ClockThứ Ba, 27/09/2022 06:45

Ưu tiên việc làm, thu nhập cho người lao động

TTH - Trước thực trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may chấp nhận thu hẹp biên độ lợi nhuận, tập trung tìm cách duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đề xuất nhân thêm hệ số K vì lương tối thiểu giờ quá thấpSắp có lương tối thiểu theo giờ, theo tháng, dự kiến bao nhiêu?Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm

Duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động luôn được Công ty CP Dệt may Huế ưu tiên hàng đầu

Chấp nhận thu hẹp lợi nhuận

Khác với giai đoạn sản xuất đạt kết quả khởi sắc nửa đầu năm, những tháng cuối năm, Công ty CP Dệt may Huế sản xuất trong tâm thế không mấy thuận lợi, đơn hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái do lạm phát xảy ra trên toàn cầu. Vì vậy, mục tiêu từ nay đến cuối năm, Công ty CP Dệt may Huế tập trung duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, chưa chú trọng đến lợi nhuận.

Bà Nguyễn Hồng Liên, Giám đốc Điều hành Công ty CP Dệt may Huế phân tích, kịch bản thiếu đơn hàng cuối năm được công ty dự báo từ trước. Nhận định này được bắt nguồn từ căn cứ, cuối năm 2021, nhiều khách hàng của công ty tỏ ra lo lắng về lượng tiêu thụ hàng hóa của họ giảm mạnh, kể cả mùa cao điểm của chi tiêu như dịp Noel, tết. Điều này chứng tỏ, sản phẩm họ nhập vào phần nào bị ùn ứ. Tuy nhiên, do khách hàng đã đặt hàng trước quý 1 và đầu quý 2 từ năm ngoái nên để giữ uy tín với đối tác họ chấp nhận nhập hàng. Riêng những lô hàng mới, họ đã có sự cân đo đong đếm khi nhập thêm. Chưa kể hàng bị dồn do công tác vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ trước đó.

Nhận định trước được tình hình, Công ty CP Dệt may Huế đã chủ động đề ra những giải pháp bù đắp thị trường. “Chính vì vậy, mặc dù 6 tháng cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty không khởi sắc, song đảm bảo sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập, việc làm của gần 5 ngàn công nhân lao động của công ty. Đó không còn là mục tiêu mà là mệnh lệnh đã được ban giám đốc công ty đề ra”, bà Liên khẳng định.

Chấp nhận thu hẹp biên độ lợi nhuận để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động cũng là mục tiêu, quyết tâm của nhiều doanh nghiệp dệt may tại thời điểm này.

Ông Lê Hồng Long, Giám đốc Công ty Phú Hòa An cho biết, hiện 1.900 công nhân, lao động tại 3 cơ sở của công ty vẫn đang làm việc và thu nhập ổn định. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng của công ty giảm 50%, tuy nhiên, trước mắt vẫn đủ sản xuất đến cuối năm. “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc bằng không, miễn là đảm bảo thu nhập việc làm để giữ chân người lao động”, ông Long cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những công ty đủ đơn hàng, đảm bảo việc làm thu nhập cho người lao động, cũng có những doanh nghiệp ngành dệt may tạm phải cho công nhân nghỉ ngày thứ 6 và thứ 7, hưởng lương cơ bản hai ngày nghỉ vì thiếu đơn hàng. Chị Phạm Thị Liên, công nhân đang làm việc tại một công ty dệt  may ở khu công nghiệp Phú Bài chia sẻ: “Tuần nghỉ 2 ngày, lương tôi giảm khoảng 600 đến 700 ngàn đồng/tháng; tuy nhiên tôi chấp nhận đồng hành cùng công ty trong giai đoạn khó khăn này”.

Đa dạng hóa thị trường

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với khó khăn giảm đơn hàng vào những tháng cuối năm, phổ biến giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu, trong lúc thị trường hàng dệt may chủ yếu tập trung vào thị trường các nước này.

Trước tình hình đó, đa dạng hóa thị trường, xây dựng kế hoạch linh hoạt đáp ứng từng thời kỳ ngắn, thay vì xây dựng kế hoạch cho cả năm hay 6 tháng đang được các DN lựa chọn. Anh Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sơn Hà Huế cho biết, giờ chấp nhận thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, đơn hàng nhỏ. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ công nhân công ty vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, mặc dù đơn hàng giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Công ty Phú Hòa An, ông Lê Hồng Long cho biết, ngoài những đơn hàng sở trường là dệt may, công ty phải nhận thêm đơn hàng dệt thoi; đồng thời thay đổi, sản xuất thêm những mặt hàng mới.

Theo bà Nguyễn Hồng Liên, bên cạnh những thị trường lớn, truyền thống, Công ty CP Dệt may Huế tìm thêm khách hàng phụ, tiếp cận thị trường ngách. Điều này đòi hỏi bộ phận làm công tác thị trường phải chịu khó vất vả, thay vì chốt một đơn hàng cho nhiều tháng, thì nay chấp nhận chốt đơn hàng cho từng tháng, thậm chí ngắn hơn.

Bà Liên cho biết, Công ty CP Dệt may Huế có lợi thế, từ lâu luôn đặt tiêu chí xem khách hàng là ưu tiên số một, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng khi khó khăn, nên tạo được nền tảng uy tín lâu dài. Có nhiều khách hàng đã đồng hành cùng công ty hàng chục năm nay. Vì vậy, khi đứng trước sự lựa chọn, họ vẫn ưu tiên nhập sản phẩm của công ty. Đây cũng là lợi thế để công ty cạnh tranh thị trường.

Theo phân tích, nhìn nhận của các doanh nghiệp hàng dệt may, đây không phải lần đầu ngành hàng dệt may thiếu đơn hàng xuất khẩu. Việc thiếu đơn hàng xuất khẩu ngành dệt may, thường xuyên xảy ra theo chu kỳ từ những năm trước. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn có mỗi nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng doanh nghiệp phải bản lĩnh, nhạy cảm nắm bắt tình hình để tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp để vượt qua.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui vì được tăng ca

Doanh nghiệp (DN) dồi dào đơn hàng, người lao động phấn khởi khi được tăng ca, cải thiện thu nhập.

Vui vì được tăng ca
Đầu năm, không lo thất nghiệp

Hơn 9.000 vị trí việc làm trong và ngoài nước cần tuyển dụng vào đầu năm 2024 là con số không hề nhỏ để đáp ứng cho những lao động đang cần tìm việc, chuyển đổi môi trường làm việc mới.

Đầu năm, không lo thất nghiệp

TIN MỚI

Return to top