ClockThứ Bảy, 22/04/2017 13:46

Ưu tiên phát triển khâu chế biến

TTH - Các “mắt xích” trong sản xuất nông nghiệp gồm: sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Hai khâu đầu rất cần khoa học kỹ thuật tác động. Còn nói về chuỗi giá trị, đó là các mắt xích trong sản xuất. Phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu đầu vào của ngành khác.

Nông sản Việt Nam vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: M.Trang

Bà con nông dân của chúng ta lâu nay thất bại nhiều là do sự tác động không đồng đều vào các khâu này và không hoặc ít tạo ra được chuỗi giá trị trong nông nghiệp.

Nhìn ngành nông nghiệp phát triển trong mấy chục năm qua, có hai lực lượng tác động mạnh nhất vào nông nghiệp là Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng xem ra, sự tác động này không đồng đều mà chủ yếu là vào sản xuất. Nhà nước thì tạo ra các chính sách như tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, tạo ra các tiến bộ khoa học kỹ thuật… thậm chí tạo vốn. Tương tự, doanh nghiệp với kênh bán hàng riêng của mình, ở một mức độ nào đó cũng tác động vào việc sản xuất của người nông dân bằng khoa học kỹ thuật về giống, chế độ chăm sóc, vốn (thông qua ứng trước)…

Khâu chế biến như là gạch nối với thị trường. Ảnh; M. Trang

Trong giai đoạn trước đây, khi sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, hàng hóa chưa phong phú, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, rồi các yếu tố khác như lưu thông, hội nhập… còn nhiều hạn chế thì sự tác động vào khâu sản xuất đã đưa lại những hiệu quả thiết thực, như tăng được năng suất, sản lượng là điều cần thiết. Nó làm cho thu nhập và đời sống của người nông dân khá hơn.

Nhưng đến bây giờ, khi mà hàng hóa trở nên dồi dào, sự tác động không đồng đều, “lệch pha” này đã bộc lộ những hạn chế, thậm chí là còn gây nên những tai hại trong nông nghiệp.

Điều dễ nhận thấy nhất là khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những điều kiện sản xuất thuận lợi nên người nông dân sản xuất ra sản phẩm dễ dàng hơn, nhiều hơn. Có thời điểm cung vượt cầu. Không ít sản phẩm làm ra phải mang đi bỏ hoặc kêu gọi sự hỗ trợ, giải cứu như chúng ta từng biết trong thời gian gần đây.

Về chế biến hàng nông sản cũng không có sự tác động mạnh mẽ. Là một nước nông nghiệp nhưng không nhiều những nhà máy chế biến hàng nông sản, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Nuôi con heo, con gà lớn lên, đến kỳ xuất chuồng, chỉ biết đến vài thương lái thì làm gì mà chẳng bị ép giá. Nhiều loại cây trồng có chu kỳ thu hoạch cũng tương tự vậy. Bây giờ số lượng lớn hơn thì phụ thuộc thương lái… Trung Quốc. Có vẻ như bài toán hóc búa này Nhà nước giải chưa được hiệu quả!

Nhà nước cũng “sốt ruột” lắm về khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời bao cấp và thời kỳ đầu của đổi mới, Nhà nước thành lập các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ít hiệu quả nên dần dần phải chuyển đổi hình thức sở hữu. Rồi một thời gian, Nhà nước kêu gọi liên kết “ba nhà, bốn nhà”. Tuy nhiên lời kêu gọi này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp khi bỏ đồng vốn ra họ đắn đo đủ đường – tìm kiếm lĩnh vực đầu tư nào thuận lợi, nhanh thu hồi vốn trước đã. Và kết quả là lĩnh vực chế biến hàng nông sản của chúng ta không mạnh, cho nên ít trợ giúp nhiều cho sản xuất.

Chế biến và tiêu thụ đã vậy, nông sản của chúng ta lại còn gánh thêm quá nhiều chi phí và thông qua quá nhiều tầng nấc trung gian. Ví như phí cầu đường, “lộ phí” và những phí không tên khác đều “cấu” hết vào giá thành chứ vào đâu. Hàng hóa tiêu thụ được thì các tầng nấc trung gian hưởng, khi giá thành cao quá người tiêu dùng ít sử dụng thì nông dân không bán được. Đường nào nông dân cũng thiệt hoặc hưởng được rất ít trong “miếng bánh” này.

Tác động vào sản xuất thì vẫn cần các chính sách, nhưng hiện nay là lúc Nhà nước nên ưu tiên tác động phát triển khâu chế biến. Chúng ta hình dung việc chế biến nó như “gạch nối” với thị trường. Một nhà máy muốn có nguyên liệu chế biến ổn định hoặc tự sản xuất hoặc đặt hàng với nơi sản xuất và phải tìm đơn hàng cho đầu ra. Chỉ có phát triển chế biến mới giúp sản xuất ổn định và phát triển bền vững. Còn không thì năm nay giá lên thì mừng, nhưng rồi lo sang năm lại khủng hoảng thừa.

LÊ NGUYỄN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông

TIN MỚI

Return to top