ClockThứ Tư, 06/01/2021 17:33

Ước nguyện vào bờ

TTH - Giữa ồn ào, nhộn nhịp phố thị, có một ốc đảo mà những người dân ở đó là anh em, trải qua 4 đời với hơn 100 năm sống biệt lập giữa bốn bề sóng nước trên sông Hương, không chợ, không cầu phà, không hàng quán, không có xe máy… Đó là đảo Ông Sắt, thuộc địa phận phường Vỹ Dạ, TP. Huế.

Mang “Thu yêu thương” đến trẻ em nghèoGiúp cô bé nghèo nhen nhóm ước mơ

Bên này Đập Đá nhìn qua, bên kia cầu Gia Hội nhìn về, Ông Sắt hiện ra như một hòn đảo nhỏ, hiền hoà nép mình dưới những rặng cây và rất gần với cồn Hến. Tưởng chừng thơ mộng vậy, nhưng mỗi khi Mẹ thiên nhiên nổi giận, cơn nước chảy xiết, họ lại chạy…

Đảo Ông Sắt giữa lòng sông Hương với những ngôi nhà được người dân xây dựng theo phương án chống lũ

Bên kia thành phố tráng lệ…

Những ngày cuối năm, trời Huế bình lặng sau triền mưa lũ. Chúng tôi quyết định tìm về ốc đảo giữa lòng đô thị theo đường bộ, qua ngả cồn Hến. Men theo con kiệt “xương sống” với những quán cơm, bún hến nức tiếng, đi hết cuối đường nhìn qua bên kia, đảo Ông Sắt thấp thoáng ẩn hiện.

Nhiều người dân cồn Hến thấy chúng tôi hỏi đường qua ốc đảo có vẻ ngỡ ngàng, vì chính họ một đời chưa bao giờ đặt chân qua vùng đất đó dù chỉ 10 phút đi đò. “Mấy anh qua bên nớ mần chi. Nếu qua thì gửi xe lại đây, rồi hét thật to để người bên đó đưa thuyền qua chở”, một người dân hướng dẫn.

Nghe tiếng gọi đò, một chị tuổi trung niên thoăn thoắt mái chèo qua đón chúng tôi. Đò tiến về hướng ốc đảo, bên dưới mặt nước sông Hương xanh dịu vợi. Càng đến gần, những mái nhà, hàng tre vàng ẩn hiện trước sự tò mò của chúng tôi dần lộ rõ.

Đò cập bến, một cụ ông râu tóc đượm bạc tỏ ra bất ngờ: “Lâu rồi mới có người lạ tìm tới đây. Tưởng gần mà xa phải không mấy anh”. Ông là Võ Văn Vinh, 70 tuổi, người cao tuổi nhất ốc đảo này. Mời khách lạ ly trà ấm, ông dí dỏm và tự hào nơi mình sống, chỉ cần mở mắt là thấy bên kia những khu phố tráng lệ. Đúng như thế, liếc mắt có thể thấy những dãy phố, khách sạn nhộn nhịp trên đường Lê Lợi, rồi chợ Đông Ba sầm uất, thuyền rồng nối đuôi nhau chầm chậm trên sông Hương…

Nói rồi, cụ ông một đời gắn phận mình với ốc đảo Ông Sắt chậm rãi kể về lịch sử vùng đất. Cái tên Ông Sắt không ai khác chính là cha của ông, xưa kia khốn khó trăm bề đã chọn đảo này làm nơi an cư. “Cha tui sinh ra đàn con. Mấy anh em tui cứ rứa lớn lên. Sau này có người vô đất liền, có người ở lại lấy vợ, sinh con đẻ cái và tiếp tục bám nơi đây. Vì thế, dãy nhà ở đảo ni toàn là anh em chú bác, sống nương tựa, đùm bọc lẫn nhau”’, ông Vinh kể. Sau ông, những người con tiếp nối cuộc sống nơi này, rồi những đứa cháu được xem thế hệ thứ 4 cũng đang lớn lên. Dân số trên ốc đảo với diện tích hơn 1.500m2 đến thời điểm này hơn 30 người.

Một gia đình sống trên đảo Ông Sắt mưu sinh bằng nghề làm lồng chim

Nương vào đất trời, thiên nhiên

Cuộc sống, sinh hoạt đều tách biệt với đất liền, vì thế những cư dân ở đảo Ông Sắt cũng gặp rất nhiều trở ngại. Từ phía cầu Gia Hội hay cồn Hến đi qua đây chỉ có một phương tiện duy nhất đó là chèo đò. Người dân dù có mua được xe máy cũng không còn cách nào khác là gửi lại nhà dân ở đất liền. Có đi đâu cũng phải chèo đò vào đất liền, rồi mới đi lấy xe máy đi tiếp. Nhiều đứa trẻ lớn lên, đi học, cũng không thoát khỏi vòng xoay đó. Dân ở đây kể, đã sống ở đảo Ông Sắt không ai là không biết bài học vỡ lòng chèo đò, thậm chí sành sỏi.

Nhưng sành sỏi cỡ nào, mùa bão lũ cũng trở thành nỗi ám ảnh. Chàng trai vạm vỡ Võ Văn Toàn, 33 tuổi, lớn lên ở đảo Ông Sắt khi nghe nhắc đến bão lũ cảm thán: “Ớn như chè!”. Không cần nhẩm, Toàn nói năm ít thì 3-5 cữ, năm nhiều thì cỡ chục cữ chạy lụt, bão. “Nghe nước lên, thuỷ điện xả lũ, hay nghe đài báo bão chúng tôi bỏ hết. Lên đò, chèo qua cồn Hến, hay đường Trịnh Công Sơn rồi theo đó tìm đến nhà bà con để tá túc”, Toàn kể.

Đúng như lời Toàn nói, có những năm lũ lớn, chúng tôi theo những đoàn cứu hộ, cứu nạn đi vào khu vực này và chứng kiến khung cảnh hoang tàn. Dòng nước chảy xiết, lên nhanh, chỉ trong một buổi chiều có thể nhấn chìm toàn bộ những ngôi nhà trên ốc đảo như không có sự hiện diện của nó trước đó. Để rồi, cơn nước xuống, mọi thứ trơ trọi, tất cả trôi ra cửa biển… trước sự bất lực của mọi người.

“Nhưng đó là cuộc sống mà, mưa bão là chuyện bình thường. Ở trong đất liền còn bất lực huống gì ngoài đảo này. Trong cái xui cũng có cái may – Toàn nói, rồi lý giải - Ốc đảo ngày càng được bồi lên, rộng ra. Khi mưa bão đi qua, cuộc sống khá dễ chịu, dù làm việc tay chân nhưng ai cũng kiếm được đồng ra đồng vào, không bệnh tật”. Nói rồi Toàn dẫn chúng tôi đi dọc hết ốc đảo, len lỏi qua các cây thân và những rặng tre dày đặc phủ bóng mát. Tất cả tự tay người dân ở đây trồng lên để ngăn chặn sự xâm lấn, với ý thức phải bảo vệ, gìn giữ từng thước đất nơi mình đang sống mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Đảo Ông Sắt nhìn từ phía cồn Hến với những rặng tre được người dân trồng để giữ đất, cản dòng chảy khi mưa lũ về

Ước nguyện vào bờ

Trời về chiều, từ đảo Ông Sắt hướng lên thượng nguồn, cầu Trường Tiền vắt qua sông Hương phủ một màu hoàng hôn thơ mộng. Bên kia dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập, cũng là lúc bên này những cư dân tìm về ngôi nhà sau một ngày tất tả mưu sinh. Chiếc đò của chị Mai Thị Niềm vừa cập đảo Ông Sắt đầy ắp tôm cá sau một ngày làm nghề trên sông nước, nhưng cũng trên chiếc đò ấy có người con trai 5 tuổi, được chị đón từ trường mầm non bên kia cồn Hến. Âu yếm con trai lên bờ, chị nở nụ cười tươi: “Mình khổ rồi. Đã đến lúc bọn trẻ phải thay đổi chớ chú hè”.

46 tuổi, về ốc đảo này làm dâu 20 năm, chị Niềm kể chỉ trừ mùa mưa bão, còn lại cuộc sống trôi qua rất bình yên. Ai dù làm nghề gì, nhưng đã sống trên đảo Ông Sắt phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Một ngôi nhà dựng lên tất cả cư dân ốc đảo chúng tay góp sức, một người đau ốm cả ốc đảo ngược xuôi lo toan… “Nói nghèo thì cũng không hẳn, nhưng nói đủ thì cũng chưa tới. Cuộc sống ở đây nó vậy, không bao bọc nhau thì không phải cư dân của đảo Ông Sắt”, chị Niệm chia sẻ.

Vừa dứt lời, đứa con thơ thấp thoáng sau lưng chị thì thầm: “Mẹ ơi, bày tập viết”. Nhìn cách người phụ nữ này nắn nót bày cho con mình từng nét chữ mới hiểu được ước mong thoát kiếp cơ cực, được đến trường học hành tử tế. Với suy nghĩ đó, những bậc làm cha làm mẹ nơi này dù bận rộn với công việc, mưa gió trở trời họ cũng chèo đò đưa con đến trường. Nhờ thế, những năm gần đây ốc đảo đã có em đỗ vào đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định, vào đất liền định cư.

“Dù khó cỡ mô chúng tôi vẫn quyết tâm nuôi con cái ăn học đàng hoàng, đứa mô giỏi thì đầu tư học lên, còn đứa mô đuối quá ít nhất cũng phải biết chữ rồi học nghề để mưu sinh cho tử tế”, chị Niềm trải lòng.

Trước khi rời đò về bên kia “đất liền” chúng tôi hỏi về mong ước của bà con, ông Võ Văn Vinh thay mặt bà con nói rằng, mong được vào bờ. Ông nói đã nghe tin về quy hoạch cồn Hến để phát triển du lịch, kinh tế và rất vui lòng ủng hộ. “Trước là rứa. Nhưng sau nữa, cũng đến lúc chúng tôi muốn thoát khỏi cảnh sống trong âu lo của những mùa bão lũ. Và những đứa trẻ ở ốc đảo này cũng cần tương lai xán lạn hơn cha ông nó”, người đàn ông ở tuổi thất tuần ước mong.

Ưu tiên di dời

Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện tại đảo Ông Sắt có 6 hộ với 36 khẩu. Trải qua nhiều đời, cuộc sống của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào những tháng lụt bão.

Trong một chuyến thực địa, kiểm tra đời sống bà con ở cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP. Huế), UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế - Phan Thiên Định đã có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dân sống ở đây. Khi nghe chính quyền địa phương báo cáo về lịch sử cũng như đời sống của người dân trên đảo Ông Sắt, ông Định chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án, ưu tiên di dời và đảm bảo đời sống của người dân trên ốc đảo này.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ước nguyện được gặp mẹ của cô tân thủ khoa

“Con sẽ đi tìm mẹ, con hứa đó” - người nói câu này là Lê Thị Thanh Nhàn - được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh (phường An Hòa, TP. Huế), tân thủ khoa ngành Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế.

Ước nguyện được gặp mẹ của cô tân thủ khoa
Châu Hương Viên & ước nguyện hồi sinh

Châu Hương Viên vốn là tư thất, địa chỉ văn hóa gắn liền với tên tuổi của nhà thơ, danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nay hoang tàn, đổ nát khiến nhiều người phải ngậm ngùi, xót xa.

Châu Hương Viên  ước nguyện hồi sinh
Ước nguyện mùa xuân

Những cội hoàng mai trước hiên nhà đã nở bung, chờ đón một mùa xuân mới với muôn vàn ước nguyện an lành. Ngoài kia, những người xa xứ cũng đã kịp chuyến xe cuối cùng để đoạn tụ với gia đình sau một năm vất vả làm lụng ở trời xa. Đường rợp phố rợp màu hoa, sắc xuân hiện trong đôi mắt của những người trẻ..

Ước nguyện mùa xuân
Return to top