ClockThứ Ba, 27/04/2021 13:12

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án mở rộng TP. Huế

TTH.VN - Tại phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được khai mạc sáng nay (27/4), UBTVQH đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Đề án mở rộng TP. Huế: Chú trọng các tiêu chí của đô thị hạt nhânXây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá - Kỳ 3: Nắm bắt thời cơ “vàng”Mở rộng không gian, xây dựng đô thị HuếPhát triển bền vững, bảo đảm môi trường sống an bình cho người dânVận hội mới mang tính chiến lượcTránh thực trạng hạ tầng chạy theo quy hoạchCơ hội cho du lịchPhát triển đô thị Huế theo cơ chế đặc thùMở rộng thành phố Huế là nhu cầu tất yếu

TP. Huế trong tương lai sẽ rộng gấp 4 lần hiện tại. Ảnh: Phan Thắng

Mở rộng TP. Huế là nhu cầu tất yếu

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: TP. Huế là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.

Do đó, Chính phủ khẳng định việc mở rộng TP. Huế là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 649 năm 2014.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ nội vụ trình bày, hiện nay Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. "Việc sắp xếp sáp nhập một số phường thuộc T.P Huế có diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước" - bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 4.947,10km2 diện tích tự nhiên và dân số 1.163.610 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện; 145 đơn vị hành chính cấp xã.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về TP. Huế quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề của đề án   Ảnh: PNT

Sắp xếp 9 phường thuộc TP. Huế như sau: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Gia Hội.

Nhập toàn diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Đông Ba.

Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Thành lập 4 phường thuộc TP. Huế, gồm: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An.

Theo đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang; diện tích khoảng 266,06 km2. 

Như vậy, TP. Huế trong tương lai sẽ rộng gấp gần 4 lần hiện tại. Sau sắp xếp, sáp nhập, toàn TP. Huế có 36 xã, phường (29 phường và 7 xã), như vậy tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc: đạt. Ngoài ra, quy mô dân số TP. Huế sau khi mở rộng là 652.572 người, tiêu chuẩn về quy mô dân số: đạt; tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên: đạt (266km2); tiêu chuẩn về phân loại đô thị: đạt (đạt 84,72/100 điểm (mức điểm đạt là 75 điểm)…

100% đại biểu thông qua đề án

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban TVQH biểu quyết thông qua đề án . Ảnh: PNT

Tại phiên họp, sau khi chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tiếp thu, giải trình một số nội dung của đề án, các thành viên UBTVQH thảo luận, phân tích, đánh giá các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội sau khi mở rộng địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Các thành viên UBTVQH tán thành phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Huế như đã nêu ở tờ trình; tán thành phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo đề án. Đồng thời, lưu ý một số vấn đề nhằm hoàn thiện đề án có tính khả thi cao; đồng thời, biểu quyết 100% thành viên thông qua đề án về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đề án mở rộng địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế là sự cần thiết, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, là bước quan trọng phát triển vùng lõi để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Vì vậy, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đề án được thông qua, TP. Huế được mở rộng sẽ khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của TP. Huế, là cơ hội để TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới; xứng tầm là đô thị hạt nhân, một cực phát triển của vùng.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:
Các tiêu chí cơ bản đáp ứng đầy đủ

Nội dung này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, khi trao đổi về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh.

Các tiêu chí cơ bản đáp ứng đầy đủ
Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 6/3, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025” và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42 CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Băn khoăn khi bố trí công chức dôi dư, xử lý tài sản sau sắp xếp huyện, xã

Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Băn khoăn khi bố trí công chức dôi dư, xử lý tài sản sau sắp xếp huyện, xã
Return to top