ClockThứ Tư, 27/10/2021 06:08

Ủng hộ Thừa Thiên Huế thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

TTH - Hôm nay (27/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Thảo luận tại tổ trước đó, đại đa số các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Xem xét thông qua thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế

Cụ thể, đã có 269 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến (tại 10 tổ thảo luận tại Nhà QH và 52 tổ thảo luận tại địa phương) với không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm.

Phát biểu thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế, đồng thời cho biết đây là động lực cho tỉnh thực hiện mục tiêu trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương

Tạo động lực mới cho sự phát triển

Cơ bản các ý kiến tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của QH. Việc ban hành các NQ đặc thù này sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của địa phương, đồng thời góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển trong thời gian tới, vì ở đây không chỉ có vấn đề nguồn lực mà còn có các cơ chế, chính sách, thể chế rất quan trọng.

Có 156 ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành NQ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với tỉnh Thừa Thiên Huế để thể chế hóa NQ của Bộ Chính trị, tạo nguồn lực cho các địa phương có thêm dư địa phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc QH ban hành NQ này cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Kết quả thí điểm hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá để đưa thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước và trên cơ sở đó sẽ tiếp tục pháp điển hóa tại các văn bản pháp luật cao hơn. Các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo các NQ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, minh bạch và chặt chẽ.

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đối với các địa phương hiện đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các NQ của QH trước khi ban hành NQ thí điểm, cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

Đa số ý kiến cho rằng, việc Chính phủ trình QH xem xét, quyết định ban hành NQ trên là đúng thẩm quyền.

Tán thành với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ, đặc biệt là về tổ chức bộ máy. Ảnh: QH

Cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa nguồn lực

6 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế

Theo đề án trình QH, tỉnh đề nghị xem xét thông qua NQ với 6 cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, cho phép tỉnh để lại nguồn thu từ khai thác di tích để phục vụ trùng tu di tích; thành lập Quỹ bảo tồn di sản huy động từ nguồn xã hội phục vụ công tác trùng tu và bảo tồn di sản; nâng mức trần vay lên 40% để giúp cho tỉnh có nguồn lực trong xây dựng và phát triển đô thị; nâng định mức chi thường xuyên lên 45% so với các địa phương khác để tạo nguồn lực; ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cho phép tỉnh để lại 70% thuế xuất, nhập khẩu vượt chỉ tiêu giao.

Đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo NQ và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Một số ý kiến đề nghị nâng trần mức vay của các địa phương lên mức cao hơn. Đa số ý kiến nhất trí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn cho Thừa Thiên Huế.

Đa số ý kiến nhất trí cho tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 và trong thời gian thực hiện NQ này và cho rằng nội dung này đã được quy định tại NQ số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ QH.

Các ý kiến đề nghị cần tổng kết việc thực hiện chính sách đặc thù về phí, lệ phí của TP. Hồ Chí Minh trước khi cho phép áp dụng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Đa số ý kiến đồng ý cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế được sử dụng toàn bộ số thu từ phí tham quan trên địa bàn để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Một số ý kiến đề nghị khoản thu từ phí tham quan của tỉnh Thừa Thiên Huế không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa Trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố kiến thiết. Đồng thời, đề nghị tăng mức thu phí tham quan trên địa bàn Thừa Thiên Huế để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Đa số ý kiến đồng ý với quy định tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để tạo thêm nguồn lực cho địa phương phát triển.

Nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và cho phép các địa phương khác được hỗ trợ cho Quỹ này, nhưng cần bảo đảm đúng nguyên tắc là Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Đồng thời, đề nghị cho phép Quỹ bảo tồn di sản Huế được thực hiện lâu dài, không chỉ trong thời gian thí điểm.

Đại đa số các ĐBQH đề xuất NQ thí điểm này được áp dụng trong năm 5 năm và bắt đầu từ 1/1/2022.

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản

Phát biểu thảo luận tổ về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chia sẻ: Đối với Thừa Thiên Huế, trước đây chúng ta đã có NQ đặt mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, Thừa Thiên Huế đã đạt được những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, khu vực nông thôn, ví dụ như huyện miền núi A Lưới, có xuất phát điểm và hạ tầng rất khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Các tiêu chí của thành phố di sản trực thuộc Trung ương cũng sẽ khác và cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu này. Ví dụ, vì sao Chính phủ lại đề xuất có Quỹ phát triển di sản cho Thừa Thiên Huế mà các địa phương khác lại không có là nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
144 người nộp thuế được tuyên dương

Ngày 14/3, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương người nộp thuế năm 2023; tập huấn chính sách thuế và đối thoại doanh nghiệp (DN) năm 2024.

144 người nộp thuế được tuyên dương
Return to top