ClockThứ Sáu, 11/03/2011 02:47

Ưng Bình Thúc Giạ Thị & thi phẩm “Gánh tương tư”

TTH - Cùng thời với Tản Đà, nhà thơ miền núi Ngự sông Hương Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) tuy là vị thượng thư của triều Nguyễn, nhưng không quan cách; mà lão Vương tôn Thúc Giạ lại có một lối sống rất phóng khoáng, dân dã. Ông “ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan”, và có lúc cũng trăn trở với “gánh tương tư” thiếu người san sẻ. Nhà thơ đã bộc bạch bệnh trạng của mình trong những vần thơ đậm chất thổ ngữ địa phương Huế.

Trong gánh tương tư những vật gì?

Dây hồng, lá đỏ đó chơ chi
Sao mà bợ ngợ sương không nổi
Lại cứ lần đân chẳng vất đi
San sẻ khôn nhờ cân tạo hóa
Nặng nề thêm mãi mối tình si
Hỡi ai là bạn thương mình đó
Xin hãy xê vai rợt chút ni.
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị
Đọc bài thơ Gánh tương tư của nhà thơ Ưng Bình, tôi tin rằng không phải bạn đọc vùng miền nào cũng dễ dàng thông hiểu tình ý của thi nhân, được gửi gắm vào trong ngôn từ nghệ thuật địa phương như những ẩn số đầy thách đố thú vị. Đó là những từ “bợ ngợ, sương, lần đân” đậm chất thổ ngữ dân gian ở miền Trung lắm gió bỏng, mưa chan.
Thực tế, ngôn ngữ tiếng Việt có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Từ vựng tiếng Việt lại có từ toàn dân, từ địa phương,… có từ cổ bị mai một đi và lại có từ mới được bổ sung thay thế. Vì thế, dù chúng ta là người Việt, đã nghe, học tiếng Việt từ thuở còn nằm nôi qua những lời à ơi ru con vào giấc ngủ của mẹ, nhưng liệu có ai dám quả quyết đã thông hiểu hết mọi từ tiếng Việt?
Trở lại với cái Gánh tương tư mà lão Vương tôn Thúc Giạ đa mang thì đây vốn là một tâm bệnh trừu tượng, mà khi đã lỡ vương vào chữ yêu thì hỏi trên đời có ai không mắc bệnh này. Bởi vậy mà nhà thơ Nguyễn Bính từng tự thú rằng:
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Vấn đề là tình yêu kỳ diệu mang tính rất riêng tư, nên những ai lỡ vương mang bệnh nan y này, thì chỉ có họ mới thấu rõ ngọn ngành, trạng huống của nó. Ưng Bình đã dùng đôi mắt thông tuệ tinh tế của người thơ xem xét “trong gánh tương tư những vật gì?” để rồi khẳng định “Dây hồng lá đỏ đó chơ chi”. Cụm từ “đó chơ chi” (đó chứ gì nữa) nghe có vẻ rõ ràng, nhưng chính nhà thơ vẫn cứ day dứt, băn khoăn:
Sao mà bợ ngợ sương không nổi
Lại cứ lần đân chẳng vất đi
Câu thơ nghe nôm na những từ thổ ngữ quê mùa như “bợ ngợ”, “lần đân”, nhưng theo thiển ý của người viết, thì đây là những “con mắt thơ” lấp lánh bao ý nghĩa sâu sắc. Bệnh tương tư thì quá quen đối với con người xưa - nay, nhưng với người trong cuộc thì luôn lạ lẫm. Lịch lãm như Ưng Bình mà vẫn “bợ ngợ sương không nổi”. Trong gánh tương tư, theo thi sĩ thì có “dây hồng, lá đỏ” tượng trưng cho mối tơ duyên ngẫu nhiên vương vấn vào lòng mà chưa thể thành tình nồng sắc thắm, để người thơ được cảm nhận niềm hạnh phúc của tình yêu, như người xưa mãn nguyện reo lên:
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và phụ thân trước cửa ngõ Châu Hương Viên năm 1958
Vị Vương tôn Thúc Giạ lại “bợ ngợ” về mối tình vương mang mà sương (gánh) không nổi. Người xưa nói “bỏ thì thương mà sương thì nặng”, là muốn nói đến việc người có lòng muốn gánh giúp ai việc gì mà lực bất tòng tâm; còn cái nợ duyên tình ai trả thay cho được, căn bệnh tương tư thì càng nan giải hơn. Vì thế mà Kiều mới có thái độ quá mức trân trọng khẩn thiết khi nhờ cô em Thúy Vân “xót tình máu mủ thay lời nước non” nối duyên cùng Kim Trọng:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Còn Thúc Giạ “lại cứ lần đân chẳng vất đi”, biết là “sương không nổi”, mà cứ “sân si”, trì níu chẳng chịu buông ra cho nhẹ gánh tình trót lỡ đa mang. Nói vậy thôi, chứ ai có thể đoạn tình như hững hờ quên lãng chiếc áo cũ xưa. Tâm hồn là vô biên. Nó như cái ao cũ của nhà thơ Nhật Bản Basho :
                  Ao cũ
                 Con ếch nhảy vào
                vang tiếng nước xao
Dưới mặt ao tâm hồn ngỡ là phẳng lặng, đang nén chứa cả một vùng kỉ niệm vui buồn. Trong đó có tình yêu vĩnh viễn ngự trị của người thơ đa tình chung thủy, bất chợt sẽ xao động thành con sóng miên man vỗ vào bờ nhớ, khi có tín hiệu như con ếch nhảy vào gợi thức miền dĩ vãng.
Thúc Giạ chỉ còn biết nhờ trời san sẻ bớt cái gánh tương tư “bợ ngợ” nặng nề “sương không nổi” , nhưng hóa ra nó càng kết đọng sầu nặng thêm theo thời gian.
San sẻ khôn nhờ cân tạo hóa
Nặng nề thêm mãi mối tình si.
Hèn chi mà Tản Đà than thở “Hai chữ tương tư một gánh sầu”. Còn Ưng Bình thì cất tiếng kêu nhờ:
Hỡi ai là bạn thương mình đó
Xin hãy xê vai rợt chút ni.
Thi nhân gợi một từ ai phiếm chỉ mơ hồ, nhưng đây là cách biểu đạt tế nhị mà minh xác. Chỉ có người “bạn thương mình đó” mới có thể “xê vai” cùng thi sĩ rợt bớt “chút ni”- một chút tương tư đủ để làm cho tâm hồn úa héo, tinh thần bất ổn nghiêng chao – giúp cho nhà thơ giải thoát được gánh tương tư đời không kham nổi, để nếm trải men nồng, vị ngọt của tình yêu.
Quả thật, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có những kết hợp từ độc đáo sinh động, mang đậm bản sắc Huế. Ông đã gắn những từ chỉ vật thể, những động từ như “sương”, “rợt” với “tương tư” – với tình yêu mơ hồ huyền diệu – giúp bạn đọc hiểu, thông cảm với thi sĩ, với những ai đã lỡ mắc căn bệnh nan giải này. Tình yêu đúng là ái lực mạnh mẽ giúp những người xa lạ gắn kết bên nhau, nó cũng dễ làm đau bao trái tim đòi đoạn, nhưng mà con người “lại cứ lần đân chẳng vất đi”. Đó là triết lí đầy tính nghịch lí về tình yêu được “nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ không trộn lẫn” của xứ Huế là Ưng Bình Thúc Giạ Thị gởi vào trong Gánh tương tư.
TH.S Nguyễn Tống - GV trường Quốc Học
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top