ClockChủ Nhật, 12/12/2010 18:22

Ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri

TTH - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, những vấn đề của đông đảo cử tri quan tâm, như: Tác động của thủy điện đến lũ lụt; ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội thị Huế; khai thác khoáng sản; xây dựng tràn lan trạm BTS... đã được các ngành chức năng liên quan trả lời. 
Ông Hồ Xuân Phán, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông: Tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết về trạm BTS.
 
Trước kiến nghị của cử tri về việc xây dựng tràn lan trạm BTS trên địa bàn tỉnh, nhất là trong khu vực TP Huế, gây mất mỹ quan và không an toàn trong mùa mưa bão, ông Hồ Xuân Phán cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 đơn vị chủ quản mạng thông tin di động triển khai phát triển hạ tầng trạm BTS. Tổng số trạm đã phát sóng tính đến tháng 7-2010 là 859/764 trạm BTS; riêng ở TP Huế có 240 trạm. Tháng 8/2010, UBND tỉnh tạm đình chỉ cấp phép xây dựng trạm BTS trên toàn tỉnh. 
 
Theo phê duyệt quy hoạch bưu chính viễn thông, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm khu vực thành phố 300m, khu vực nông thôn 500m, nhưng chưa quy hoạch chi tiết cụ thể. Hiện có nhiều trạm BTS gần nhau là do thời điểm quy hoạch chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh, nhưng đến nay đã lên đến 7. Mặc dầu Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định dùng chung hạ tầng để hạn chế xây dựng mới nhưng các đơn vị có trước không cho thuê dùng chung với lý do không an toàn vì thiết kế ban đầu chỉ chịu lực một mạng.  
 
Về quy hoạch chi tiết thì sở TT-TT chưa làm được. Trạm BTS là công trình thụ động, có tính đặc thù riêng nên cả nước chưa có tỉnh nào lập quy hoạch. Sở TT-TT không có chức năng lập quy hoạch trạm và cán bộ thuộc sở cũng không đủ trình độ và kinh nghiệm để quy hoạch. Với trách nhiệm của mình, sở TT-TT đã tăng cường thanh - kiểm tra về thủ tục cấp phép, tiêu chuẩn kỹ thuật, duy tu bão dưỡng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Trong thời gian tìm đối tác lập quy hoạch trạm BTS, sở TT-TT tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình cấp phép xây dựng trạm với tiêu chí an toàn; đảm bảo mỹ quan đô thị; mỗi trạm phải dùng tối thiểu 3 nhà mạng; tăng chất lượng phủ sóng cho người tiêu dùng.
Thái Bình (ghi)

Ông Nguyễn Đình Đấu, TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Những đơn vị được cấp phép khai thác vàng không gây ảnh hưởng đến môi trường    

Trước vấn đề quan tâm đến chất lượng nguồn thu của khai thác vàng và tác động của nó đến môi trường của cử tri, ông Nguyễn Đình Đấu cho biết: Theo quy định của Nhà nước, những vùng khoáng sản có trữ lượng thấp không nằm trong quy hoạch quốc gia thì UBND tỉnh có quyền cấp phép thăm dò, khai thác. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh cấp phép cho 4 đơn vị khai thác. Các đơn vị này trong quá trình thăm dò, khai thác đều có nghĩa vụ nộp các khoản ngân sách như: các khoản thuế, phí tài nguyên. Nhìn chung, việc khảo sát, thăm dò, khai thác của các đơn vị này đến nay chưa gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và môi trường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác tự phát công khai ở một số nơi thuộc A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc... chủ yếu nhỏ lẻ, tranh thủ của một bộ phận người dân nên khó phát hiện, xử lý và gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu các đơn vị được cấp phép khai thác và phục hồi môi trường, tổ chức quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt thì sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường và nhà nước vẫn có những nguồn thu. Hiện, các đơn vị khai thác đều đảm bảo cam kết sau khi khai thác xong phải hoàn trả mặt bằng, đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường.
Thái Sơn (ghi)
 
Ông Võ Phi Hùng, TUV, Giám đốc Sở Công thương: Sẽ xây dựng quy trình vận hành liên hồ
 
Đánh giá chung về công tác vận hành hồ chứa, với sự chỉ đạo sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các địa phương có các hồ thủy điện và việc tuân thủ nghiêm các quy trình, phương án đã được phê duyệt của hai chủ đập thủy điện nên trong 2 mùa lũ 2009 và 2010 đã có tác động tích cực trong việc làm giảm đỉnh lũ. Cụ thể, trong mùa lũ 2010, giảm khoảng 0,6m đối với sông Bồ (tại Phú Ốc) và 0,33m đối với sông Hương (tại Kim Long). Qua hai mùa lũ với sự tham gia của 2 hồ thủy điện, nếu việc vận hành hai hồ thủy điện (Hương Điền và Bình Điền) và sự chỉ đạo, giám sát như hiện nay, có thể nói về mùa lũ các hồ thủy điện giảm được đỉnh lũ ở hạ lưu và giảm lưu lượng lũ về hạ lưu. Đồng thời, nếu điều tiết tốt mực nước trên hồ trước mùa lũ có thể tạo ra dung tích phòng lũ và từ đó hiệu quả còn lớn hơn kể cả các hồ khi thiết kế không có dung tích phòng lũ.
 
Tuy nhiên về lâu dài có 4 hồ: Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, A Lưới cộng với các hồ thủy lợi cùng đi vào hoạt động vào mùa lũ thì hạ lưu của vùng hệ thống sông Hương nếu không có phương án đồng bộ (quy trình vận hành phù hợp) thì khó có hiệu quả cao trong việc giảm lũ. Từ thực tế đó, Sở Công thương và Sở NN&PTNN cùng các sở liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đã có ý kiến đề xuất với các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13-10-2010 phê duyệt danh mục các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ, cụ thể Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên & môi trường xây dựng trên cơ sở phối hợp với các địa phương và các chủ đập.
 
Quang Nhân (ghi)
 
Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế: Tập trung nhiều nguồn lực cho hệ thống thoát nước
 
Hiện nay còn một số tuyến đường nội thị khu vực trung tâm TP Huế còn bị ngập úng nhưng chưa được giải quyết là do toàn bộ khu vực phía Nam đang nằm trong phạm vi của Dự án (DA) Cải thiện môi trường (vốn vay JICA-Nhật Bản) đang triển khai thực hiện, khi DA hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng của khu vực phía Nam TP Huế. Mức đầu tư hàng năm cho thoát nước tăng bình quân hơn 50%, trong đó có cả nguồn do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư hàng năm còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước chỉ giải quyết được tình trạng ngập úng mang tính cục bộ ở một số tuyến đường, khu vực nhỏ.
 
Để xây dựng và phát triển TP Huế xứng tầm của đô thị loại 1, hạn chế tình trạng ngập úng, sự xuống cấp của hệ thống hạ tầng kỹ thuật... cần tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống thoát nước. Vì vậy, cần phải có nguồn kinh phí lớn, đặc biệt là các DA ODA và cần tiếp tục vận động các nhà tài trợ như JICA, ADB để tiếp tục tài trợ nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước TP Huế. Tập trung xây dựng, chỉnh trang và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thoát nước các tuyến đường đô thị, các DA xây dựng hồ điều hòa, thoát nước của khu vực. Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước các tuyến đường đô thị đã bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã quá tải đảm bảo theo quy hoạch. Giải tỏa chống lấn chiếm, nạo vét hệ thống hồ, kênh thoát nước trên địa bàn, nâng cao năng lực thoát nước. Cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành của tỉnh với chính quyền đô thị, địa phương, các cơ quan chuyên ngành... trong công tác đầu tư xây dựng, quy hoạch các khu đô thị mới, các DA hạ tầng kỹ thuật để có giải pháp đầu tư đồng bộ về các vấn đề kết nối hạ tầng giao thông, thoát nước, cốt san nền... nhằm hạn chế những phát sinh, ngập úng trong quá trình phát triển đô thị...
Bạch Quang (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top