ClockThứ Sáu, 04/03/2022 13:30

"Ưu thế" của tuyên truyền miệng

TTH - Hiện nay, các phương tiện thông tin hiện đại dù đáp ứng được phần lớn nhu cầu thông tin trong cuộc sống người dân, tuy nhiên trong thực tế, các phương tiện thông tin này vẫn không thể thay thế được hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệngHiệu quả từ tuyên truyền miệng

Ngày ngày vẫn có hàng ngàn, hàng vạn người đến các hội trường, các câu lạc bộ nghe nói chuyện về thời sự, các chuyên đề… Hàng triệu học sinh, sinh viên đến trường, giảng đường để nghe thầy cô giáo giảng bài. Trong điều kiện dịch COVID-19, các em phải chuyển sang học online, nhưng hình thức học này chưa đem lại hiệu quả cao so với thầy, cô trực tiếp lên lớp trình bày.

Một số nghiên cứu cho thấy, 2/3 lượng thông tin mà con người thu nhận được hàng ngày là qua giao tiếp bằng lời nói trực tiếp. Bằng công cụ lời nói, tuyên truyền miệng có thể truyền đạt thông tin đến mọi đối tượng, kể cả đối tượng không biết chữ, nhất là đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Giao tiếp trực tiếp còn cho phép chuyển ngay từ độc thoại sang đối thoại. Người nghe có thể được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, được hỏi và được trả lời về những vấn đề mà mình quan tâm nhưng chưa được giải thích hoặc giải thích chưa thấu đáo; được trao đổi với cán bộ tuyên truyền về những vấn đề còn chưa thống nhất. Tuy nhiên, một số cán bộ tuyên truyền chưa dành thời gian hoặc có nhưng thời gian rất ít để cho người nghe trao đổi, thảo luận. Mặt khác, người nghe còn chưa thật mạnh dạn để trao đổi, nên một buổi trình bày thường mang tính một chiều.      

Muốn thực hiện một buổi tuyên truyền miệng đòi hỏi cán bộ tuyên truyền cần chuẩn bị tốt nội dung và phương pháp trình bày để tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe. Phải mang đến những thông tin mới. Đừng để người nghe dành thời gian để nghe ta nói, nhưng chẳng thấy thông tin gì mới. Cái mới của nội dung tuyên truyền tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, thuyết phục, cảm hóa họ, khẳng định những quan điểm cần tuyên truyền và phê phán các quan điểm sai trái, phản diện.

Trong tuyên truyền miệng, cái mới không chỉ được hiểu là cái chưa hề được đối tượng biết đến mà có thể là một phương pháp tiếp cận mới, một cách trình bày mới, độc đáo, một nhận định đánh giá mới về cái đã biết. Đồng thời, nội dung tuyên truyền phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin của một loại đối tượng cụ thể.

Bác Hồ từng căn dặn: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Vì thế, tìm hiểu đối tượng là nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện khi chuẩn bị một buổi tuyên truyền. Việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền cho phù hợp.

Bài nói của cán bộ tuyên truyền phải mang tính thời sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Nếu buổi nói chuyện được tổ chức đúng thời điểm thì sức thu hút của nó đối với người nghe càng lớn, vì đó là một điều kiện giúp con người hành động có hiệu quả. Bài nói phải đảm bảo tính tư tưởng và tính chiến đấu. Nội dung tuyên truyền miệng không chỉ nhằm cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về những sự kiện quan trọng mà qua thông tin đó để định hướng nhận thức, giáo dục tư tưởng, quán triệt quan điểm và hướng dẫn hành động của quần chúng. Khi nêu các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, các tư tưởng xa lạ, đối lập, nhất là thông tin trên mạng xã hội thì phải tỏ rõ thái độ phê phán kiên quyết, triệt để, tránh gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm lòng tin của công chúng bởi cái gọi là “thông tin nhiều chiều” thiếu cơ sở khoa học.

Để làm tốt công tác tuyên truyền miệng, bên cạnh kỹ năng lựa chọn nội dung như đã nêu, còn có kỹ năng lựa chọn, nghiên cứu xử lý tài liệu; kỹ năng xây dựng đề cương; kỹ năng lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ, văn phong; kỹ năng tiến hành phát biểu, điều khiển sự chú ý của người nghe và trả lời câu hỏi khi thực hiện đối thoại… Kỹ năng tuyên truyền miệng cùng với kiến thức và kỹ xảo là ba yếu tố hình thành sự thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tuyên truyền. Thiếu một trong ba yếu tố nói trên hoặc thiếu sự kết hợp giữa chúng trong rèn luyện thì không thể đạt tới sự tinh thông về nghiệp vụ tuyên truyền miệng.

THIỆN LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế

Với xu thế phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ra mục tiêu phải sản xuất xanh, tuần hoàn để tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế
Return to top