Lộc, niềm vui giúp người cũng chính là giúp mình.

Bà Trần Thị Lộc sinh năm 1964, hiện là Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn A Lưới. Từ năm 2008 đến nay, nhờ tích cực hiến máu, vận động hiến máu và làm công tác nhân đạo, bà Lộc nhận được nhiều khen thưởng của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và khen thưởng của các cấp, ngành.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiến máu và hiến tiểu cầu đầu năm

Ngày 18/2, hơn 40 cán bộ, nhân viên Siêu thị Co.op Mart Huế đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo tại Trung tâm Huyết học truyền máu (TTHHTM) Bệnh viện Trung ương (BVTW Huế). Đây là lần đầu tiên siêu thị tham gia hiến máu quy mô đầu năm mới.

Hiến máu và hiến tiểu cầu đầu năm
Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết, Trung tâm Huyết học truyền máu của đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ máu và chế phẩm máu điều trị và cấp cứu ngày tết cho 11 cơ sở thuộc 4 tỉnh thành ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết
Đầu năm đi hiến máu

Những ngày đầu năm, một số đơn vị đã tổ chức hiến máu tình nguyện, đóng góp vào ngân hàng máu sống dự trữ. Dịp tết, nguy cơ thiếu máu điều trị thường tăng vì nhiều lý do.

Đầu năm đi hiến máu
Return to top